Cách nay 1 năm, Michelin Guide chính thức "đến" Việt Nam và sau đó đã có những cuộc "thăm dò" độc lập để chốt danh sách hơn 100 nhà hàng cùng với 4 nhà hàng đầu tiên được gắn sao Michelin.
Nhìn lại một năm trôi qua, sao Michelin liệu đã chứng tỏ được sự "lấp lánh" tới ẩm thực Việt Nam?
* Dấu ấn của ngôi sao
103 cơ sở ăn uống đạt chuẩn, với 4 nhà hàng đạt 1 sao Michelin, 29 cửa hàng được đánh giá chất lượng đồ ăn ngon, giá cả phải chăng (Big Gourmand), 70 nhà hàng trong danh sách đề xuất cho du khách (Michelin Selected) ngay khi vừa công bố đã tạo nên một "cơn sốt" cho ẩm thực Việt.
Thời điểm Michelin Guide công bố danh sách, ngành FnB Việt Nam vẫn có không ít thách thức. Hậu Covid-19, các cơ sở ẩm thực đều ít nhiều gặp cảnh đìu hiu, thậm chí là nhìn thấy rõ sự xuống sức của 1 số thương hiệu có tiếng, một số chuỗi nhà hàng phải đóng cửa.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi xuất hiện, thương hiệu Michelin giống như một bảo chứng cho doanh thu, danh tiếng, chất lượng và văn hóa của nhà hàng.
Bà Phạm Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng Thịnh, cho biết bà đã khá bất ngờ khi hai nhà hàng thuộc Công ty là Quán Ăn Ngon và Ngon Garden được xướng tên trong danh sách Michelin Selected. Đội ngũ của Michelin đã bí mật tới nhà hàng và có những đánh giá độc lập. Quán Ăn Ngon và Ngon Garden được biết đến với món ăn Việt ba miền, nhưng khác hẳn về quy mô so với các nhà hàng ở cùng danh sách nói trên. 4 nhà hàng gắn Sao Michelin bà Hạnh cũng đều đã đến và thấy điểm chung của những nhà hàng này cũng như các nhà hàng gắn sao Michelin khác trên thế giới là có rất ít chỗ ngồi. Và khi đã được gắn sao thì thường phải đặt chỗ rất lâu mới tới lượt.
Tuy khó có thể đưa ra con số về việc Michelin Selected giúp Quán Ăn Ngon và Ngon Garden thu hút thêm khách, vì lâu nay hai nhà hàng này vốn đã phục vụ số lượng lớn khách hàng. Nhưng bà Hạnh cũng chia sẻ việc lọt vào bản danh sách này thực sự cho mình và đội ngũ thêm động lực, quyết tâm làm sao duy trì chất lượng dịch vụ cũng như văn hóa kinh doanh và uy tín của nhà hàng.
Một điều thú vị mà bà Hạnh quan sát được là nhiều du khách nước ngoài đến nhà hàng, họ đã tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi bắt gặp tấm biển Michelin Selected được treo ở đây. Bởi Michelin Selected cũng là một bảo chứng, nhất là với khách du lịch nước ngoài khi đến một địa phương nào đó.
Gia, nhà hàng Hà Nội nhận 1 sao Michelin trong sự vỡ òa, gần như đã kín khách cho tới 3 tháng sau, ngay từ khi ngôi sao hãng lốp xe công bố. Những tên tuổi của cơm tấm Ba Ghiền, miến gà Kỳ Đồng, bún chả Đắc Kim, dù vẫn gây tranh cãi trong nước, nhưng lại được tìm kiếm nhiều hơn ở các diễn đàn du lịch quốc tế. Đó là điều dễ hiểu. Bởi không chỉ ở Việt Nam, ngay cả trên thế giới, cuốn sổ đỏ của anh chàng lốp xe luôn kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng cho mọi nền ẩm thực.
Theo Francis Attrazic, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Bậc thầy Pháp, sao Michelin giúp tăng doanh thu khoảng 30%. Food blogger Jovel Chan, cây bút quen thuộc người Singapore với nhiều bài viết về ẩm thực Việt Nam cũng tỏ ra khá hào hứng, khi mà Michelin vinh danh những nhà hàng mà theo cô, mang "niềm tự hào Việt Nam".
Vị đầu bếp Nhật Bản của nhà hàng Hibana by Koki, nơi duy nhất không phục vụ các món Việt và vẫn nhận 1 sao Michelin trên đất Việt, thì nói rằng Michelin cho ông một cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng trong và ngoài nước hơn. "Duy trì được chất lượng dịch vụ cũng như đồ ăn như trước thời điểm có sao Michelin là điều ưu tiên nhất bây giờ', ông nói.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: "Việc các nhà hàng VN được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong tiếp cận đến chất lượng phục vụ thế giới. Chính vì vậy, thương hiệu Michelin đến VN sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến VN".
Không chỉ dừng ở một cuốn sổ ghi danh
Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp Việt Nam - cho rằng Michelin Guide Việt Nam sẽ không dừng lại ở một cuốn sổ đỏ ghi danh các nhà hàng hay cơ sở ăn uống chất lượng, mà còn mở ra cách tiếp cận mới để du lịch ẩm thực Việt có thể cất cánh nhanh hơn dựa trên nội lực của mình.
Trả lời câu hỏi về "cú hích" mang tên Michelin với ẩm thực Việt, bà Phạm Bích Hạnh cho rằng, để ẩm thực Việt xuất hiện trên bản đồ du lịch quốc tế cần một lộ trình dài và nhiều giải pháp đi kèm. Bà cũng hy vọng những nhà hàng xuất hiện "ngôi sao" Michelin sẽ giữ được "phong độ" với những nét văn hóa ẩm thực riêng có để tạo dấu ấn với không chỉ khách hàng trong nước mà cả khách du lịch quốc tế.
Sự đồng hành của Sun Group trong việc nâng tầm ẩm thực Việt lần này, rõ ràng đã cho thấy hiệu quả có thể định lượng. Ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - cho biết: "Chúng tôi mong muốn Việt Nam không chỉ được thế giới biết đến như một điểm đến có thiên nhiên tươi đẹp, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp hay những tổ hợp vui chơi giải trí tầm cỡ, mà còn là điểm đến ẩm thực của thế giới, với những nhà hàng mang sao Michelin danh giá".
Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn I Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia" với việc trao chứng nhận cho 121 món ăn tiêu biểu của từng địa phương, đồng thời công bố giai đoạn II-2023 của đề án. Đề án có mục tiêu khảo sát, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng "Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam" và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành "Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam" và "Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam".
Là người trong nghề, đầu bếp Hungazit bày tỏ: "Giá trị của Michelin mang lại không phải là trao tên tuổi nhất thời cho các đơn vị, mà là kích hoạt những người đang "ngủ quên" cần phải nỗ lực hơn trong việc sáng tạo món ăn, cập nhật với xu hướng thế giới. "Con ngựa tốt là con ngựa chạy bền bỉ và lâu dài chứ không phải chạy khỏe nhất thời", đó là cách mà Michelin đang thổi hồn cho ẩm thực thế giới".
Tags