(Thethaovanhoa.vn) - SEA Games 30 đã chính thức khép lại và lá cờ đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 đã được trao cho Việt Nam. Ở lần thứ 2 với vai trò chủ nhà, SEA Games ở Việt Nam sẽ diễn ra thế nào?
1. Khi nào, ở đâu?
Theo kế hoạch, sau SEA Games 30 tại Philippines, SEA Games lần thứ 31 năm 2021 sẽ do Campuchia đăng cai tổ chức và Việt Nam sẽ là năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đã đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games vào năm 2023. Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cũng đề nghị Việt Nam tổ chức năm 2021.
Lần thứ hai là chủ nhà ngày hội thể thao Đông Nam Á, ban đầu phương án chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức chính đã được tính đến khi đây là trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất cả nước. Đề án đăng ký tổ chức SEA Games 31 (cùng và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 - Paragames 2021) cũng đã được UBND thành phố xây dựng, lấy ý kiến, báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và nhận được sự đồng tình cao. TP.HCM cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL về đề án này, trong đó tổng kinh phí phục vụ SEA Games 31 khoảng 15.612 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở vật chất phục vụ thể thao hiện hữu của TP.HCM là không đủ cho công tác tổ chức, đặc biệt công trình trọng điểm là Khu Liên hợp TDTT Quốc gia Rạch Chiếc cũng như việc sửa chữa nâng cấp các công trình khác cần nguồn vốn lớn và thời gian thực hiện, nên không kịp tiến độ cho năm 2021. Vì thế, TP.HCM đã chính thức xin rút.
Và sau đó, Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11. Đến ngày 13/11/2019, theo Quyết định 1616/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ, SEA Games 31 và Para Games 11 được tổ chức tại Việt Nam, theo đó, SEA Games 31 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 21/11 đến 2/12/2021 với địa điểm chính là Hà Nội cùng 1 số địa phương lân cận như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình.
Riêng môn bóng đá, theo kế hoạch, sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy, Thiên Trường tổ chức thi đấu môn bóng đá nam. Trong đó, sân Mỹ Đình sẽ diễn ra 2 trận bán kết, chung kết và tranh HCĐ. Sân Hàng Đẫy và Thiên Trường tổ chức thi đấu vòng bảng. Môn bóng đá nữ sẽ được tổ chức tại sân Lạch Tray giống như ở kỳ SEA Games 2003.
Trong đề án tổng thể đăng cai và tổ chức SEA Games 31 do Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ, kinh phí dự kiến để tổ chức đại hội là 2.100 tỉ đồng. Trong đó kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 1.000 tỉ đồng, kinh phí tổ chức là 1.100 tỉ đồng. Với kinh phí dự kiến này, SEA Games 31 có thể là đại hội thể thao quốc tế tiết kiệm nhất mà Việt Nam từng đăng cai.
2. Quy mô tổ chức và thi đấu
Năm 2003, tại SEA Games lần thứ 22 do Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức, với sự góp mặt của Timor Leste cũng là lần đầu tiên 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tham dự Đại hội. SEA Games 31 tới đây, quy mô này vẫn được giữ nguyên với dự kiến có gần 20.000 người tham gia, trong đó: 3.100 người là trưởng đoàn, cán bộ, HLV; 7.000 VĐV; 1.000 phóng viên; 2.300 trọng tài; 3.000 tình nguyện viên.
Ngoài số lượng đoàn tham dự, thì quy mô tổ chức thi đấu của SEA Games 31 cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Trước hết, câu chuyện nước nào là chủ nhà của SEA Games thì nước đó sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội thông qua việc đưa vào các thế mạnh của riêng mình đã khiến hình ảnh về SEA Games bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên, việc chọn lựa các môn thi trước hết phải phù hợp với năng lực tổ chức, chuyên môn của nước chủ nhà và đáp ứng sự phát triển chung của thể thao khu vực.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ, khi không thể quá mở rộng, nhưng cũng không thể bó hẹp các môn thi. Vì thế, đã xuất hiện 2 luồng ý kiến - Một cho rằng cần tận dụng lợi thế chủ nhà để đảm bảo ngôi đầu và ngược lại, tổ chức SEA Games 31 với các môn cơ bản nằm trong hệ thống ASIAD (Đại hội thể châu Á) để tạo động lực phát triển.
Dường như cả 2 luồng ý kiến này đang được "dung hòa" xuất phát từ thực tế của chính SEA Games cũng như vị thế của nước chủ nhà. Dự kiến SEA Games 31 sẽ có 36 môn (số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic, Asiad chiếm khoảng 2/3 tổng số môn; các quốc gia trong khu vực có thể đề xuất thêm một số môn khác theo thông lệ).
Phía ngành thể thao cũng đã đưa ra danh sách môn dự kiến, trong đó nhóm 1 và nhóm 2 (gồm 25 môn) vẫn bao gồm những môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu của Olympic, ASIAD như: Điền kinh, Thể thao dưới nước; Thể dục, Đua thuyền, Bắn súng; Bóng đá (cả futsal); Bóng chuyền... thì nhóm 3 (nhóm các môn phát triển trong khu vực) có sự xuất hiện trở lại của Vovinam; Lặn; Đá cầu; Cờ Tướng; Thể hình.
Nhìn vào bản danh sách này không khó để nhận ra, mục tiêu của Thể thao Việt Nam trong 2 năm tới: Vô địch toàn đoàn; bảo vệ chức vô địch bóng đá nam, nữ.
Vũ Minh
Tags