- Bí quyết lạ mà vua đầu tư dặn con: Khi nghèo nên hào phóng, nhưng khi giàu hãy âm thầm tiêu tiền cho bản thân
- Mang danh giàu nhất thế giới, Elon Musk tiêu tiền vào đâu mà không mua nhà riêng?
- Để tuổi trung niên an nhàn, rủng rỉnh nhớ 3 nguyên tắc: Kiếm tiền phải nhanh, tiêu tiền cần chậm, tiết kiệm đều đặn
- Tuổi 32 của nữ triệu phú Taylor Swift: Ra album mới 'làm sập' cả Spotify, là trùm BĐS nhưng chỉ thích tiêu tiền... cho người khác
Cách đây không lâu, cậu bạn thân gọi điện cho tôi nói hôn lễ định tổ chức tháng sau bị hủy bỏ.
Tôi ngạc nhiên, vội vã hỏi chuyện gì xảy ra.
Cậu ấy vừa buồn vừa tức giận nói: "Không biết cô ấy nghe ai nói gì, bắt tôi phải đưa hết toàn bộ tiền lương cho cô ấy, nếu không, tức là không yêu cô ấy!
Yêu nhau 5 năm, sao tôi không yêu cô ấy được cơ chứ?
Nhưng chuyện tiền lương nó là vấn đề nguyên tắc, tôi không đồng ý được!"
Câu chuyện tình yêu vốn tốt đẹp, bỗng dưng đứt gánh, chỉ vì chuyện tiền lương…
Sau khi kết hôn, có nên đưa hết tiền lương cho vợ?
Cùng xem câu trả lời của 3 người đàn ông này, có lẽ, bạn sẽ ngộ ra được điều gì đó!
Long, 37 tuổi, "Đàn ông đưa tiền cho vợ mới là đàn ông đích thực"
Tôi sẵn sàng đưa hết tiền cho vợ.
Vì tính chất công việc, tôi đi làm ở tỉnh khác, chỉ Tết mới về nhà.
Mọi việc ở nhà, từ bố mẹ tới con cái, tất cả đều một tay vợ tôi chăm lo.
Chúng tôi có hai đứa con vẫn còn nhỏ tuổi.
Mẹ bị bệnh xương khớp, đi lại không tiện.
Cách đây không lâu, mẹ tôi đi không cẩn thận nên bị ngã, phải nằm viện.
Còn tôi, một đứa con làm việc xa nhà, chỉ biết lo lắng.
Vợ ngoài miệng nói không sao, nói cô ấy lo được hết, nhưng tôi biết, một mình cô ấy không hề dễ dàng.
Cô ấy không phải người cùng quê với tôi, vì chăm sóc cho gia đình, hiếm khi cô ấy về được nhà đẻ.
Tôi luôn thấy rất có lỗi với cô ấy.
Người ta nói đàn ông là trụ cột gia đình, nhưng vợ mới là cây gậy như ý.
Vì vậy, điều duy nhất hiện tại tôi có thể làm chính là gửi thật nhiều tiền về cho gia đình, có bao nhiêu đưa cô ấy hết bấy nhiêu.
Để cả nhà không lo cái ăn cái mặc, để vợ yên tâm chăm sóc gia đình, không có gánh nặng kinh tế.
Bận rộn tới mấy, vất vả tới mấy, chỉ cần nghĩ tới dáng vẻ vui mừng của vợ khi cầm tiền, nghĩ tới việc cả nhà được ăn ngon mặc đẹp, sống sung túc, trong lòng tôi cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Cảm ngộ:
Có một câu nói như này:
"Một người đàn ông có năng lực và chịu tiêu tiền vì bạn, chưa chắc anh ta đã yêu bạn.
Nhưng một người đàn ông kiếm được 100 ngàn, sẵn sàng đưa bạn 99 ngàn, anh ta chắc chắn yêu bạn."
Tiền không đủ tiêu chuẩn để định nghĩa tình cảm nhưng nó có thể đo được người đàn ông có thực sự quan tâm đến bạn hay không.
Một người đàn ông sẵn sàng chủ động đưa tiền lương cho bạn, có nghĩa là anh ta hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng bạn từ tận đáy lòng, coi bạn là bà chủ thực sự của gia đình.
Đàn ông thường đóng vai trò bươn chải bên ngoài để cải thiện cuộc sống gia đình, vì điều đó, họ giao cả gia đình lại cho người phụ nữ, nhưng bản thân họ cũng sẽ luôn cảm thấy mắc nợ, và vì vậy, họ tự nguyện nộp tiền lương.
Người vợ đồng thời cũng sẵn sàng dùng đôi vai yếu ớt của mình để gánh vác niềm tin này, gánh vác cả gia đình, giảm bớt âu lo cho chồng.
Sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau chính là chìa khóa cho sự hòa thuận và hạnh phúc trong một gia đình.
Nam, 35 tuổi: Sau ba năm 'chia đều', chúng tôi từ 'bạn cùng nhà' thành 'vợ chồng'
Về vấn đề tiền lương, tôi và vợ từ khi còn yêu nhau đã nói rất rõ với nhau về chuyện này.
Sau khi kết hôn, chúng tôi tiền ai người nấy quản, không can thiệp, tự do tài chính.
Sở dĩ như vậy là bởi trước đó hai chúng tôi đã quen như vậy.
Khi đó, vì công việc của tôi có sự thay đổi, cần phải đổi chỗ thuê nhà.
Ngày chuyển tới đó, cô ấy tình cờ ở phòng cạnh bên.
Ban đầu, chúng tôi chỉ là bạn cùng nhà bình thường.
Làm gì cũng chia đều là để tránh những bất đồng và không vui do tiền bạc mang lại.
Ở cùng lâu ngày, chúng tôi nảy sinh tình cảm và chính thức tiến tới với nhau.
Tôi làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân, thu nhập khá.
Cô ấy làm việc tự do, kiếm tiền nhờ công việc vẽ tranh, đôi khi lương còn cao hơn cả tôi.
Sau khi xác định mối quan hệ, chi tiêu hàng ngày vẫn rạch ròi như cũ, chưa từng cãi nhau vì chuyện tiền nong.
Yêu nhau 3 năm, chúng tôi quyết định kết hôn.
Tính tới chi tiêu cho gia đình sau này, chúng tôi lập ra một tài khoản chung, mỗi tháng hai vợ chồng sẽ đóng vào đó một số tiền đã thống nhất.
Những lúc này lúc kia có thể châm chước cho nhau, không tính toán nhiều.
Đối với mô hình cởi mở và trung thực, đơn giản và trực tiếp này, cả hai chúng tôi đều rất hài lòng.
Cảm ngộ:
Không ít cặp vợ chồng chủ trương mô hình hôn nhân kiểu này, mọi chi phí được chia đều, hai người hoàn toàn độc lập về tài chính và tài sản là của riêng.
Anh quản tiền của anh, tôi quản tiền của tôi.
Đối với các cặp vợ chồng có cùng quan điểm về tiền bạc, đây là biểu hiện của sự bình đẳng và tôn trọng giữa vợ và chồng, và họ có thể duy trì một mức độ linh hoạt nhất định dưới tiền đề cùng chia sẻ trách nhiệm và rủi ro.
Bản thân việc "tiền ai người nấy quản" là tốt, nhưng nó có một phạm vi ứng dụng nhất định.
Xử lý không đúng cách dễ dẫn đến tình trạng vợ chồng thiếu gắn bó, tin tưởng, lâu dần xa lánh nhau.
Không tính toán, không ích kỷ, đó mới là chiếc áo giáp vững chắc nhất để duy trì mối quan hệ vợ chồng.
Đại, 47 tuổi, giáo sư mỹ thuật: "Tiền, tất nhiên phải đưa cho người biết quản lý"
Có nên giao lương cho vợ, tôi nghĩ rất nhiều người hiểu sai về vấn đề này.
Bởi lẽ bản chất của vấn đề không phải là ai quản lý tiền, mà là ai biết quản lý tiền.
Hàng ngày, ngoài việc dạy học, tôi dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để đi vẽ phong cảnh, hoặc giao lưu với đồng nghiệp.
Tôi không nhạy bén với những con số, thiếu khái niệm về tiền bạc, không có kế hoạch tiêu tiền chứ đừng nói đến việc lập kế hoạch chi tiêu.
Vợ tôi thì khác.
Cô ấy cẩn thận hơn tôi, biết tính toán thu chi.
Bởi vì tôi biết những thiếu sót của mình, còn vợ tôi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, nên sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định giao quyền tài chính cho vợ.
Chuyện chi tiêu, tiền bạc trong đối nhân xử thế đều được vợ giải quyết rất chu đáo nên tôi không phải lo lắng gì cả.
Bao năm qua, vợ là người sát sao tất cả, cô ấy thu xếp từng khoản tiền hợp lý, không tiêu xài hoang phí, cũng không để đồng tiền mất giá.
Vợ cũng sẽ đáp ứng các chi phí chi tiêu hàng tháng của tôi, và thậm chí còn cho tôi thêm tiền tiêu vặt.
Trên thực tế, hầu hết mọi người đều có khả năng kiếm tiền, nhưng không phải ai cũng có khả năng quản lý tiền.
Sẽ là tốt nhất nếu vợ hoặc chồng biết cách lên kế hoạch, giỏi đầu tư, cân đối chi tiêu của cả nhà.
Để vợ quản lý tiền bạc, thứ cô ấy quản lý không chỉ là những con số mà còn là chất lượng sống của cả một gia đình.
Từ khi vợ trở thành "Bộ trưởng Bộ Tài chính" của gia đình, tôi vui vẻ thoải mái, không những không lo lắng mà còn vô cùng an tâm.
Cảm ngộ:
Trong cuốn "Kiêu hãnh và định kiến" có một câu nói như này:
"Một cuộc hôn nhân chỉ nghĩ đến tiền là sai lầm, một cuộc hôn nhân không nghĩ đến tiền là ngu ngốc."
Trong hôn nhân, việc ai quản lý tiền bạc sẽ phù hợp hơn thường phụ thuộc vào sự tin tưởng, ăn ý và khả năng quản lý tài chính của cả hai bên.
Bất kể ai nắm giữ quyền lực tài chính, mục đích cuối cùng cũng đều là làm cho gia đình hạnh phúc và hòa thuận, và làm cho cuộc sống tốt hơn.
Chỉ khi hai vợ chồng đạt được sự đồng thuận và thẳng thắn với nhau về tiền bạc, họ mới có thể ổn định cuộc sống.
Lời kết,
Có ai đó nói rằng:
"Sẽ có một lúc nào đó trong cuộc sống bạn nhận ra rằng, vài đồng bạc lẻ thôi cũng có thể khiến một người mạnh mẽ tới mấy phải hoang mang lo lắng."
Tiền là một thứ vật chất, những nó cũng là niềm tin lớn nhất để những người bình thường chúng ta tồn tại.
Chúng ta thường tránh nói về tiền, nghĩ rằng nói về tiền sẽ làm tổn thương mối quan hệ, tuy nhiên, những quan điểm khác nhau về tiền bạc sẽ dần tiêu hao tình cảm của nhau.
Là chồng, có nên đưa lương cho vợ?
Không bao giờ có cái gọi là câu trả lời tiêu chuẩn cho câu hỏi này.
Vì một cuộc hôn nhân hạnh phúc không bao giờ phụ thuộc vào việc ai quản lý tiền bạc, mà phụ thuộc vào việc họ có đồng lòng hay không.
Bề ngoài, chúng ta nói về tiền bạc, nhưng thực ra, đó là về tình yêu, điều chúng ta nói đến là sự tin tưởng và chung thủy giữa vợ và chồng.
Tags