Những năm gần đây, khi xem kịch người ta thấy những nhân vật trung tâm của vở diễn đều ở lứa tuổi trung niên hoặc già, hiếm thấy nhân vật trẻ, hoặc vấn đề của người trẻ. Trong khi đó, khán giả trẻ mới thật sự là khán giả tương lai của sân khấu. Cần có một chuyển biến mạnh cho điều này, nếu sân khấu kịch muốn tồn tại và phát triển.
Thử điểm lại kịch mục của các sân khấu, sẽ thấy tỷ lệ dành cho nhân vật trẻ quá hiếm. Nhân vật trẻ ở đây là nhân vật trung tâm, chứ không phải nhân vật xoay quanh nhân vật chính. Họ phải có số phận, tâm tư, xung đột, chuyển biến, dự báo… Họ gắn với cuộc sống đã và đang diễn ra, có khi hừng hực, có khi lặng thầm, nhưng đều tác động rất lớn đến ứng xử, tính cách, mơ ước, hành động của nhân vật.
Tóm lại, vở diễn lấy nhân vật trẻ trung tâm làm hệ quy chiếu, để giải mã theo họ, chứ không phải lấy nhân vật già rồi bắt các nhân vật trẻ giải mã theo, dù cùng một chủ đề. Đó là cách mà sân khấu nên chú ý viết và dựng để chinh phục khán giả trẻ.
Vẫn còn khá thưa thớt
Nhìn lại kịch mục của 5 sân khấu tiêu biểu của TP.HCM, sẽ thấy nhân vật trẻ xuất hiện thế nào. Sân khấu Hoàng Thái Thanh đa số là bi kịch với bối cảnh xưa, nhân vật xưa, vùng quê xa ngái, như Hãy khóc đi em với cô Hạnh chung tình đến khổ sở, Bao giờ sông cạn với cô Thà cũng lặng thầm bên bến sông cũ mấy chục năm, 29 anh về kể câu chuyện từ hồi chỉ có điện tín nên hai người yêu nhau phải bặt thông tin, gây hiểu lầm, xa cách… Hầu như chỉ Sài Gòn có một ngã tư nói đến người trẻ như cô Thanh hoàn lương tìm con đường sống tốt đẹp, nhưng nhân vật này bị lấp trong ý tưởng chủ đạo nói về tình nghĩa Sài Gòn hơn là thân phận cô Thanh. Hoặc Bàn tay của trời cũng thấy số phận của người trẻ trong dòng xoáy của giáo dục, nhưng thực ra nhân vật chính lại là phụ huynh Tư Chớp đã “đạo diễn” tất cả bi kịch cuộc đời.
Sân khấu 5B chỉ có vở Tiền là số 1 nói lên giấc mơ làm giàu của người trẻ, phải đối diện bao nhiêu vất vả, cạm bẫy, cuối cùng họ chấp nhận thứ hạnh phúc giản dị bên nhau. Hoặc Bồ công anh đồng cảm với người trẻ thuộc giới tính thứ ba. Ngoài ra, những vở khác đều chưa khắc họa được người trẻ trong dòng chảy mạnh mẽ của xã hội hôm nay.
Sân khấu IDECAF có Người lạ người thương rồi người dưng là một câu chuyện đầy tính triết lý về tình yêu, với nhân vật trung tâm là người trẻ, giải mã một vấn đề mà khán giả trẻ cần trang bị khi bước vào hôn nhân. Hoặc vở Mặt nạ bong bóng cũng có nhân vật trung tâm là một thanh niên khi bước vào đời đã phải lựa chọn rằng nên bước vào vòng tròn an toàn, mặc kệ thế giới ra sao.
Sân khấu Thế giới trẻ có Bật công tắc là yêu với câu hỏi người trẻ nên sống thật với mình hay là chọn đồng tiền để rồi yêu như những con robot. Bao giờ mẹ lấy chồng cho thấy những người trẻ dũng cảm, yêu vì chính phẩm hạnh của người đó chứ không phải vì nhan sắc, tiền bạc.
Kịch Phú Nhuận có Ngôi nhà trên thuyền với nỗi đau chất độc da cam, nhưng những đứa trẻ tật nguyền vẫn tràn đầy hy vọng về tương lai khiến người lớn không thể bỏ quên trách nhiệm. Tuy nhiên, nhân vật trung tâm của vở cũng không còn trẻ nữa.
So với kịch mục gồm cả chục, vài chục vở trong nhiều năm qua, thì tỷ lệ ấy xem ra rất ít. Liệu có nên chuẩn bị thêm những kịch bản đáp ứng đúng điều mà người trẻ đang cần?
Hãy cho thấy người trẻ thấy chính họ
Người trẻ hiện nay đã có một không gian sống rất khác. Họ lọt giữa thế giới công nghiệp hóa, thế giới ảo, thế giới cạnh tranh khốc liệt từ học hành cho tới việc làm, nhà cửa… Họ sống nhanh hơn, căng thẳng hơn, dễ bùng phát, cũng dễ trầm cảm, cô đơn. Nhưng họ cũng chủ động hơn, mạnh mẽ hơn, quyết đoán, bớt cảm tính.
Khắc họa chân dung người trẻ thật sự không đơn giản, nhưng bài toán này phải cố gắng giải cho ra để đồng hành với họ. Dù sao thì người trẻ cũng cần những sẻ chia, tư vấn, hỗ trợ, động viên từ chung quanh, trong đó nghệ thuật sân khấu là một kênh có tác động rõ rệt, chứ không hẳn chỉ “mua vui cũng được vài trống canh”.
Chẳng hạn, với tình yêu, thì chắc chắn không còn kiểu chung tình như bà Thà, cô Hạnh, chung thủy một chiều, chịu đựng một chiều, hoặc hy sinh có vẻ uổng phí cho kẻ không tôn trọng mình, bỏ rơi tuổi thanh xuân. Sân khấu hãy cho thấy người trẻ đang yêu như thế nào, có cuồng vội, có tự trọng, có nắm bắt hạnh phúc hay không?
- Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM: Khi đại dịch 'bước vào' vở diễn
- Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?
- Hàng loạt tác phẩm kinh điển lên sân khấu kịch
Người trẻ đang tìm cơ hội làm việc, cống hiến ra sao? Họ phải chạy chọt vào những vị trí, hay là dùng tài năng khẳng định chỗ đứng? Kinh tế thị trường mở ra nhiều cánh cửa, nhưng không hẳn tất cả đều tốt đẹp, vẫn có những cạm bẫy dẫn đến bi kịch đó thôi. Hoặc những công nhân trẻ vùi mình trong các nhà máy với đồng lương ít ỏi và xóm nhà trọ ẩm thấp, họ có mơ ước đổi đời hay cam chịu bế tắc? Những nông dân trẻ có tìm cách thay đổi nông thôn, thay đổi phương thức sản xuất…
Rồi cả áp lực học hành khiến nhiều em học sinh bị trầm cảm, quyên sinh, hoặc ma túy, đua đòi, đều là những báo động xã hội và là đề tài nóng cho sân khấu. Thế giới ảo cũng khiến tuổi xuân bị chôn vùi oan uổng…
Một số gợi ý như thế để thấy rằng có rất nhiều người trẻ đang chờ sân khấu nói giùm họ, hoặc nói với phụ huynh để cùng hiểu biết và thương yêu đúng cách. Hoặc sân khấu phải đi trước thời đại, gợi ý, dự báo cho tương lai. Cuộc sống đã sắp bước qua 1/4 thế kỷ 21 mà dường như sân khấu lại đi chậm hơn rất nhiều.
Hoàng Kim
Tags