Sau suy thoái chưa từng có, Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong quý III

Thứ Năm, 29/10/2020 21:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/10, sau khi suy thoái ở mức kỷ lục, kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất từ trước đến nay, khi tăng trưởng trong quý III đạt 33,1%.

FED đánh giá khả năng vượt khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ

FED đánh giá khả năng vượt khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ

Ngày 13/10, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, khẳng định việc FED duy trì tỷ lệ lãi suất gần bằng 0 trong nhiều năm là "phù hợp" với tình hình hiện nay.

Đây là mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1947. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm 31,4% trong quý II, cũng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, và giảm 5% trong quý I. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chính việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng chi tiêu đã góp phần giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong quý III. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo phần lớn thành quả này là do gói hỗ trợ trị giá hơn 3.000 tỷ USD của Chính phủ Mỹ trong những tuần đầu của đại dịch. Các dữ liệu khác cho thấy chi tiêu đã hạ nhiệt trong tháng 9 và quá trình phục hồi cũng đang đi xuống.

Người lao động bên ngoài Văn phòng Sở Lao động thành phố New York (Mỹ) ngày 8/5. Ảnh: THX/TTXVN
Người lao động bên ngoài Văn phòng Sở Lao động thành phố New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 24/10 là 751.000 người, giảm 40.000 người so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ hai liên tiếp số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm và là mức thấp nhất kể từ khi các doanh nghiệp đóng cửa khiến số người nộp đơn tăng lên mức kỷ lục là 6,8 triệu người trong tháng 3. Dù con số này đang giảm dần song vẫn cao hơn mức 665.000 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính từ năm 2007-2009.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, đã hết hạn.

Theo hãng tin Reuters (Anh), mặc dù gói cứu trợ trị này của Chính phủ Mỹ đã giúp thúc đẩy tiêu dùng, nhưng những tác động nặng nề của tình trạng suy thoái do dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế mất ít nhất một năm mới có thể phục hồi.

Trong tổng số 22,2 triệu người Mỹ bị mất việc làm trong thời kỳ dịch bệnh, mới chỉ có một nửa trong số này có việc làm trở lại. Trong những tuần gần đây, các doanh nghiệp lớn thông báo sa thải hàng nghìn lao động, trong đó có khoảng 7.000 lao động bị cắt giảm bổ sung theo thông báo ngày 28/10 của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing.

Trước tình hình này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các thể chế tài chính khác đang kêu gọi về đợt hỗ trợ mới của chính phủ nhằm ngăn chặn làn sóng thất nghiệp và đóng cửa doanh nghiệp mới.

Đặng Ánh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›