'Sài Gòn, còn thương thì về!': Cái nhìn 'từ cạnh bên' về đại đô thị

Thứ Tư, 09/06/2021 01:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 6, trong đợt TP.HCM giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, tôi tìm đọc tập tản văn - truyện ngắn Sài Gòn, còn thương thì về! của Tống Phước Bảo vừa phát hành. Đọc xong, bất chợt nhận ra mình đã quá hạnh phúc khi được sống trong một thành phố không chỉ được biết tới bởi sự phồn hoa, tính năng động, mà còn bởi tràn ngập lòng bao dung.

Sách 'Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm': Ngoảnh nhìn vẻ đẹp Sài Gòn xưa

Sách 'Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm': Ngoảnh nhìn vẻ đẹp Sài Gòn xưa

Sài Gòn là thành phố như tự thay tấm áo mới, cứ không ngừng biến hóa làm ngạc nhiên với chính những thị dân của mình. Bởi vậy, một cái ngoảnh mặt nhìn lại để thấy xuyên suốt bao cuộc biến thiên, thăng trầm của lịch sử đã qua vùng đất này, có chăng là điều cần thiết.

1. Trước đây từng có nhiều nhà văn viết về Sài Gòn – TP.HCM, thậm chí viết rất nhiều và rất hay, bởi Sài Gòn là đô thị của sự hội tụ, từ kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ cho đến văn hóa - nghệ thuật. Nhưng có lẽ, với cây bút trẻ Tống Phước Bảo, thì Sài Gòn được anh chủ động “nhìn từ cạnh bên”, nên thành phố lại càng được khắc họa mới lạ và sâu đậm hơn, bởi tác giả được sinh ra, lớn lên và làm việc tại Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Nhà văn Tống Phước Bảo. Ảnh: NVCC

Dưới góc nhìn của Tống Phước Bảo, Sài Gòn là một thực thể sống với đầy đủ hình hài, tính cách và nỗi niềm, là một Sài Gòn biết vui, biết buồn và biết cảm thông sâu sắc với những phận đời gắn bó với vùng đất này.

Cảm thụ Sài Gòn bằng cả trái tim, lắng nghe và thấu hiểu mọi người xung quanh với cả lòng bao dung chính là cách mà Tống Phước Bảo đã điểm tô cho bức tranh Sài Gòn vô cùng thơ mộng, rạng rỡ tình yêu và nỗi nhớ.

Như trong tản văn Sài Gòn và những ước mơ sau chảo dẻ rang, hình ảnh 2 cha con người bán dẻ rang dưới dạ cầu Phạm Văn Đồng là sự đồng cảm của tác giả cũng như mọi người dân thành phố đối với những mảnh đời cơ cực thường bị xã hội vì lý do nào đó lãng quên. Nhưng không, cùng với những ngọn đèn đường hằng đêm luôn luôn sáng rực rỡ trên mọi nẻo đường của Sài Gòn, thì giấc mơ làm họa sĩ của cô con gái nhỏ chắc chắn không bao giờ vụt tắt, thậm chí sẽ ngày càng bừng lên bởi nghị lực và sự đùm bọc, san sẻ khó khăn của gia đình, xã hội.

Chú thích ảnh
Sách “Sài Gòn còn thương thì về!” vừa phát hành

Với nhiều người, Sài Gòn ban đầu có vẻ xa lạ, khó gần bởi sự hối hả của bộn bề công việc, nhưng thực tế thì lại càng gần càng mến và chẳng thể rời xa. Đó là hình ảnh của quầy bán báo ở một góc ngã tư đường vẫn có những người khách trung thành, hay như câu chuyện rôm rả bên ly cà phê sáng trên hè phố mà chúng ta dễ dàng bắt gặp mỗi sáng. Và cũng tại Sài Gòn, biết bao câu chuyện tình yêu thật đẹp đã đến, và cũng có những kết cái trọn vẹn, xen lẫn vài câu chuyện xa cách, chờ mong.

Sài Gòn hào sảng, gần gũi được tác giả khắc họa dung dị, như khi cơn mưa bất chợt đến thì chỉ cái mái hiên nhà cho người qua đường "đục mưa" cũng là nguồn trò chuyện của 2 nhân vật. Hay như chuyện bà ngoại của nhân vật Út kể khi lên Sài Gòn, rồi cảm thấy bất ngờ trước việc được ưu tiên lấy số vào khám ở bệnh viện, được các bạn trẻ nhường chỗ trong lúc xếp quầy tính tiền siêu thị, rồi hàng loạt câu chuyện đầy ắp tình người mà Ngoại vô tình bắt gặp.

Chú thích ảnh
Cách trình bày ruột của “Sài Gòn còn thương thì về!”

Sài Gòn là thế, luôn hào hiệp và ngập tràn tình yêu thương với mọi người và mọi lúc, kể cả trong những đợt giãn xã hội nhiều tháng trước đây để phòng chống Covid-19. Khi đó, người dân từ các vùng miền khác đến Sài Gòn - TP.HCM học tập và làm việc, vẫn bám trụ để hoàn thành công việc của mình, và Sài Gòn một lần nữa khiến tất cả thán phục với những sáng kiến, những hành động chỉ xuất phát từ trái tim mới có thể thực hiện được. Đó là những cây ATM gạo, quầy hàng 0 đồng, những suất cơm từ thiện hay đợt cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm cho bà con. Trong mùa dịch, nhưng Sài Gòn vẫn là mùa hoa thiện lành, bát ngát và mãi tỏa hương, là hơi ấm mà khiến bất kỳ ai cũng rưng rưng nước mắt, không chỉ vì tình người, lòng người, mà bởi cái cách mà người dân nơi đây sống và san sẻ với nhau.

Sài Gòn, còn thương thì về, là bởi lẽ đó.

2. Đặt mình vào người dẫn chuyện, Tống Phước Bảo đã đưa người đọc đến với một Sài Gòn của nhiều độ tuổi, nhiều vùng miền và cả quốc gia. Với họ, Sài Gòn là quê hương, là nơi lập nghiệp, là con hẻm với đủ người dân Bắc - Trung - Nam, là nét cái hồn văn hóa quê hương được gìn giữ cùng với sự năng động của phố thị hiện đại, là những buổi đêm cùng chúng bạn rong ruổi phố phường, là những cái Tết mong ngày về quê đoàn viên, nhưng rồi cũng nôn nao đến ngày trở lại vùng đất phương Nam nắng ấm. Và hơn hết, với nhiều người con phải xa Sài Gòn, ly hương lập nghiệp ở miền đất khác, thì đó là nghẹn ngào của nỗi nhớ, đặc biệt ở thời khắc Giao thừa.

Cùng với 19 tản văn, là 8 truyện ngắn được Tống Phước Bảo thể hiện đơn giản, dẫu vui nhưng cũng khéo léo chở đầy nỗi niềm. Sài Gòn hiện lên thật dung dị, từ những bữa cơm gia đình ấm áp, cho đến tình làng nghĩa xóm giữa bà đại gia với khu phố lao động nghèo - mà trung tâm là cái quán cà phê đầu hẻm - hay cao trào của sự giằng xé tình cảm giữa Lâm và An Nhiên trong một Nỗi thương lạc loài đầy sự cảm thông với cộng đồng người chuyển giới. Chưa dừng lại ở đó, nhiều truyện ngắn, như Hồn Xuân chẳng hạn, đã cho thấy giữa một đô thị hiện đại năng động vẫn còn đó tinh thần duy trì nét văn hóa và ngành nghề truyền thống của nhiều gia đình thông qua mạch kể đầy hấp dẫn. Ở đó, nghề truyền thống, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa, mà còn là sinh kế, nguồn sống của nhiều gia đình, thế hệ công nhân tại xưởng làm nhang....

Tập tản văn Sài Gòn, còn thương thì về!, có lẽ nếu chỉ đọc một lần thì vẫn chưa đủ "nước mắt" để diễn ra hết cảm xúc, nhưng tựu trung thì đó là những mẩu chuyện thật đẹp, thật đáng để chúng ta tự hào về Sài Gòn – TP.HCM, một đô thị của nghĩa tình, của đong đầy yêu thương.

Tập sách được lấy tên từ tản văn Sài Gòn, còn thương thì về! của Tống Phước Bảo, từng đoạt giải Nhất tại cuộc thi viết Thành phố tôi yêu, năm 2020.

Khoa Đặng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›