(Thethaovanhoa.vn) - Ligue 2 có lẽ là giải đấu hạng 2 duy nhất ở châu Âu khiến các tuyển trạch viên không thể không chú ý đến khi đây là nơi từng sản sinh ra những ngôi sao như Riyad Mahrez và N'Golo Kante.
Cũng vì thế, không như những giải đấu hạng 2 khác, Ligue 2 của Pháp luôn được các tuyển trạch viên tìm kiếm trong mỗi kì chuyển nhượng. Do vậy, việc Nguyễn Quang Hải của chúng ta chọn Pau, đội bóng đứng thứ 10 ở Ligue 2 mùa giải 2021-22, cũng không có gì là ngạc nhiên nếu đây là bệ phóng cho những thành công mới của anh trong sự nghiệp.
Ra đi từ Ligue 2
Bóng đá Pháp đang sản sinh ra nhiều cầu thủ đẳng cấp hơn bao giờ hết và Ligue 2 không chỉ mang lại giá trị mà còn có rất nhiều cầu thủ hiện đại với bộ kĩ năng tương thích với bất kì phong cách bóng đá nào.
Phải thừa nhận ít ai muốn chuyển sang thi đấu tại Ligue 2 vì phong cách và sự khéo léo liên quan đến các đội như Paris Saint-Germain hay Lyon, nhưng bản chất thể lực và tính cạnh tranh của thứ bóng đá được chơi ở những đội như Caen, Le Havre và Valenciennes có thể hấp dẫn không kém. Chúng ta thường thấy khả năng tổ chức chặt chẽ và tốc độ làm việc không ngừng nghỉ khi không có bóng và chuyển đổi lối chơi nhanh chóng khi giành lại được bóng, mặc dù các đội hàng đầu như Troyes, Toulouse (vô địch Ligue 1 mùa giải 2021-22) và Clermont thích giữ bóng và kiểm soát trận đấu hơn.
Việc các cầu thủ Pháp chuyển đến các giải đấu nước ngoài không phải là điều mới. Kể từ khi Arsene Wenger biến những cái tên như Patrick Vieira và Thierry Henry thành những cầu thủ đẳng cấp thế giới tại Arsenal vào cuối những năm 1990, ảnh hưởng của bóng đá Pháp - đặc biệt với Premier League - vẫn tiếp tục, nhưng trong những năm gần đây, nhiều CLB đã phải nhìn xuống kim tự tháp khi thấy rằng thị trường cầu thủ phát triển nhanh chóng.
Nhìn lại thì Arsenal một lần nữa dẫn đầu làn sóng đó bằng cách cố gắng chiêu mộ trung vệ Laurent Koscielny tại Tours năm 2009 trước khi anh khoác áo Lorient ở Ligue 1, và “Pháo thủ” chỉ có thể kí hợp đồng với anh một năm sau đó với giá khoảng 11 triệu euro. Koscielny đã có hơn 350 lần ra sân ở bóng đá Anh. Arsenal đã trở lại Lorient vì tiền vệ trẻ Matteo Guendouzi vào năm 2018 và kí hợp đồng với anh với giá khoảng 10 triệu euro, mặc dù Guendouzi sau đó được cho mượn tại Hertha Berlin ở mùa giải 2020-21 và Marseille ở mùa giải 2021-22 sau khi bất đồng với huấn luyện viên Mikel Arteta.
Tuy nhiên, Leicester được cho là đội bóng giỏi nhất trong việc tìm ra những gì Ligue 2 mang lại. Cầu thủ chạy cánh người Algeria là Riyad Mahrez đã nẫng khỏi Le Havre vào năm 2014 với giá khoảng 500.000 euro và trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trước khi chuyển đến Man City trị giá 70 triệu euro, trong khi tiền vệ người Pháp N'Golo Kante đã giúp Caen thăng hạng trước khi gia nhập Leicester vào năm 2015 với giá khoảng 8 triệu euro, sau đó chuyển đến Chelsea với mức 35 triệu euro một năm sau.
Để so sánh, các đội bóng hàng đầu ở Italy và Tây Ban Nha cũng thành công với các cựu cầu thủ Ligue 2 và Bundesliga giờ đây đã ghi nhận. Phần lớn các cầu thủ Pháp đang thi đấu tại Bundesliga đều được kí hợp đồng từ Ligue 1. Chẳng hạn như bộ đôi trung vệ Ibrahima Konate (Liverpool) và Dayot Upamecano (Bayern Munich) từng khoác áo RB Leipzig nhưng trước khi tới Đức, họ lần lượt khoác áo Sochaux và Valenciennes. Hay cầu thủ ghi bàn hàng đầu của Stuttgart, Silas Wamangituka, đến từ Paris FC, một đội bóng nhỏ nằm ở quận 13.
Hay Maxence Lacroix của Wolfsburg là bản hợp đồng mùa hè 2020 từ Sochaux, cùng đội bóng đã phát triển tài năng của cầu thủ chạy cánh rất được thèm muốn của Moenchengladbach là Marcus Thuram, người đã thi đấu ở Ligue 1 với Guingamp trước khi chuyển đến Đức. Hay Lucien Agoume, tiền vệ phòng ngự của Inter đang được cho mượn tại Spezia ở Serie A, rồi Brest ở Ligue 1, cũng bắt đầu ở Sochaux.
Lí giải thành công
Ilja Kaenzig, người đã có gần 3 năm làm tổng giám đốc của Sochaux trước khi đảm nhận vai trò tương tự tại Bochum ở Bundesliga 2 của Đức, đã giải thích về thành công của các đội bóng Pháp trong việc phát triển những tài năng hàng đầu. "CLB có truyền thống trong việc phát triển sức trẻ, vốn đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất, HLV giỏi và một mạng lưới tuyển trạch viên rộng khắp trên toàn quốc", ông nói. "Bằng cách đó, danh tiếng của học viện đã thu hút những thanh thiếu niên hàng đầu từ khắp nước Pháp và họ thường chọn Sochaux hơn là những CLB nổi tiếng. Do vị trí địa lí của CLB ngay phía Đông đất nước, chúng tôi thường chứng kiến sự ghé thăm của các tuyển trạch viên từ các vùng đất lân cận".
Đối với nhà điều hành bóng đá giàu kinh nghiệm của Thụy Sĩ, sự xuất hiện của Ligue 2 như một bối cảnh sôi động để phát triển cầu thủ và kinh doanh chuyển nhượng béo bở không phải là điều ngạc nhiên.
"Trong khi các CLB Đức và Tây Ban Nha dẫn đầu việc phát triển cầu thủ ở cấp độ học viện trong nhiều năm, thì người Pháp lại được cho là tốt nhất trong việc đào tạo cầu thủ trẻ", Kaenzig nói thêm. "Ngay cả những câu lạc bộ nhỏ hơn như Sochaux cũng thực sự ưu tiên phát triển tài năng, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngân sách hằng năm của họ. Phần thưởng là một nguồn tài năng ổn định".
"Có lẽ xu hướng ở Đức trong thập kỉ qua là phát triển những cầu thủ rất khéo léo và kĩ thuật. Các cầu thủ Pháp cũng có kĩ thuật và chiến thuật, nhưng ngoài ra còn có tốc độ, sức mạnh và khía cạnh thể lực. Thật khó để tìm được những cầu thủ có tất cả những điều đó ở các nước châu Âu khác - hoặc trên thế giới".
Hiển nhiên thì Ligue 2 chưa bao giờ được coi là mảnh đất của những bản hợp đồng đắt giá - lương thường thấp hơn nhiều so với giải Championship của Anh, Bundesliga 2 hoặc Serie B - vì vậy nếu các tuyển trạch viên tìm được ngôi sao lớn tiếp theo thì các CLB nói chung đều sẵn sàng đàm phán.
Tuy nhiên, điều này có thể sớm thay đổi. Giá trị của việc nắm giữ một CLB tại Ligue 2 như một trung tâm phát triển cầu thủ không phải không được các nhà đầu tư quốc tế chú ý đến; Sochaux và Auxerre (sẽ lên chơi ở Ligue 1 mùa giải 2022-23) thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc; Troyes gần đây đã được tiếp quản bởi City Football Group ngày càng mở rộng; Toulouse do công ty cổ phần tư nhân RedBird Capital Partners của Mỹ đứng đầu; Clermont thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Thụy Sĩ.
Thế nên, khi trình độ của cầu thủ tiếp tục được cải thiện, các tiêu chuẩn và nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên. Và sẽ có nhiều cầu thủ ra đi từ Ligue 2, trừ Anh khi Brexit cuối cùng đã khởi động và chỉ chấp nhận những bản hợp đồng đủ điều kiện từ các giải đấu hàng đầu.
Ligue 2 hưởng lợi từ Ligue 1 Kaenzig cũng đề cập đến một yếu tố khác giúp giải thích lí do tại sao Ligue 2 trở thành nơi săn lùng ưa thích của các tuyển trạch viên: "Giải hạng 2 thường lí tưởng cho những cầu thủ từ 18 đến 19 tuổi, những người chưa có cơ hội khoác áo đội 1 ngay từ các học viện của các CLB lớn. Các đội hạng 2 chơi ở cấp độ thứ 4 hiếm khi được coi là đấu trường hợp lệ cho các tài năng sắp trưởng thành và giải National, cấp độ thứ 3 của bậc thang giải đấu, thường ưu tiên những cầu thủ có kinh nghiệm hơn". Với sự dồi dào của các tài năng được sản sinh, chắc chắn không có chỗ cho tất cả những người đó bứt phá ở các CLB tại Ligue 1 và Ligue 2 nhờ đó được hưởng lợi từ những người không hoàn toàn thành công ở cấp độ trên, hoặc thực sự đã đạt được cấp độ ở học viện hàng đầu. |
Mạnh Hào
Tags