(Thethaovanhoa.vn) - Serena Williams vẫn còn cách kỷ lục của huyền thoại Margaret Court đúng 1 Grand Slam nữa. Nhưng trong mắt nhiều người, ngôi sao vừa đón sinh nhật thứ 40 này (26/9) vẫn là tay vợt nữ vĩ đại nhất làng banh nỉ.
Patrick Mouratoglou là một trong số đó, không chỉ vì ông đã gắn bó với Serena gần một thập kỷ qua trên cương vị thầy-trò, mà còn với tư cách một nhà phân tích quần vợt với rất nhiều năm kinh nghiệm.
Serena vĩ đại hơn Margaret Court?
“Margaret Court chơi quần vợt ở cái thời mà 3/4 số tay vợt không đến Australia (để dự Australian Open), quần vợt khi ấy vẫn là môn thể thao nghiệp dư, và mỗi giải đấu chỉ có vỏn vẹn 16 người tham dự”, Mouratoglou đã trả lời phỏng vấn của AFP khi được hỏi về tay vợt nữ vĩ đại nhất trong lịch sử (GOAT).
Court, sinh năm 1942, đang giữ kỷ lục 24 Grand Slam, nhưng phân nửa trong số ấy (11) là diễn ra trên sân nhà Australian Open, với những lợi thế rất rõ ràng mà Mouratoglou vừa đề cập. Tất nhiên, bà cũng chinh phục được cả Roland Garros (5 lần), Wimbledon (3), và US Open (5) nữa. Song ở thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, mặt sân chưa đa dạng như bây giờ. Để so sánh, Serena đang sở hữu 23 Grand Slam, trong đó có 7 Australian Open, 3 Roland Garros, 7 Wimbledon, và 6 US Open.
“Tôi không có ý thiếu tôn trọng Margaret Court, nhưng thời của bà ấy là kỷ nguyên khác. Đúng là sẽ tốt hơn nếu Serena phá kỷ lục của bà ấy, nhưng nếu không thì cô vẫn là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại”, Mouratoglou tiếp lời.
Serena, người có chị gái là Venus – chủ nhân 7 Grand Slam – và vẫn thi đấu ở tuổi 41, vô địch Grand Slam lần gần nhất là tại Australian Open 2017. Điều kỳ diệu là Serena đã lập chiến tích ấy (thắng chị gái Venus 6-4, 6-4 ở chung kết) khi đang… mang thai bé Olympia mà không hề hay biết. Đó có lẽ là một chiến tích hy hữu trong lịch sử quần vợt.
Mùa giải 2018. Serena Williams trở lại sân quần sau thời gian nghỉ sinh con, và trong vòng 2 năm sau đó, cô đã lọt vào 4 trận chung kết Grand Slam. Đáng tiếc, cô lần lượt thất bại trước những tay vợt trẻ hơn là Angelique Kerber, Naomi Osaka, Simona Halep, và Bianca Andreescu. Mục tiêu Grand Slam thứ 24, vì thế, rất gần mà cũng rất xa.
Serena vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 40, và thật trùng hợp, đó cũng chính là thứ hạng WTA hiện tại của cô. Sự sa sút trên bảng xếp hạng thế giới của cô cũng rất dễ hiểu: Kể từ khi rút lui ở vòng 1 Wimbledon 2021 đến giờ, Serena không tham dự bất kỳ giải đấu nào. Tính từ đầu năm, cô mới đánh 18 trận với thành tích 12 thắng – 6 thua.
Di sản của Serena
“Serena vẫn còn khát khao. Nhưng câu hỏi đặt ra là động lực của cô ấy lớn tới mức nào, và cô ấy sẵn sàng làm gì để đạt được mục tiêu của mình”, Mouratoglou nói về học trò của mình, “Kể từ khi cô ấy sinh con, mọi thứ đã khó khăn hơn. Thật hoàn toàn dễ hiểu khi cô ấy đặt cuộc sống với tư cách một bà mẹ lên làm ưu tiên hàng đầu, chứ không phải một tay vợt. Tôi nghĩ rằng đó là nguyên nhân chính khiến Serena không giành thêm Grand Slam nào. Với cô, gia đình là số một, mà để làm được điều tuyệt vời ở một lĩnh vực nào đó thì nó không thể là ưu tiên số hai”.
Sau thất bại ở 4 trận chung kết Grand Slam liên tiếp, sự nghiệp của Serena tiếp tục có dấu hiệu đi xuống. Cô không lọt vào trận chung kết lớn nào nữa và mới đây đã rút khỏi US Open – giải đấu mà cô từng vô địch Grand Slam đầu tiên năm 1999 – vì chấn thương gân khoeo. Danh hiệu gần nhất trong số 73 danh hiệu đơn của Serena là tại giải Auckland hồi tháng Giêng năm ngoái.
Nhưng nếu Serena không thể cân bằng kỷ lục của Court, cô vẫn xứng đáng được ghi nhận bởi những đóng góp cho môn thể thao này, trong suốt sự nghiệp 26 năm qua của mình.
Serena đã thay đổi một phần lịch sử quần vợt. Thành công của cô và chị gái Venus đã mở ra một cánh cửa mới cho các tay vợt da màu, phá tan những định kiến rằng quần vợt là môn thể thao của người da trắng. Theo lời Mouratoglou, Serena đã phát kiến ra thứ vũ khí gọi là “sự đe dọa trong quần vợt”, khi mà chỉ riêng sự hiện diện của Serena cũng đủ khiến đối phương phải sợ hãi. Chắc chắn nhiều fan của Serena còn chưa quên trận đấu ở vòng 4 Wimbledon 2007, khi cô chấn thương đến mức đứng còn không vững chứ đừng nói di chuyển, nhưng vẫn cắn chặt răng thi đấu và sau đó đánh bại Hantuchova.
Serena cũng là người tiên phong trong việc đưa kinh doanh vào quần vợt nữ. Trước cô, việc kinh doanh trong quần vợt còn khá hạn chế, nhưng sau khi cô nổi lên thì khác hoàn toàn, bởi bản thân Serena đã là một đối tượng marketting cực hấp dẫn. Xu thế ấy tiếp tục diễn ra với những ngôi sao quần vợt khác.
Ý chí Serena
Mouratoglou dẫn dắt Serena từ năm 2012 và đã chứng kiến sự phát triển của cô, từ thể chất cho đến tinh thần. Ông khẳng định nếu xét về ý chí chiến thắng thì trong làng quần vợt chỉ có Novak Djokovic – người đang kém Serena - là sánh được với cô, dù hồi đầu, cô ấy rất thiếu tự tin và nhiều lúc không còn là chính mình.
Serena dự Wimbledon 2012 khi đang xếp thứ 7 thế giới. Sau khi lọt vào bán kết, cô đến gặp Mouratoglou ở nhà hàng và cười sung sướng: “Dù kết quả thế nào thì thứ Hai tới, tôi cũng sẽ lên thứ ba thế giới”. Đáp lại: Mouratoglou nghiêm mặt: “Thì sao, tôi thật ngạc nhiên khi em cho rằng đó là điều tuyệt vời, giải thích tôi nghe xem nào!”. Serena sững lại và không trả lời ông.
Nhưng tối hôm ấy, cô nhắn tin cho ông thầy rằng: “Xin lỗi vì những gì em đã nói. Vị trí thứ ba ư, vớ vẩn. Cả thứ hai cũng vậy”. Và hè năm đó, Serena đã chơi thứ quần vợt hay nhất của mình. Cô đã vô địch Wimbledon, US Open, đồng thời đoạt HCV đơn nữ Olympic London sau khi “hủy diệt” Maria Sharapova đến 6-0, 6-1 ở chung kết. Trong giai đoạn từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, Serena giành 4 Grand Slam liên tiếp.
Thay lời kết, hãy nghe chia sẻ của Mouratoglou: “Năm 2013, Serena nói với tôi rằng mình đã không vô địch Roland Garros suốt 11 năm và muốn đạt mục tiêu ấy. Kết quả: Cô ấy không thua một trận sân đất nện nào ở mùa giải đó. Cô ấy vô địch ở Charleston, Madrid, Rome, Roland Garros, Bastad. Ngay cả Rafael Nadal cũng chưa bao giờ làm được như vậy".
Serena Williams ở tuổi 40 Thứ hạng hiện tại: 40 Danh hiệu: 73, xếp thứ 5 trong lịch sử Grand Slam: 23, xếp thứ 2 Thành tích thắng – thua: 855 – 152 (84,9%) Số tuần trên ngôi số 1 thế giới: 319, xếp thứ 2 Số tuần trên ngôi số 1 thế giới liên tiếp: 186, kỷ lục (ngang Steffi Graf) Tiền thưởng trong sự nghiệp: 94.518.971 USD, xếp thứ 1 |
Phương Chi
Tags