Trong suốt chiều dài lịch sử Trái Đất, loài người và 'họ hàng' vượn nhân hình được cho là những loài động vật duy nhất biết tạo ra và sử dụng công cụ bằng đá, theo các hồ sơ khảo cổ.
Đây được coi là Thời đại Đồ đá - một thời kỳ tiền sử kéo dài khoảng gần 3.4 triệu năm và kết thúc vào giai đoạn khoảng từ 8700 TCN tới năm 2000 TCN, cùng với sự ra đời của các công cụ bằng kim loại. Trong giai đoạn này, đá đã được sử dụng rộng rãi để tạo ra các công cụ có cạnh sắc, đầu nhọn hoặc một mặt để đập. Các công cụ đá được chế tạo từ nhiều kiểu đá khác nhau. Ví dụ, đá lửa và đá phiến silic được mài sắc (hay được đẽo) để làm công cụ cắt gọt và vũ khí, trong khi đá basalt và sa thạch được dùng làm công cụ, như đá nghiền.
Với lợi thế về mặt công cụ, cùng sự vượt trội về trí tuệ và dân số, loài người đã chiếm được vị trí đứng đầu chuỗi thức ăn. Những loài động vật đã từng coi con người là con mồi hay những loài động vật to lớn có khả năng làm hại đến tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng đã phải khuất phục. Có thể nói, học cách sử dụng các công cụ bằng đá là khởi đầu của trí tuệ con người.
Tuy nhiên, các phát hiện mới nhất cho thấy, số lượng các loại động vật biết tạo ra các công cụ từ đá và đang trong thời kỳ Đồ đá nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Các loài linh trưởng đang trong thời kỳ Đồ đá
Tinh tinh (Pan troglodytes) đã sử dụng công cụ như búa và đe làm bằng đá trong nhiều thiên niên kỷ. Theo nghiên cứu được công bố năm 2007 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, tinh tinh ở Bờ Biển Ngà đã sử dụng những công cụ này cách đây 4.300 năm.
Như vậy, thời kỳ Đồ Đá của Tinh Tinh thậm chí còn xuất hiện trước sự ra đời của các ngôi làng làm nông, chuyên định canh định cư của loài người tại các khu vực ở rừng nhiệt đới Châu Phi.
Khỉ Capuchin (Sapajus libidinosus) ở Brazil cũng sử dụng công cụ bằng đá để nghiền các loại hạt từ cách đây 3.000 năm. Theo những phát hiện được đăng tải trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, kiểu dáng các công cụ bằng đá của chúng đã thay đổi qua hàng thiên niên kỷ để đáp ứng với các loại đồ ăn khác nhau.
Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những công cụ bằng đá từng được loài khỉ đuôi dài Miến Điện (Macaca fascicularis aurea) sử dụng để mở vỏ sò trên một bãi biển ở Thái Lan. Theo đó, những công cụ này có thể đã được sử dụng từ năm 1950 đến năm 2004.
Nhìn chung, với vẻ bề ngoài khá thô sơ, một chiếc búa đá được làm ra bởi một con tinh tinh khó có thể cạnh tranh về độ tinh xảo của một chiếc rìu cầm tay của con người cổ đại. Nhưng đó không phải là vấn đề. Những loài linh trưởng này đã phát triển một nền văn hóa sử dụng thường xuyên các công cụ làm từ đá. Điều đó có nghĩa là chúng đã bước vào thời kỳ Đồ đá.
Vì sao các loài linh trưởng biết cách sử dụng công cụ bằng đá?
Ở thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ lý do vì sao những loài linh trưởng này có thể học cách sử dụng các công cụ bằng đá. Ở mỗi loài linh trưởng, việc sử dụng công cụ được cho là là một hành vi xã hội học được từ cha mẹ mình và các thành viên khác trong đàn.
Trong trường hợp của tinh tinh, các công cụ bằng đá sơ khai cho thấy tập tính của chúng được thừa hưởng bởi tổ tiên chung của con người và tinh tinh. Tuy nhiên, cũng có thể con người và tinh tinh đã học cách sử dụng các công cụ đá một cách độc lập với nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với các loài động vật biết sử dụng các công cụ bằng đá khác.
Khá thú vị, bản thân các nhóm linh trưởng khác nhau lại sử dụng các loại công cụ bằng đá khác nhau. Ví dụ, một số nhóm tinh tinh sử dụng một chiếc búa tạo ra bằng đá đề nghiền nát các loại hạt, vốn được đặt trên một chiếc đe cũng làm từ đá.
Cũng phải nói thêm rằng, việc một loài động vật bước vào "thời kỳ đồ đá" không có nghĩa là loài đó sẽ sớm đi theo quỹ đạo tiến hóa và phát triển của con người, khi chúng ta bước vào thời đại đồ đồng, thời đại đồ sắt và cuối cùng đạt đến thời đại thông tin như ngày nay chúng ta đang sinh sống.
Nó cũng không đồng nghĩa với việc những loài động vật biết sử dụng đá làm dụng cụ sẽ thông minh hơn các loài khác. Thay vào đó, các loài động vật khác có thể làm ra các công cụ tương tự từ gỗ hay lá cây.
Trong trường hợp của con người, mặc dù thuật ngữ Thời kỳ Đồ đá được đặt tên theo những công cụ còn sót lại, trên thực tế, chúng ta "không chỉ sử dụng mỗi đá làm công cụ."
"Thời kỳ đồ đá" của các loài động vật khác cũng vậy. Ví dụ, loài tinh tinh sử dụng những mảnh vỏ cây dài để bắt mối. Chúng cũng sử dụng cây thuốc để điều trị vết thương. Trong nhiều trường hợp, các các công cụ làm từ thực vật thực sự phức tạp hơn.
Được biết, sau các loài linh trưởng, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ làm sáng tỏ lịch sử của một loài động vật sử dụng công cụ bằng đá khác: rái cá biển. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã đã quan sát rái cá biển đập vỏ của các con vẹm trên đá. Điều này đồng nghĩa với việc, số lượng loài vật đang trong thời kỳ Đồ đá sẽ còn tăng lên thời gian tới.
Tham khảo Live Science
Tags