Vào lúc 16g30 ngày 28/2, tại Công viên Trịnh Công Sơn, phường Gia Hội, TP Huế, sẽ khánh thành tượng Trịnh Công Sơn do điêu khắc gia Trương Đình Quế (1939 - 2016) tạc. Tượng đồng nặng khoảng 500 kg, cao 170 cm, rộng 230 cm, ngang 160 cm, tạo cảm giác thân mật, gần gũi.
Đây là tâm huyết nhiều năm của ông Lê Hùng Mạnh (Công ty Gia Hòa, TP.HCM), vì để đặt tượng nơi công cộng không hề đơn giản. Ông Mạnh còn muốn dựng tượng đồng của vài văn nghệ sĩ khác, ví dụ Bùi Giáng.
Sở dĩ điêu khắc gia Trương Đình Quế được "chọn mặt gửi vàng" vì ông là một trong những nghệ sĩ tạo hình Việt Nam rất nổi tiếng, đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Ông sinh cùng năm 1939 với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định vào năm 1960, cũng là năm Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc đầu tay Ướt mi.
Giữa hai người đã có tình bạn đồng điệu trong âm nhạc và hội họa, nên ông dễ dàng thấu cảm trong việc tạo hình của người bạn thân thiết.
Bức tượng này được thực hiện tại thác Giang Điền (Đồng Nai) trong vòng một năm. "Trong quá trình tạc tượng, tôi và điêu khắc gia Trương Đình Quế đã thống nhất thể hiện tư thế, vóc dáng của ông - như các bạn đã thấy: nhạc sĩ Trịnh cúi xuống như đang nhìn vào trang sách, như đang nhìn vào chính mình. tất nhiên không thể thiếu "người bạn" đồng hành cùng ông "từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người" đến lúc "ra đồng giữa ngọ... ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không" là cây đàn ghi-ta".
"Khi chọn hình ảnh này cũng là chúng tôi tâm đắc, đồng tình với tâm niệm trong ca từ của ông: Cúi xuống. Cho tình dấy lên. Cho da thịt mềm. Cho cơn mặn nồng ngất lịm. Cúi xuống. Cho đời lãng quên. Cho mây trời chìm. Cho đêm mở hội âm thầm" - ông Lê Hùng Mạnh cho biết.
Ông Mạnh cho biết thêm: "Không những vậy, khi làm bệ cho bức tượng này, chúng tôi tán thành với suy nghĩ của KTS Hồ Viết Vinh đã chọn hình tượng con mắt: dài 650cm, rộng 350 cm, cao 55cm.
Sở dĩ như thế, bởi về hình tượng độc đáo này, Trịnh Công Sơn đã từng hướng tới một khát vọng tình người: "Những con mắt trần gian. Xin nguôi vết nhục nhằn. Những con mắt muộn phiền. Xin cấy lại niềm tin. Những con mắt quầng thâm. Xin tươi sáng một lần. Cho con mắt người tình. Ấm như lời hỏi han". Kể cả sau này, khi lấy cảm hứng từ thơ Bùi Giáng, ông cũng bày tỏ về niềm tin yêu: "Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm. Nhìn em ra đi lòng em xa vắng. Con mắt còn lại là đêm tối tăm. Con mắt còn lại là đêm nồng nàn".
Như vậy, sự phối hợp giữa điêu khắc gia Trương Đình Quế và KTS Hồ Viết Vinh là một sự nhất quán trong thông điệp của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Ước nguyện về ngày "mở hội trần gian", nay diễn ra vào lúc chúng ta đồng lòng dựng tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong dịp sinh nhật của ông là điều hết sức có ý nghĩa. Bằng tấm lòng của một người yêu nhạc, ông Mạnh và nhiều cộng sự hân hoan trao tặng bức tượng Trịnh Công Sơn do Trương Đình Quế tạc đến với thành phố Huế. Như một lời tri ân.
"Với suy nghĩ và việc làm chân thành này, chúng tôi rất vui mừng khi được sự đồng hành, tán thành, ủng hộ của chính quyền thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Chúng tôi cũng tin rằng, trong ngày hôm nay, khi tượng Trịnh Công Sơn được dựng trong công viên mang tên ông lại đúng vào sinh nhật của ông còn là niềm vui của hàng triệu người trong cả nước khi nhớ về ông. Và, chắc chắn người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta hài lòng, điêu khắc gia Trương Đình Quế cũng hài lòng bởi sinh thời cả hai đã có tình bạn đồng điệu trong sáng tạo nghệ thuật, đã nhiều lần tri âm trò chuyện trong đời thường đối ẩm" - ông Lê Hùng Mạnh nói.
Tags