'Sát thủ đầu mưng mủ' Nguyễn Thành Phong: Tìm những vẻ đẹp giản dị quanh mình

Thứ Tư, 02/07/2014 09:09 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Nổi lên từ “hiện tượng” Sát thủ đầu mưng mủ (2011), hẳn có một “bí mật” nào đó để Nguyễn Thành Phong trở thành một họa sĩ truyện tranh Việt Nam (và nổi tiếng) vào thời điểm không có nơi nào dạy vẽ truyện tranh, và thị trường tràn ngập truyện tranh nước ngoài.

Hiện Nguyễn Thành Phong và ê-kíp đang triển khai dự án Long Thần Tướng với cách thức huy động vốn cộng đồng. Mục tiêu đặt ra là huy động 300 triệu đồng để sản xuất tập đầu tiên của Long Thần Tướng, nhưng họ đã sớm cán đích với 340 triệu đồng. Dự kiến tập 1 của bộ truyện sẽ ra mắt vào tháng 9.

* Tôi tự hỏi trong suốt 1 thập niên qua anh làm thế nào để có thể kiên trì theo đuổi nghề này?

- Đó là một thực tế, rất nhiều người ở Việt Nam bắt đầu vẽ truyện tranh vì sở thích, nhưng họ không có cơ hội xuất bản tác phẩm, và đi lên chuyên nghiệp hóa. Khi họ lớn hơn, áp lực cơm áo gạo tiền khiến họ phải rẽ sang ngành khác. Có rất nhiều bạn bè của tôi đã chuyển qua làm game, đồ họa. Tôi rất may là sống được bằng nghề, tôi vẫn vẽ truyện tranh và vẽ minh họa.


Họa sĩ Thành Phong (phải) và Khánh Dương - tác giả kịch bản Long Thần Tướng

* Anh chọn theo con đường độc lập do hoàn cảnh nghề này ở Việt Nam cần phải thế, hay anh chọn vì lý do khác?

- Con đường làm truyện tranh ở Việt Nam hiện nay vẫn chông gai. Nhưng vì tôi cảm thấy phù hợp với hoạt động độc lập nên chọn như vậy. Thực ra tôi có cả may mắn và quyết tâm để theo đuổi công việc này, tôi không bị áp lực phải làm ở một công ty nào đó. Tôi đi làm từ rất sớm, ngay từ khi vào đại học tôi đã bắt đầu cộng tác với các báo trong nước và nước ngoài.

* Cách đây 10 năm những người trẻ chưa thể hình dung rằng 10 năm sau truyện tranh Việt Nam sẽ như thế nào, họ cũng không có một hình mẫu thành công nào để noi theo và gần như không có khái niệm về những nghệ sĩ độc lập.

- Thế à, tôi thấy nghề nào chẳng phải làm độc lập, đặc biệt là nghề vẽ truyện tranh, hầu như mọi người phải tự học. Hồi tôi bắt đầu đúng là chẳng có hình mẫu nào đâu, nhưng vì tôi thấy thích vẽ thì cứ làm thôi. Cũng do may mắn, và mình có nhiều cơ hội để không phải rẽ sang ngành khác.

* Nghe anh nói thì có vẻ con đường anh đi khá thuận lợi?

- Tôi cũng có thời gian khó khăn nghĩ tới chuyện đổi nghề. Bố mẹ tôi là dân mỹ thuật nên muốn tôi đi theo con đường chính thống. Lúc đó bố mẹ không hiểu công việc tôi đang làm, mà tôi cũng không thể giải thích. Có giai đoạn rất căng thẳng. Rồi có những thời điểm thị trường đi xuống, không có đất để làm truyện tranh. Nhưng rồi cũng vượt qua. Tôi nghĩ trong một thị trường ít người làm truyện tranh, mình cứ làm việc nghiêm túc thì sẽ có người ủng hộ. Mình đầu tư cho nghề không phải vì mình muốn hơn người khác, mà để thỏa mãn chính những yêu cầu của bản thân mình.

* Những người vẽ truyện tranh hiện đại tại Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ truyện tranh Nhật Bản. Làm cách nào để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Manga?

- Cách tốt nhất là đừng cố thoát, mình cứ làm những gì mình thích, tự xây dựng những câu chuyện riêng của mình, phong cách vẽ tự nó sẽ đến thôi. Thời gian đầu tôi cũng muốn tìm phong cách đặc trưng của riêng mình, nhưng tự thấy trong nghề sáng tạo mà cứ cố ép, khiên cưỡng quá sẽ khó đạt được. Khi tôi làm truyện một thời gian, thay vì đánh giá cao nét vẽ thì nay tôi đánh giá tầm quan trọng của câu chuyện hơn. Đọc truyện tranh Việt Nam, tôi nghĩ điều đọng lại có khi không phải là nét vẽ đó có Việt Nam hay không mà là câu chuyện, cách nói năng của nhân vật, không khí, bối cảnh trong truyện có tạo được sự gần gũi khiến bạn đọc thấy là Việt Nam hay không.


Tạo hình nhân vật Long Thần Tướng

* Các cậu con trai thường rất muốn tạo ra những hình tượng siêu anh hùng. Anh bắt tay làm Long Thần Tướng có bắt nguồn từ kiểu cảm hứng đó?

- 10 năm trước đúng là tôi nghĩ thế, nhưng bây giờ bớt thích những nhân vật siêu anh hùng rồi, thậm chí tôi thấy hơi trẻ con. Tôi chỉ muốn vẽ những câu chuyện thực sự lôi cuốn với bản thân mình, thể hiện nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Tôi không nghĩ gì đến những điều to tát đâu, chỉ muốn vẽ những điều xung quanh mình và tìm ra những vẻ đẹp giản dị trong đó. Nhân vật Long Thần Tướng là một anh hùng, có nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng vẫn rất đời. Mọi người đọc truyện sẽ thấy bất ngờ, có những nhân vật trông vậy mà không phải vậy.

* Điều gì khiến các anh từ thời học trung học đã muốn bắt tay ngay vào làm một bộ truyện đậm chất lịch sử, đó là một mảng rất khó?

- Hồi trung học tôi thích đọc sách lịch sử. Mà chị biết đấy, câu chuyện nhà Trần chống quân Nguyên Mông là một câu truyện tràn đầy cảm hứng. Ở đó có nhiều đất để tôi thể hiện sự quan sát của mình. Chúng tôi làm truyện dã sử, nên có thể đưa thêm kiến giải, ý tưởng riêng của mình vào. Đó là cơ hội để sáng tác.

* Được biết anh đã kết hợp với Trần Quang Đức, tác giả gần đây rất nổi với cuốn Ngàn năm áo mũ, vì sao anh cần anh ấy?

- Trước đây khi làm Long Thần Tướng chúng tôi thiếu tư liệu, phải phóng tác rất nhiều. Tôi nhận ra hồi đó mình muốn làm những thứ thuần Việt, nhưng nếu thiếu nghiên cứu thì chỉ là nhu cầu duy ý chí mà thôi. Khi làm với Trần Quang Đức chúng tôi hiểu hơn nhiều về lối sống, cách ăn mặc, quan niệm, văn hóa tư tưởng của các thời đại. Chúng tôi muốn chuyên nghiệp hơn.

Trước đây khi mô tả về những vị tướng hầu như các họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam đều vẽ một người đàn ông râu dài, đầu quấn khăn. Đơn cử vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, vốn là một hoạn quan nhưng cũng được vẽ râu. Rõ ràng là một cách làm rất rập khuôn. Chúng tôi sẽ vẽ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo để đầu trọc. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc đấy, nhưng căn cứ theo sử liệu thì thời Trần, đàn ông nhiều người để đầu trọc. Sứ thần Nguyên khi gặp Trần Hưng Đạo đã tưởng ông là một vị sư phương Bắc.

Nghiên cứu lịch sử sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.

* Xin hỏi tác giả cuốn Sát thủ đầu mưng mủ, sách của anh bán rất chạy sau khi bị thu hồi. Cá nhân anh cảm thấy thế nào về điều này?

- Có nhiều thứ tréo ngoe trong cuộc sống. Thực ra trước khi ra sách chúng tôi biết tác phẩm dạng này sẽ gây tranh cãi, nhưng rất bất ngờ khi báo chí vào cuộc, có cả khen lẫn chê, nhà xuất bản hoảng quá đi thu hồi. Tôi cũng không ngờ nhiều người quan tâm đến cuốn này, thấy vui vì nhiều người thích. Khi sách bị thu, tôi có hụt hẫng một chút. Nhưng từ đây tôi cũng có kinh nghiệm hơn.

* Hỏi thực sách bán chạy như vậy thù lao cho họa sĩ có lớn không?

- Tôi cũng chỉ được trả như những nhà văn bình thường thôi. Thù lao này chưa là gì so với các lĩnh vực khác trong ngành xuất bản, thậm chí hơi thấp so với công sức bỏ ra. Nó là đặc thù rồi, vì xuất bản vốn không dễ dàng gì.

* Anh có cảm thấy cô đơn trên con đường rất ít người đi này không?

- Tôi có nhiều bạn làm truyện tranh ở Việt Nam, chơi với nhau, hỗ trợ nhau, không đến nỗi quá cô đơn. Mà đôi khi cô đơn cho mình sự yên tĩnh, yên tâm làm công việc sáng tạo.

* Anh có tin vào số mệnh không, như kiểu nhân vật Long Thần Tướng sinh ra đã được trao sứ mệnh làm người hùng cứu nước?

- Tôi có phần nào tin vào số mệnh. Nhưng thú thực là những người được trao sứ mệnh thì khổ lắm, nên tôi không thích ý nghĩ số mệnh trao cho mình trọng trách làm một họa sĩ. Đây là một công việc tôi thích thôi, nếu một ngày nào đó hết hứng thú tôi sẽ làm việc khác. Tôi luôn nghĩ rằng mình cởi mở trong tư duy, không định kiến thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›