(Thethaovanhoa.vn) - Ngay cả khi giành chiến thắng và giúp đội bóng lọt vào bán kết, Felipe Scolari vẫn bị chỉ trích khủng khiếp. Người Brazil luôn thế, không bao giờ hài lòng với huấn luyện viên.
Ông bạn Rafael là người Brazil hiếm hoi bày tỏ sự cảm thông đối với Scolari, là người Brazil hiếm hoi dám nói rằng: “Nếu cần, cứ đá rắn”.
Thực ra, Brazil đã đá rất rắn trước Chile ở vòng 1/8 và chỉ đi tiếp nhờ chiến thắng trên chấm 11m. Những lời chỉ trích nhắm vào Scolari đã xuất hiện, nhưng không dữ dội. Giờ thì nó đã bùng phát khủng khiếp, đặc biệt sau chấn thương của Neymar.
Hàng loạt tờ báo Brazil quy kết chính Scolari đã khiến Neymar dính chấn thương và không thể tiếp tục thi đấu ở World Cup 2014. Tờ báo hàng đầu ở Brazil, Folha, đã đăng xã luận của Rogerio "van" Fasano, với tựa đề: “Tại sao không rút Neymar ra khi đã dẫn 2-0?”. Mọi luận điệu, phân tích đều hướng về Scolari. Rằng tại sao lại vẫn dùng Neymar sau khi chọn chiến thuật phòng ngự với số đông sau khi đã dẫn 2-0? Rằng nếu đã đá phòng ngự tiêu cực thì dùng tiền đạo nào chả được? Rằng Neymar chơi tệ ở trận này thì giữ lại làm gì? Rằng đá kiểu trung bình một phút phạm lỗi 1 lần thì khác gì bôi nhọ truyền thống của Brazil! Rằng hãy đá đẹp trước Đức vì người Đức sẽ không đá bẩn như thế đâu! Bài báo kết luận: Trợ lý Carlos Alberto Perreira cần phải dạy bảo Scolari!
Người ta thường nói “The winner takes it all”. Kẻ chiến thắng có tất cả. Người chiến thắng luôn đúng. Scolari vẫn giành chiến thắng này đến chiến thắng khác, nhưng lại bị tất cả chỉ trích, và ông làm gì cũng bị đánh giá là sai. Đa số người hâm mộ Brazil từ kỳ vọng chuyển thành thất vọng, chỉ trích ông. Báo chí Brazil tổng tấn công ông. Truyền thông thế giới thống nhất quan điểm: World Cup 2014 leo thang về mặt bạo lực vì Brazil đá bẩn và trọng tài dung túng họ. Một quan điểm phổ biến khác: Neymar trở thành nạn nhân của chính Brazil.
Scolari từng là người hùng khi Brazil vô địch World Cup 2002. Năm ấy, họ đánh bại Đức ở chung kết, nhờ phong độ chói sáng của Ronaldo. Đội hình năm ấy tràn ngập ngôi sao, cầu thủ nào cũng khéo, chơi đầy kỹ thuật, từ Cafu, Roberto Carlos đến Ronaldinho, Rivaldo và Ronaldo. Tuyển Đức năm ấy đá rất đơn giản, nhưng luôn hiệu quả. Tình huống cố định là vũ khí. Tạt cánh và Klose đánh đầu ghi bàn là chiến thuật quen thuộc.
12 năm sau, Klose còn đó, Scolari còn đó, nhưng mọi thứ đã đảo chiều. Cầu thủ Đức bây giờ được đánh giá khéo léo, kỹ thuật và cầm bóng tốt hơn cả Brazil. Ngược lại, Brazil lại đề cao tính thực dụng và lạnh lùng của người Đức. Brazil ấy lại giỏi ghi bàn từ tình huống cố định hơn là những miếng phối hợp thêu hoa dệt gấm. Chính tuyển Đức mới là đội phối hợp mượt mà nhất World Cup trên đất Brazil.
Có thể Scolari buộc phải thay đổi lối chơi vì Brazil không còn tràn ngập ngôi sao như trước. Nhưng mọi lời biện minh đều trở nên vô nghĩa. Ông đã bị đẩy vào chân tường và lối thoát duy nhất là phải vô địch World Cup 2014 này.
ĐỨC LỘC (Từ Brasilia)
Thể thao & Văn hóa
Tags