Không phải những bom tấn châu Âu, Saudi Arabia đang trở thành cục nam châm đáng sợ cho các phi vụ chuyển nhượng mùa Hè bằng cơn mưa tiền cho các ngôi sao. Liệu tất cả có đang nhìn thấy một phiên bản khác của Trung Quốc?
Chẳng còn là một hiện tượng đơn lẻ nữa, Saudi Pro League bắt đầu thò bàn tay của mình vào kỳ chuyển nhượng mùa Hè này, làm náo loạn kế hoạch mua sắm của nhiều CLB và đẩy các cầu thủ thêm một lựa chọn khó xử giữa việc tìm một cơ hội sặc mùi kim tiền ở Trung Đông hay kiên quyết bám trụ châu Âu.
Bom tấn tiền gieo khắp châu Âu
Tác động của nó tất nhiên sẽ có tính hai mặt. Real Madrid cuống cuồng tìm một phương án chữa cháy bằng Joselu sau khi để Karim Benzema đi theo tiếng gọi của Al-Ittihad. Ngược lại, Chelsea như vớ được chiếc phao cứu sinh đầy chất lượng từ Saudi Arabia để cân bằng sổ sách, dọn dẹp người thừa và cắt giảm quỹ lương phình to nhằm mở đường cho cuộc phục hưng của HLV Mauricio Pochettino. Cơn mưa tiền ấy sẽ không dừng lại ở hai CLB tiêu biểu nói trên, khi Man City vừa giành cú ăn ba vẫn gặp khổ sở bởi những đề nghị từ Saudi Arabia dành cho bộ đôi Riyad Mahrez-Bernardo Silva.
Đó sẽ là một sự lũng đoạn khó chịu từ Trung Đông, bởi Saudi Pro League muốn tự biến mình thành một dải thiên hà mới, nơi tụ hội của các ngôi sao hàng đầu thế giới. Ý tưởng ấy là lời giải thích cho lạm phát phi mã về giá cả của các cầu thủ mùa chuyển nhượng Hè này, kể cả những người chẳng được các CLB Saudi Arabia trực tiếp gửi lời đề nghị. MU muốn chiêu mộ Rasmus Hojlund từ Atalanta với mức phí 45 triệu bảng, nhưng ngay tuần trước đội chủ sân Gewiss đã nâng mức giá đề nghị lên gần gấp đôi (70 triệu bảng). Những thất bại trong các thương vụ đình đám như Lionel Messi, Ilkay Gundogan (cầu thủ) hay Steven Gerrard, Max Allegri (HLV) chỉ làm các CLB Saudi Arabia thêm quyết tâm vớ không chừa những cầu thủ, HLV chất lượng từ châu Âu ở mọi ngõ ngách. Mới nhất, Al-Hilal vừa chiêu mộ Ruben Neves, một cầu thủ chỉ ở dạng trung bình khá tại Premier League, với mức phí 59,7 triệu USD (47 triệu bảng) từ Wolves.
Nhìn rộng hơn ra ngoài địa hạt bóng đá, đó chỉ là một phần trong dự án dài hạn của Saudi Arabia tấn công vào thể thao thế giới. Họ đã sáp nhập thành công series giải LIV Golf của mình vào hệ thống PGA Tour. Trước đó vài năm là việc đưa một chặng F1 về trường đua Jeddah. Còn với bóng đá, Saudi Arabia đã có những tích lũy từ trước đó qua một số thương vụ làm ăn với MU, đăng cai các trận Siêu Cúp Italy và Tây Ban Nha và bước đi đáng chú ý nhất đến trước mùa Hè này là mua lại Newcastle, biến thế lực một thời bị ngủ quên trong nhiều năm ở Anh thành một đại diện dự Champions League mùa tới cùng dòng tiền từ Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF).
Saudi Arabia có thoát khỏi thảm họa từ Chinese Super League?
Cơn sốt từ Saudi Arabia chắc chắn không tránh được ánh mắt hoài nghi của nhiều người vốn chưa quên thảm họa phát triển bóng đá quá nóng của Trung Quốc. Chỉ trong vòng hai năm từ 2015 đến 2017, đất nước tỷ dân đã lần lượt trải thảm đón các ngôi sao như Oscar, Jackson Martinez, Hulk, Paulinho hay Renato Augusto, chưa kể một số HLV hàng đầu cũng hiện diện ở Trung Quốc như Marcelo Lippi, Fabio Capello hay Manuel Pellegrini.
Rốt cuộc bóng đá Trung Quốc sau gần một thập kỷ tiêu tiền còn lại gì? Các ngôi sao đến rồi cũng nhanh chóng tháo chạy cùng sự sụp đổ của hàng loạt CLB từng đi theo trào lưu phát triển quá nhanh, quá nguy hiểm như Jiangsu, Hebei hay Tianjin Tianhai. Đội tuyển Trung Quốc chẳng hề được nâng tầm như chờ đợi, thậm chí chưa ai quên họ đã thua đội tuyển Việt Nam ra sao ở vòng loại World Cup 2022. Đó như là một lời nhắc nhở cho Saudi Arabia về tấm gương của một nền bóng đá nuôi tham vọng hóa rồng nhưng rồi lại trở về với cái máng lợn còn tệ hơn lúc ban đầu.
Saudi Arabia có cách thức phát triển bóng đá về bản chất khác biệt so với Trung Quốc, yếu tố có thể ngăn họ rơi vào kịch bản sụp đổ với tốc độ của một chiếc xe đua F1. Bốn CLB hàng đầu nước này gồm Al-Hilal, Al-Ittihad, Al-Nassr và Al-Ahli nhận được sự đầu tư từ nhà nước qua một kênh trung gian như quỹ PIF. Điều này có thể nâng cao mức độ an toàn cho nền bóng đá Saudi Arabia, giảm thiểu rủi ro các CLB phá sản hàng loạt như đã thấy ở bóng đá Trung Quốc. Thách thức lớn nhất cho Saudi Arabia là liệu những ngôi sao như Benzema, Kante hay Cristiano Ronaldo có đủ để nâng tầm Saudi Pro League vốn ra đời từ năm 1976 nhưng mãi đến năm 2007 mới chính thức được chuyên nghiệp hóa đầy đủ. Ông Mohammed bin Salman, Thủ tướng Saudi Arabia, phàn nàn về việc một số trận đấu của Saudi Pro League có thể thu hút đến 6 vạn khán giả, nhưng điều này lại không diễn ra ở cả giải đấu. Khoan đã, chất lượng bóng đá Saudi Arabia vẫn chưa thể ngay lập tức chuyển biến chỉ sau một mùa Hè đầy bom tấn.
Các thương vụ lớn từ châu Âu sang Saudi Arabia trong năm nay
Cristiano Ronaldo (MU-Al-Nassr) (tháng 1/2023): miễn phí
N'Golo Kante (Chelsea-Al-Ittihad) (tháng 6/2023): miễn phí
Karim Benzema (Real Madrid-Al-Ittihad) (tháng 6/2023): miễn phí
Ruben Neves (Wolves-Al-Hilal) (tháng 6/2023): 59,7 triệu USD
Hạnh Mai
Tags