Mùa trước, SHB Đà Nẵng kỷ niệm 10 năm lần cuối cùng mà họ vô địch V-League bằng việc… trụ hạng thành công. Còn mùa này, SHB Đà Nẵng có năm thứ 20 chơi bóng tại V-League kể từ lần thăng hạng 2003 đến nay và buồn thay, có thể họ sẽ đón cột mốc ấy bằng việc trở lại sân chơi hạng Nhất. Tiếng nhạc vui trên sân Hòa Xuân chắc chẳng còn rộn ràng nhiều hơn được nữa.
Mà đâu chỉ có Đà Nẵng. Mùa trước, 2 đội bóng của TP.HCM thì có 1 đội xuống hạng rồi biến mất luôn (Sài Gòn FC) đúng ngay dịp 20 năm kể từ lần cuối cùng làng cầu lừng lẫy này lên ngôi vô địch quốc gia (Cảng Sài Gòn - 2002).
Năm nay, TP.HCM đang gần như trụ hạng sau khi thắng HAGL, nhưng đây đã là năm thứ 2 liên tiếp họ rơi vào hoàn cảnh này. Những nụ cười của HLV Vũ Tiến Thành trên sân Pleiku chắc chắn chẳng phải là đại diện cho niềm hạnh phúc, bởi thực ra, quá trình tuột dốc của CLB TP.HCM đã từ mùa 2021 rồi và nó cứ lao đầu xuống vực chứ có tín hiệu nào tốt đẹp đâu.
Thật ra, sau giai đoạn 1, nhìn những cái tên trong nhóm xuống hạng, nhiều người đã thấy cám cảnh. Nếu cộng chung số năm đá V-League của Viettel, Bình Định, Hà Tĩnh và CAHN thì cũng chẳng bằng 1 đội HAGL hay Đà Nẵng, Bình Dương. Nếu người ta nói bóng đá chuyên nghiệp luôn có tiếng nói của "truyền thống" thì câu chuyện tại V-League có vẻ ngược lại: Càng truyền thống càng… dễ xuống hạng. Hay nói cách khác, truyền thống đang là gánh nặng chứ không phải là động lực. Vì truyền thống mà người ta cứ cố duy trì sự tồn tại của CLB, bất chấp một thực tế là nó cần phải được cải tổ, được thay đổi hay thậm chí, cần có những ông chủ mới sau khi người cũ đã cạn nguồn đam mê cũng như tài chính.
Chưa từng có cuộc đua trụ hạng nào buồn hơn mùa giải này. Vì bất cứ đội bóng nào trong nhóm này xuống hạng thì cũng là điều đáng tiếc cả, bao gồm tân binh Khánh Hòa. Không chỉ có bề dày lịch sử với việc sở hữu 11/20 chức vô địch V-League, các đội bóng trong nhóm này mang trên mình những bản sắc vùng miền, lối chơi đặc sắc đồng thời cũng giúp bóng đá Việt Nam có những cực phát triển bề rộng, đa dạng từ Bắc miền Trung (Nghệ An) đổ vào Nam.
Sự sa sút của họ không chỉ là chuyện nội bộ được nữa, mà nhìn rộng ra, nó đang là vấn đề của cả nền bóng đá. Hãy thử nghĩ xem, đất bóng đá Đà Nẵng, nơi có thể tự hào nói vui rằng: "Nhà tôi 3 đời lúc nào cũng có tuyển thủ quốc gia", thế mà bây giờ đang trở thành đội xuống hạng có điểm số thấp nhất nhì lịch sử V-League.
Một nơi từng cung cấp nhân tài cho bóng đá quốc gia, được dẫn dắt bởi những HLV từng cầm quân trên đội tuyển, vậy mà cả mùa chỉ ghi được 8 bàn thắng, phải lay lắt tìm được trụ hạng nhờ việc phòng ngự trối chết. Kể cả phải tệ đến mức như vậy, cũng đâu trụ hạng nổi.
Chuyện lên - xuống hạng của các đội bóng chuyên nghiệp thì bình thường thôi, nhưng có lẽ cũng cần phải nhìn nhận chuyện sa sút của các đội có truyền thống theo cách lo ngại nhiều hơn. Họ xuống hạng cũng sẽ ổn thôi nếu như có các CLB khác giàu tiềm lực thay thế họ đá V-League, nhưng trên thực tế chúng ta thấy số CLB mới tại Việt Nam đâu có nhiều.
CAHN là một "hiện tượng" mang trên mình một vài đặc thù, rất khó nói là họ đại diện cho điều gì đó đầy triển vọng lâu dài như một Hà Nội FC hay Viettel. Trong số các CLB thăng hạng kể từ sau Viettel năm 2019 đến nay, không đội bóng nào sở hữu được hệ thống đào tạo trẻ và nguồn nội lực tốt cả. Mức độ đóng góp của họ vào sự phát triển chung không rõ nét. Lấy 2 trường hợp của CAHN và Bình Định với chính sách mua ngôi sao để tăng sức mạnh thì sẽ thấy. Liệu khi mệt mỏi về tài chính, vợi dần đam mê, họ còn lại gì?
Một lần xuống hạng với SHB Đà Nẵng, hay thậm chí với Bình Dương hoặc làng cầu TP.HCM trở thành "vùng trắng" cũng nên xảy ra, nếu cần thiết giúp cho các trung tâm bóng đá này mạnh mẽ làm lại từ đầu. Nhưng như đã nói, nếu việc xuống hạng ấy là dấu hiệu của sự cạn kiệt nguồn lực cũng như đam mê bóng đá thực thụ thì chắc chắn là không ổn cho bóng đá Việt Nam. Hãy nhớ rằng, 20 năm qua V-League chỉ tăng đúng 2 đội, giải hạng Nhất thì không tăng. Các con số này ít nhiều liên quan đến sự phát triển của nền bóng đá.
Hội có vui thì người ta mới tham gia chứ…
Tags