(Thethaovanhoa.vn) - Từng được kỳ vọng trở thành công trình hạ tầng lớn nhất Nicaragua, một nỗ lực của chính phủ nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng đói nghèo, nhưng việc xây dựng kênh đào Nicaragua nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương vẫn “đắp chiếu” kể từ lễ động thổ vào tháng 12/2014 đến nay.
Dự án kênh đào Nicaragua, với chiều dài 278km và vốn đầu tư lên đến 50 tỉ USD, được coi là một đối trọng với kênh đào Panama, bởi âu thuyền rộng gấp 2 lần và độ sâu tới 28m, qua đó cho phép các tàu trọng tải lớn nhất thế giới đi qua.Tuy nhiên, tiến độ của dự án gần như “dậm chân tại chỗ” và kế hoạch đầy tham vọng của Chính phủ Nicaragua vẫn chưa trở thành hiện thực.
Khi thông báo dự án này cách đây 4 năm, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cam kết dự án sẽ giúp chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế Nicaragua, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước tăng gấp đôi.
Hồi năm 2013, Nicaragua đã trao giấy phép xây dựng và vận hành kênh đào tương lai trong vòng 50 năm cho tỉ phú Trung Quốc Vương Tĩnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Viễn thông Beijing Xinwei (Trung Quốc). Để phát triển dự án, ông Vương đã lập ra Công ty Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua Hong Kong (HKND), có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc).
Tuy nhiên, do sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015, giá trị tài sản của tỉ phú Vương đã bốc hơi 84%, từ 10,2 tỉ USD xuống còn 1,1 tỉ USD. Mặt khác, ngay từ khi còn “thai nghén”, siêu dự án đã vấp phải những phản đối và chỉ trích kịch liệt.
Các nhà môi trường lo ngại kênh đào đi xuyên qua miền Nam Nicaragua đồng nghĩa với việc đe dọa đến hệ sinh thái mong manh, các cánh rừng nguyên sinh và cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời ở nơi đây, trong đó có Hồ Nicaragua, được biết đến như hồ dự trữ nước ngọt lớn nhất khu vực.
Trong khi đó, các nhà kinh tế cũng nghi ngờ về khả năng sinh lời của dự án và nông dân lo ngại việc trưng thu đất đai và tài sản của họ ở khu vực xây dựng kênh đào. Do đó, nhiều cuộc biểu tình ở cấp địa phương và quốc gia đã xảy ra trong những năm gần đây. Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định việc 2 kênh đào Panama và Nicaragua hoạt động song song sẽ dẫn đến dư thừa năng suất và cuộc chiến cạnh tranh phí đi qua kênh đào.
Nhân Ngày Mẹ Trái Đất (22/4), nhiều tổ chức chính trị, xã hội Nicaragua đã tổ chức mít tinh, tuần hành phản đối và yêu cầu bãi bỏ luật kênh đào được quốc hội thông qua vào năm 2013. Luật trên không chỉ cấp phép cho nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng kênh đào và còn kèm theo hàng loạt các dự án hạ tầng liên quan như đường xá, cầu cảng, kho dịch vụ, nhà máy điện và sân bay.
TTXVN
Tags