Hầu hết các nhà quản lý đều hiểu tầm quan trọng của nhân viên với doanh nghiệp, nhưng không phải ai cũng biết thúc đẩy nhân viên tiến bộ để phục vụ cho công ty.
Đào tạo nhân lực chất lượng rất quan trọng với doanh nghiệp. Bởi nhân viên là nòng cốt tạo đòn bẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các nhà quản lý hiểu tầm quan trọng của nhân tài với doanh nghiệp của họ nhưng liệu các sếp có thực sự biết cách nuôi dưỡng nhân tài, biến họ thành cánh tay đắc lực cho mình?
Dưới đây là 5 thủ thuật bồi dưỡng nhân viên thông minh, đặc biệt là điều cuối, đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
1. Đánh giá khách quan, nâng cao nhiệm vụ
Hãy thử dùng cách "mua giày cho trẻ con" để đo lường công việc của mỗi cá nhân. Tự hỏi làm thế nào mà các bậc cha mẹ có thể mua đúng cỡ giày cho con mình? Đầu tiên, trước khi đi mua thì họ sẽ tiến hành đo chân của đứa trẻ rồi khi mua sắm, họ sẽ lấy đôi giày có kích thước lớn hơn 1 size.
Câu hỏi đặt ra là vậy tại sao lại lấy lớn hơn mà không phải vừa chân? Đó là bởi các bậc cha mẹ đã dự đoán trước được rằng đứa trẻ sẽ lớn nhanh và nếu mua giày vừa chân thì chỉ sau đó thời gian ngắn sẽ không còn đi vừa nữa.
Tương tự như việc mua giày, các nhà lãnh đạo hãy đánh giá khả năng làm việc của từng nhân viên trong nhóm. Sau đó đặt ra cho họ những thức thách lớn hơn năng lực để thử thách họ có thể phát huy tối đa năng lực.
Nếu thấy nhân viên của mình ngạc nhiên khi bị đưa ra nhiệm vụ, thì đó có nghĩa họ có thể gặp khó khăn ban đầu khi thực hiện. Nhưng về sau tiềm năng trong con người sẽ thúc đẩy họ hoàn thành công việc hiệu quả.
Khi nhà quản lý tiến hành hoạt động nâng cao nhiệm vụ sẽ thúc đẩy cấp dưới làm việc, tạo cơ hội cho nhân viên nhanh chóng phát triển bản thân.
2. Thiết lập mối quan hệ hợp tác, tạo sự tin cậy của cấp trên với cấp dưới
Trong công ty có sự phân cấp các chức vụ khác nhau. Và sự phân cấp này biểu thị công việc của mỗi người. Và để doanh nghiệp có thể tồn tại, các nhân viên cùng làm việc và sáng tạo thì nhà quản lý, người lãnh đạo cần xác lập mối quan hệ hợp tác giữa các chức vụ khác nhau. Hãy để nhân viên thấy sự thoải mái, tin cậy với cấp trên của mình.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng cần có các biện pháp để hỗ trợ cải thiện những thiết sót của cấp dưới. Đừng vội vàng phê bình, hay chê tránh tiêu cực cấp dưới vì điều này sẽ làm nhân viên cảm thấy nhụt chí, không muốn làm việc, hay cống hiến cho công ty.
Bên cạnh đó, nền tàng cơ bản của một doanh nghiệp vững mạnh chính là sự tin tưởng, cùng cố gắng của sếp và nhân viên. Bởi dù anh là ai, địa vị cao đến đâu mà mất đi lòng tin của cấp dưới, không được mọi người tôn trọng thì anh cũng chẳng làm gì được.
Đúng như câu mà người ta vẫn thường nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau".
3. Khuyến khích làm việc nhóm và cho phép nhân viên thử thách bản thân
Hoạt động nhóm sẽ giúp mang lại hiệu quả cao cho công việc. Các lãnh đạo nên thành lập các nhóm, và đề ra nhiệm vụ để các cá nhân có thể phát huy hết thế mạnh của mình.
Bên cạnh đó, nhà quản lý hãy cho phép nhân viên của mình được trải nghiệm những điều mới, thử thách bản thân và chấp nhận rủi ro trong một giới hạn nhất định.
Bởi những thất bại này sẽ là kinh nghiệm để họ thực hiện các dự án mới. Và khi đã nếm trải thất bại, họ sẽ chăm chỉ, cẩn thận hơn trong quá trình làm việc. Họ sẽ có thêm nhiều góc nhìn hơn về một vấn đề từ đó đưa ra các cách làm việc và giải quyết vấn đề tốt nhất.
4. Tạo động lực cố gắng
Doanh nghiệp muốn phát triển cần có đội ngũ nhân viên tận tâm và sẵn sàng cống hiến. Và muốn được như vậy, thì người lãnh đạo cần biết cách tạo động lực cho nhân viên. Để họ có có tinh thần phát triển, nâng cao hiệu quả công việc và mang lại nhiều giá trị cho công ty.
Tạo động lực cố gắng là cách hiệu quả để nhân viên hiểu được giá trị của công việc họ đang làm. Từ đó kích thích sự sáng tạo, tinh thần nỗ lực để hoàn thành công việc được giao.
Vì vậy, các người lãnh đạo hãy ghi nhận thành quả của nhân viên. Khi cần khen hãy khen đừng ngần ngại, thường xuyên động viên để họ có thêm động lực chăm chỉ, cố gắng làm việc. Bên cạnh đó, đừng quên lắng nghe nhân viên, tạo môi trường làm việc thoải mái, kích lệ tinh thần bằng các hoạt động ngoại khóa, teambuilding,…
5. Tiến hành kiểm tra và điều chỉnh thường xuyên
Cho dù là kế hoạch, mục tiêu và phương pháp của một doanh nghiệp được xây dựng cẩn thận đến đâu thì trong quá trình nhân viên thực hiện vẫn có thể xảy ra nhiều sai lệch. Đặc biệt là khi nhân viên không cẩn thận, chú tâm thực hiện.
Trong nhiều trường hợp, những sai lệch không được phát hiện và sửa chữa kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điều này làm ảnh hưởng tới kết quả không riêng của từng cá nhân mà cả đồng đội, nhóm làm việc. Nhiều lúc nghiêm trọng hơn là những sai phạm nhỏ có thể làm ảnh hưởng tới bộ mặt của doanh nghiệp.
Do đó, các sếp cần thiết lập một cơ cấu kiểm tra khép kín. Tiến hành điều chỉnh các kế hoạch thường xuyên, theo dõi sát sao nhân viên, cũng như các hoạt động của họ để vừa giúp nhân viên tiến bộ, vừa điều chỉnh ngay nếu có sai sót xảy ra.
Người lãnh đạo không thể chỉ giao nhiệm vụ mà không theo dõi hay tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần đề ra chế độ thưởng, phạt phân minh rõ ràng. Đây là cách vừa tạo động lực cho nhân viên cố gắng, vừa giúp nhắc nhở họ phải hết sức cẩn thận trong quá trình làm việc, hạn chế tối đa tình trạng sai sót.
Thật ra có hàng trăm, hàng nghìn cách bồi dưỡng nhân tài khác nhau. Nhưng nói chung là các lãnh đạo hãy tự tạo cho bản thân một phương pháp quản lý riêng. Và hãy linh hoạt, khôn ngoan trong bồi dưỡng nhân tài để phục vụ lợi ích công ty.