(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết để hạn chế tình trạng lãng phí sách giáo khoa, tới đây, khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách.
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa
- Chưa thay sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2019-2020
Đó là một trong những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vào sáng 1.11 trước chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) trong phiên chất vấn chiều hôm trước 31.10 về việc hiện cử tri Bình Thuận bất bình trước tình trạng lãng phí sách giáo khoa và nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục sắp tới.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng lãng phí sách giáo khoa là có thật. Việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trước hết là do thiết kế sách giáo khoa hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách dẫn đến việc không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí. “Dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc này chưa phù hợp và gây lãng phí”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí. Một số sách giáo khoa đã có hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào sách mà ghi vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa để dùng bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này còn hạn chế.
Bộ trưởng cũng cho biết trước phản ánh của đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận, Bộ đã tiếp thu, ban hành Chỉ thị 3798 chỉ đạo các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm sách giáo khoa hợp lý và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn sách giáo khoa. Tới đây, khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách.
Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, đặc biệt là đề ra giải pháp quyên góp, xây dựng thư viện sách giáo khoa để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm mà nhiều nước đã áp dụng.
Theo Báo Văn hóa
Tags