SEA Games 32 đã cận kề, nhưng có một vấn để nổi cộm khiến lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam đang hết sức âu lo: cảnh giác với doping.
1. Theo nguồn tin từ báo Thanh Niên, Tiểu ban y tế và phòng chống doping của Ban tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 – 2022 đã gửi thông báo về các địa phương có vận động viên bị nghi ngờ dùng chất cấm.
Được biết, trong 200 mẫu được gửi sang phòng xét nghiệm tận Thái Lan thì có tới 14 mẫu cho kết quả dương tính với doping. Đặc biệt, trong số 14 mẫu của các VĐV thể hình (8 nam, 6 nữ) thì có đến 11 mẫu dương tính với doping. Đây là một tỷ lệ rất lớn khiến người ta không khỏi lo ngại: Nếu mở rộng xét nghiệm thì kết quả sẽ như thế nào? Bên cạnh đó, trong 10 mẫu của các VĐV cử tạ thì có 3 mẫu dương tính với doping.
Tất cả các VĐV vi phạm đều sẽ phải giải trình và tùy theo mức độ vi phạm, họ sẽ phải đối mặt với án phạt khác nhau từ phía Liên đoàn cử tạ và thể hình Việt Nam. Nhưng đó mới là án phạt nội bộ từ trong nước. Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) chắc chắn sẽ thu thập thông tin, và các VĐV còn phải chịu án cấm thi đấu theo quy định.
Năm ngoái, thể thao Việt Nam từng có 11 VĐV (6 thể hình, 5 điền kinh) bị phát hiện dương tính với doping ở trước và tại SEA Games 31. Đầu tiên là đội tuyển thể hình Việt Nam bị Liên đoàn thể hình thế giới bắt thử doping hồi tháng 3/2022, và cả 6 đô cử bị dương tính nên không được dự SEA Games. Sau đó là vụ 5 VĐV điền kinh dính doping ở SEA Games. Đến nay, danh tính của các VĐV này vẫn được giữ kín, nhưng có một điều chắc chắn: Họ đều bị loại khỏi danh sách tham dự SEA Games 32 và ASIAD 19.
2. Tại SEA Games 32, nước chủ nhà đã điều chỉnh, cắt giảm khá nhiều nội dung thế mạnh của Thể thao Việt Nam như Wushu, bắn súng, Aerobic, thể dục dụng cụ, đua thuyền, bắn cung, cờ vua, Kurash, Futsal... Dĩ nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích chung của đoàn.
Nhưng về mặt chủ quan, doping cũng là một mối lo lớn với đoàn thể thao Việt Nam. Án phạt với các VĐV đội tuyển quốc gia dính doping chỉ là một vấn đề. Làm thế nào để không rơi vào những tình cảnh đáng tiếc khi bị phát hiện dương tính tại đại hội cũng đau đầu không kém. Các môn thể thao cần sức mạnh cơ bắp như thể hình, cử tạ, điền kinh,… cần dùng đến thuốc tăng cơ, nhưng đa phần những loại thuốc này có chất cấm. Bởi thế các bộ môn, liên đoàn, ban huấn luyện và bản thân các VĐV phải hết sức lưu ý. Việc 5 VĐV điền kinh Việt Nam dính doping ở SEA Games 31 sau khi tự ý dùng thực phẩm chức năng mà không hề biết có chất cấm là một bài học nhãn tiền.
Được biết, từ tháng Ba năm nay, Trung tâm doping và y học thể thao thuộc Tổng cục Thể dục thể thao đã tiến hành các lớp tập huấn cho các đội tuyển thể thao dự SEA Games 32, và ASIAD 19 ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ để phổ biến các kiến thức về doping, đặc biệt là cập nhật danh mục chất cấm của WADA năm 2023. Hãy cảnh giác với doping!