Sau tấm HCV Olympic lịch sử, Novak Djokovic tuyên bố anh muốn có mặt Los Angeles 2028. Nhưng trước mắt, hãy nghĩ một giải đấu lớn khác, cũng trên đất Mỹ.
Đó chính là US Open 2024, giải đấu mà Djokovic có lẽ cũng rất muốn chinh phục để đạt được cột mốc 25 Grand Slam, vượt qua kỷ lục mà anh và huyền thoại Margaret Court đang cùng nắm giữ.
Djokovic không phải chứng minh gì nữa
Với tất cả những sự tôn trọng dành cho Roger Federer và Rafael Nadal, chúng ta phải thừa nhận rằng Djokovic thực sự vượt qua họ một cách thuyết phục để trở thành Tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử (GOAT).
Sau chiến tích ở Paris, trang chủ ATP đã đưa ra một thống kê đáng chú ý về Big Three, và nó cho thấy Djokovic toàn diện và đủ đầy như thế nào. Anh đoạt nhiều Grand Slam nhất (24, so với 22 của Nadal và 20 của Federer), nhiều ATP Finals nhất (7, so với 6 của Federer, và 0 của Nadal), nhiều Master 1000 nhất (40, so với 36 của Nadal, và 28 của Federer). Tính tổng cộng các danh hiệu lớn, Djokovic (72) vượt trội hoàn toàn so với Nadal (59) và Federer (54). Đó là chưa kể hơn 400 tuần trên ngôi số một thế giới – một cột mốc rất khó để vượt qua.
Trong sự nghiệp của mình, Djokovic đã sưu tập trọn bộ Grand Slam cộng thêm HCV Olympic, chức vô địch ATP Finals, cũng như toàn bộ các giải đấu trong hệ thống Masters 1000. Để so sánh, Nadal chưa bao giờ vô địch Paris Masters, Miami Masters, và ATP Finals. Federer thì chưa bao giờ đăng quang ở Monte Carlo Masters, Rome Masters, và cũng chưa bao giờ đoạt HCV đơn Olympic. Federer thì đã giải nghệ, trong khi Nadal dù chưa chính thức đưa ra lời chia tay, nhưng ít ai tin anh có thể gặt hái nốt những danh hiệu còn thiếu ấy.
Djokovic đã giành 72 chức vô địch lớn sau 225 giải đấu lớn, tức là trung bình cứ tham dự 3,1 giải lớn là anh lại một lần đăng quang. Kể từ năm 1990, khi hệ thống Masters 1000 – với tên gọi ban đầu là Championship Series – được đưa vào lịch thi đấu, anh là tay vợt có tần suất vô địch cao nhất. Để so sánh, tỷ lệ này của Nadal là 3,5 (59/208). Tiếp theo là Federer (4,4 - 54/240), Pete Sampras (4,9 - 30/147), Andre Agassi (6,1 – 27/164), Andy Murray (9,5 - 20/191).
Djokovic không cần phải chứng tỏ gì nữa bởi anh đã chinh phục tất cả. Nhưng với bản năng chinh phục, anh có thể sẽ kiếm tìm những cột mốc khác. Chỉ một chức vô địch nữa, anh sẽ trở thành thành viên thứ ba của CLB 100 danh hiệu. Với phong độ vẫn ở đỉnh cao như Nole, việc vượt qua những cột mốc của Roger Federer (103) và Jimmy Connor (109) không phải là bất khả thi.
Chờ cột mốc 25 Grand Slam
Sự nghiệp của Djokovic đã hoàn chỉnh chưa? "Có và không", anh trả lời cánh phóng viên sau chiến tích vừa qua, "Nó hoàn chỉnh vì với tấm HCV này, tôi đã gặt hái mọi chiến tích. Nhưng chưa, vì tôi yêu môn thể thao này, tôi thi đấu không chỉ để vô địch mà tôi yêu thích sự cạnh tranh. Tôi yêu thích động lực, mỗi ngày, mỗi tuần, thích việc rèn luyện cơ thể, hoàn thiện lối chơi, chứng tỏ bản thân, kể cả ở độ tuổi này".
Dù có những khác biệt về thời đại cũng như giới tính, song không khó để nhận thấy rằng 24 Grand Slam của Djokovic ấn tượng hơn Magaret Court, bởi phần lớn những danh hiệu lớn của huyền thoại nữ người Úc giành được là trước kỷ nguyên Mở - khi nhiều tay vợt chuyên nghiệp vắng mặt. Nhưng chắc chắn, Djokovic muốn độc chiếm kỷ lục ấy. Và màn trình diễn ấn tượng trước Alcaraz vừa rồi như một động lực để anh hướng tới ngôi sao thứ 25 ở đấu trường Grand Slam.
Ở Olympic 2024, người ta thấy một hình ảnh Djokovic mạnh mẽ hơn hẳn so với tại Roland Garros và Wimbledon. Nhưng cần phải thực tế rằng sẽ không dễ để anh duy trì thành tích ấy ở US Open bởi những khác biệt về mặt sân, và đặc biệt là về thể thức. Việc chơi với thể thức 5 set thắng 3 chắc chắn sẽ là thử thách lớn hơn nhiều so với 3 set thắng 2 ở Olympic. Nole ở tuổi 37 thi đấu dựa vào kinh nghiệm nhiều hơn là vào sức, song nếu rơi vào những màn marathon thể lực, anh là người bất lợi hơn so với thế hệ trẻ như Carlos Alcaraz và Jannik Sinner.
Tất nhiên, nếu không thể thành công ở US Open 2024, Djokovic vẫn có thể chuyển mục tiêu giành Grand Slam thứ 25 sang Australian Open 2025, trên mặt sân ưa thích của mình. Và xin nhắc lại, anh không còn phải chứng tỏ gì nữa, sau tất cả những gì đã đạt được.
Bảng vàng của Djokovic
- Số danh hiệu: 99 (thứ 3 trong Kỷ nguyên mở)
- Số danh hiệu Grand Slam: 24 (thứ 1 – bằng Margaret Courgtg), bao gồm:
+ 10 Australian Open ((2008, 2011, 2012, 2013, 2015, 2016, 2019, 2020, 2021, 2023)
+ 3 Roland Garros (2016, 2021, 2023)
+ 7 Wimbledon (2011, 2014, 2015, 2018, 2019, 2021, 2022)
+ 4 US Open (2011, 2015, 2018, 2023)
- Số danh hiệu ATP Finals: 7 (2008, 2012, 2013, 2014, 2015, 2022, 2023)
- Số HCV Olympic: 1 (2024)
- Vô địch Davis Cup: 1 (2010)
- Thành tích thắng – thua: 1116 – 220
- Tổng số tiền thưởng: 184,265,269 USD (số 1 trong lịch sử)
Phương Chi
Tags