Nắm "cờ" trong tay ở cuộc chiến trụ hạng nhưng SHB Đà Nẵng đã tự mình vứt bỏ đi quyền tự quyết trước vòng đấu cuối cùng. Nếu xuống hạng, đó là "bi kịch" đối với đội bóng sông Hàn.
Sau trận thua 0-1 trước SLNA, cánh cửa trụ hạng gần như đóng lại với SHB Đà Nẵng. Ở trận đấu áp chót giai đoạn 2 V-League 2023, sân Hòa Xuân mở cửa đón khán giả để mong có được sự hậu thuẫn từ người hâm mộ Đà thành.
Nhưng rồi, cũng chẳng đông đầy người xem vào sân cổ vũ cho cầu thủ của mình ở trận đấu "sinh tử" đó. Hơn thế, sức ép tâm lý cùng năng lực có hạn khiến SHB Đà Nẵng chẳng biết làm gì dù SLNA đã đá với tâm thế "hòa nhã" nhất.
Hiện SHB Đà Nẵng xếp cuối cùng trên BXH khi chỉ có 11 điểm, hiệu số -10. Đứng ngay phía trên lần lượt là CLB TP.HCM (14 điểm, hiệu số -11) và B. Bình Dương (14 điểm, hiệu số -4). Ở lượt trận cuối, CLB TP.HCM tiếp đón B. Bình Dương trên sân Thống Nhất, còn SHB Đà Nẵng ngược vào Nha Trang đá với Khánh Hòa.
Ở vòng đấu cuối cùng diễn ra ngày 11/8, SHB Đà Nẵng vừa phải thắng Khánh Hòa ở sân Nha Trang, vừa phải ngóng về sân Thống Nhất, nơi diễn ra cuộc so tài giữa CLB TP.HCM và B.Bình Dương.Nếu CLB TP.HCM và B.Bình Dương chia điểm, SHB Đà Nẵng sẽ rớt hạng. Trong trường hợp B.Bình Dương đánh bại CLB TP.HCM, SHB Đà Nẵng cần vượt qua Khánh Hòa mới trụ hạng.
Dù vậy, để giành 3 điểm trên sân Nha Trang không phải dễ đối với đội bóng sông Hàn. Tóm lại, cửa trụ hạng của SHB Đà Nẵng lúc này khó như "con voi chui qua lỗ kim".
Vì sao bóng đá Đà Nẵng sa sút đến não nề trong nhiều năm trở lại đây? Đó là câu hỏi sẽ được lý giải dưới nhiều góc độ trong thời gian sắp tới. Còn với riêng sự tụt dốc không phanh của SHB Đà Nẵng ở mùa bóng năm nay có nhiều lý do, tạm gói gọn trong cụm từ: "Yếu chuyên môn, kém bản lĩnh, bỏ đi quyền tự quyết" nên có xuống hạng cũng không quá bất ngờ. Có lẽ, khi đã ở vào thế "cờ tàn" này rồi, họ chỉ còn biết trách mình mà thôi.
Việc SHB Đà Nẵng xuống dốc không phanh, nhất là ở những trận đấu của nhóm đua trụ hạng, thật sự để lại nhiều câu hỏi. Ở đó, vai trò ban huấn luyện, HLV trưởng cần được nhìn nhận. Họ vẫn thiếu sự sắc sảo và nhạy cảm trong chỉ đạo chiến thuật, làm liệu pháp tư tưởng, xốc dậy tinh thần chiến đấu cho cầu thủ.
Nhìn sang B.Bình Dương, họ đã biết thắng ở những trận đấu quyết định trước SLNA và Khánh Hòa. Cùng với đó, CLB TP.HCM cũng đã kịp tìm đường thoát khi vượt qua HAGL.
Từ đó, sẽ thấy SHB Đà Nẵng nên tự "chất vấn" mình bởi mùa này thi đấu quá tệ. Đau hơn nữa, chính người hâm mộ Đà Nẵng cũng chẳng buồn,chẳng tiếc vì họ cho rằng đá như thế, có xuống hạng cũng xứng đáng. Sau 17 vòng đấu, họ chỉ thắng đúng 1 trận, hòa 8, thua đến 8 trận, cũng chỉ ghi được 8 bàn thắng. Con số thống kê khô khan nhưng đủ nói lên tất cả những thất vọng mà SHB Đà Nẵng để lại.
Với tình hình hiện tại, rất khó có khả năng xảy ra cuộc "đào thoát" ngoạn mục nào cho SHB Đà Nẵng. Nếu xuống hạng, đấy là điều khó tưởng tượng với một đội bóng có truyền thống như Đà Nẵng, bởi bóng đá Đà Nẵng đã vô địch 2 lần trong 23 mùa giải chuyên nghiệp.
Bước thoái trào của bóng đá Đà thành bắt đầu từ năm 2017, cái năm mà sân Chi Lăng dù đã trở thành "biểu tượng" của thành phố nhưng đã chính thức bị xóa sổ sau hơn 6 thập kỷ tồn tại, để thay bằng Hòa Xuân. Từ mùa giải 2017 đến nay, dù ở cuối "chu kỳ" của HLV Lê Huỳnh Đức hay của Nguyễn Minh Phương và cả ngày trở về của HLV Phan Thanh Hùng, SHB Đà Nắng cứ luẩn quẩn ở vị trí 9, 10 trên BXH chung cuộc.
Lực lượng, chất lượng đội hình chỉ là bề nổi khiến bóng đá sông Hàn không còn "cuộn sóng" ở những năm gần đây. Hãy nhìn lên khán đài thưa vắng với chỉ một nhóm CĐV Đà thành trung thành cứ thổi những ca khúc đều đều mới thấy những "than thở" của bóng đá Đà Nẵng.
Cùng với "chảo lửa" Chi Lăng, người Đà Nẵng hẳn nhớ da diết không khí con phố cà phê bóng đá Ngô Gia Tự luôn rôm rả sớm chiều. Tuy nhiên, điều đó đã mất đi khi chuyển sang Hòa Xuân. Còn hôm nay, nếu xuống hạng, không biết bao giờ bóng đá Đà Nẵng trở lại ngày xưa?
Tags