Saudi Arabia đang phá vỡ trật tự bóng đá thế giới?

Thứ Tư, 14/02/2024 12:00 GMT+7

Google News

Khi câu lạc bộ Saudi Arabia Al-Hilal lên kế hoạch chi 1 tỷ euro để ký hợp đồng với siêu sao Kylian Mbappe - bao gồm 300 triệu phí chuyển nhượng và gói lương 700 triệu euro/năm – họ đã bị các nhà phê bình thể thao chỉ trích.

Mbappe có thể đã từ chối những lời đề nghị vào tháng 7/2023, nhưng một tháng sau, Neymar đã đồng ý gia nhập Al-Hilal từ PSG với mức phí khoảng 90 triệu euro. Trong kỳ chuyển nhượng kỷ lục vừa qua, các CLB của giải Saudi Pro League (SPL) đã chi gần 1 tỷ euro để mua 94 ngoại binh đến từ các giải đấu lớn của châu Âu như Ligue 1 (Pháp), La Liga (Tây Ban Nha) Serie A (Ý), Bundesliga (Đức) và Ngoại hạng Anh.

Saudi Arabia làm náo loạn thị trường chuyển nhượng

Bất chấp vấn đề về nội bộ tại quốc gia Trung Đông này, việc Saudi Arabia chi rất nhiều tiền để biến giải VĐQG của họ thành một giải đấu có sự góp mặt của các ngôi sao hàng đầu thế giới cho thấy tham vọng nghiêm túc của họ.

Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, tuyên bố rằng ông không "quan tâm" đến những lời chỉ trích về việc đầu tư của đất nước mình vào thể thao. Bin Salmal nói: "Chà, nếu hoạt động đánh bóng thể thao (Sportswashing) sẽ tăng GDP của tôi thêm một phần trăm, thì tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động đó".

Khi bị hỏi liệu ông có thấy phiền khi sử dụng thuật ngữ này hay không, Bin Salman tiếp tục: "Tôi không quan tâm. Tôi có mức tăng trưởng GDP 1% từ thể thao và tôi đang hướng tới mục tiêu 1,5% nữa. Bạn muốn gọi nó là gì cũng được, chúng tôi sẽ nhận được 1,5% GDP đó".

Top 4 CLB hàng đầu Saudi Arabia, những người được Quỹ đầu tư công (PIF) có chủ quyền của quốc gia tiếp quản, đã thu hút nhiều tên tuổi lớn nhất của bóng đá thế giới. Rất nhiều ngôi sao hàng đầu khác đã háo hức gia nhập giải đấu này, điển hình như người đoạt Quả bóng Vàng 2022 Karim Benzema (Al-Ittihad) hay Cristiano Ronaldo (Al-Nassr).

Khi kỳ chuyển nhượng châu Âu kết thúc, 4 CLB thuộc sở hữu của PIF đã chi gần 835,1 triệu euro cho việc mua sắm. Riêng Al Hilal đã tiêu hơn 353 triệu euro, nhiều hơn PSG và Arsenal, và trở thành đội có mức chi tiêu lớn thứ hai trong năm 2023.

Tính đến hôm nay, 21 cầu thủ đắt giá nhất ở Saudi Arabia đều là các ngôi sao quốc tế. Họ đều đang chơi cho một trong những CLB thuộc sở hữu của PIF.

Mục đích của Saudi Arabia

Saudi Arabia đang theo bước một số quốc gia khác - bao gồm cả Trung Quốc và Qatar - trong việc đầu tư số tiền lớn để cố gắng biến mình thành cường quốc bóng đá. Vẫn còn phải xem liệu khoản đầu tư của họ sẽ có tác động lâu dài hay chỉ đem lại hiệu quả ngắn hạn.

Đội tuyển Saudi Arabia đã tham dự nhiều kỳ World Cup và các CLB của đất nước này đã giành được nhiều danh hiệu châu Á. Chiến thắng của Saudi Arabia trước Argentina tại World Cup 2022 đã được ca ngợi là một trong những chiến tích lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud thậm chí đã ban hành một ngày nghỉ lễ để người dân được dịp ăn mừng.

Saudi Arabia đang phá vỡ trật tự bóng đá thế giới? (báo tết) - Ảnh 1.

Việc Saudi Arabia dốc quá nhiều tiền vào bóng đá có thể gây ra hậu quả khôn lường

Các trận đấu ở cấp CLB cũng đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân tại Saudi Arabia. Ví dụ: trận Al-Ittihad đấu với Al-Hilal đã đón 60.000 khán giả đến sân. Simon Chadwick, giáo sư thể thao tại Trường Kinh doanh SKEMA, nói rằng trận đấu này đã có quy mô tương đương với các trận cầu đinh của bóng đá Anh như Chelsea vs Arsenal, hay MU vs Man City.

Không chỉ dừng lại ở cấp CLB, tham vọng thể thao của Saudi Arabia còn vươn tầm quốc tế. Quốc gia này là chủ nhà của World Cup 2034 và đang đấu thầu đăng cai AFC Asian Cup 2027.

Saudi Arabia đe doạ trật tự của bóng đá thế giới

Tuy nhiên, việc Saudi Arabia dốc quá nhiều tiền vào bóng đá cũng đem đến hậu quả khôn lường. Họ từng làm gián đoạn môn Golf và có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến bóng đá nếu tiếp tục đi theo con đường này.

Vào năm 2021, PIF đã cấp vốn cho LIV Golf số tiền lên đến 2 tỷ USD để thu hút nhiều tay chơi hàng đầu của môn thể thao này rời khỏi PGA Tour (Hoa Kỳ) và DP World Tour (châu Âu) bằng cách đưa ra số tiền thưởng khổng lồ. Khi đó, thành viên hội đồng quản trị PGA Tour, Jimmy Dunne, đã dấy lên lo ngại về việc Saudi Arabia làm mất cân bằng môn Golf.

Đầu năm nay, PGA Tour đã phải xuống nước hợp tác với LIV Golf để chấm dứt mối thù đã đeo bám môn Golf trong suốt những năm qua. Dunne thừa nhận rằng PGA Tour không có lựa chọn nào khác và mô tả về Saudi Arabia: "Họ có tầm nhìn và số tiền không giới hạn".

Khi nói đến bóng đá, Aleksander Ceferin, chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), đã bác bỏ mối đe dọa mà SPL có thể gây ra. Dù vậy, nhiều chuyên gia thể thao lại không đồng tình trước ý kiến này.

Để xoa dịu vấn đề, giám đốc thể thao của SPL, Michael Emenalo, biện minh rằng những gì Saudi Arabia đang làm "không khác những gì các giải châu Âu đã làm". "Đã có lúc mọi thứ đều xoay quanh nước Ý. Đã có lúc tất cả đều hướng về Tây Ban Nha. Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là một cơ hội để cạnh tranh công bằng cũng như cải thiện những gì tồn đọng trong bóng đá", Emenalo chia sẻ.

Tuy nhiên, UEFA luôn có quy định về công bằng tài chính (FFP) đối với chi tiêu của các đội trong liên đoàn, trong khi giải MLS ở Mỹ có giới hạn lương cho các CLB của mình. Ngược lại, có rất ít quy tắc tài chính có thể ảnh hưởng tới Saudi Arabia. Điều này có thể làm loãng các quy định về FFP của UEFA hoặc ảnh hưởng đến hệ thống quản trị của cơ quan quản lý bóng đá thế giới FIFA. "Toàn bộ sự thiếu minh bạch này được bọc trong một lớp vỏ vận động hành lang, nhằm mục đích thổi phồng quá mức giá trị chuyển nhượng cầu thủ và thông tin về lương vì nó phục vụ mục đích chính trị", Chadwick chia sẻ với CNN, "Có vẻ như các cầu thủ bóng đá đang trở thành những con bài chính trị theo một cách nào đó".

Top những cầu thủ hưởng lương cao nhất Saudi Pro League

Để lôi kéo những ngôi sao hàng đầu thế giới đến giải đấu của mình, các CLB Saudi Pro League đã chi hàng núi tiền cho việc trả lương.

Riyad Mahrez (Al-Ahli): 50 triệu euro/năm

Riyad Mahrez đã kết thúc quãng thời gian hạnh phúc tại Man City với cú ăn ba mùa 2022/2023. Đội chủ sân Etihad rất muốn giữ chân đội trưởng của họ nhưng Mahrez đã cảm thấy không vui khi bị loại khỏi hai trận chung kết Champions League và FA Cup. Sau đó, anh đã nhanh chóng chấp nhận đề nghị của Al-Ahli.

N'Golo Kante (Al-Ittihad): 90 triệu euro

Sau quãng thời gian dài bị chấn thương cản trở sự nghiệp, Kante đã quyết định chuyển đến nhà ĐKVĐ Al-Ittihad với mức lương khổng lồ. Vào mùa Hè, CLB này cũng đã gây sốt khi chiêu mộ Karim Benzema

Neymar (Al-Hilal): 160 triệu euro

Không có gì ngạc nhiên khi một ngôi sao nổi tiếng như Neymar nhận được mức lương khổng lồ tại Al-Hilal. Tuy nhiên, mức lương của anh ấy vẫn kém xa hai người có thu nhập cao nhất giải đấu.

Karim Benzema (Al-Ittihad): 200 triệu euro

Một năm sau khi giành Quả bóng Vàng, Karim Benzema quyết định rời Real Madrid và dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới ở Trung Đông. Anh đang cống hiến xứng đáng với những gì Al-Ittihad bỏ ra với việc ghi 15 bàn sau 22 lần ra sân mùa này.

Cristiano Ronaldo (Al-Nassr): 205 triệu euro

Sau khi rời MU một cách đầy cay đắng, Ronaldo đã trở thành người tiên phong cho việc chuyển đến chơi bóng tại Saudi Arabia. Với mức lương 205 triệu euro/năm, Ronaldo là cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới và điều đó hoàn toàn xứng đáng với giá trị anh mang lại.


Trung Phạm

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›