- Du lịch Qatar bội thu mùa World Cup: Đến lạc đà cũng "còng lưng" làm thêm giờ vì khách quá đông
- Trải nghiệm thực tế của cổ động viên đang ở Qatar về một kỳ World Cup kỳ lạ: Có thực sự không “nóng” như mọi năm?
- Cận cảnh du thuyền giá nửa tỷ USD, dài hơn cả sân bóng đá của Vương thất Qatar: Biểu tượng tột đỉnh của sự giàu sang ngự trị đại dương
Qatar đã hứa hẹn rằng kỳ World Cup lần này sẽ trở thành kỳ World Cup đầu tiên "trung hòa carbon"trên thế giới.
Qatar, quốc gia với dân số gần 3 triệu người, đã và đang đón khoảng 1,5 triệu khách du lịch trong thời gian diễn ra sự kiện World Cup 2022. Số lượng người đông đảo này mang tới một áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng ở quốc gia Trung Đông này.
Ăn uống, điện nước, năng lượng, đi lại, các hoạt động vui chơi giải trí... đều là các lĩnh vực thiết yếu cần phải tăng gấp nhiều lần công suất để có thể phục vụ đám đông khổng lồ này sinh hoạt và vui chơi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Qatar cần thời gian chuẩn bị sớm tới 12 năm cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này. Quãng thời gian 12 năm nghe qua thì có vẻ dài, nhưng để xây dựng đủ và tốt một loạt các công trình hạ tầng cơ bản khổng lồ thì sẽ không là quá đáng kể.
Rất may, một tháng trước khi khai mạc World Cup, nhà máy quang điện 800 megawatt ở Alcazar, Qatar đã được khánh thành. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên của quốc gia này, khi đi vào hoạt động và đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với đất nước Trung Đông này trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nhà máy điện này cũng là một trong những cách quan trọng để World Cup Qatar 2020 đạt được mức carbon thấp và bảo vệ môi trường. Qatar đã hứa hẹn rằng kỳ World Cup lần này sẽ trở thành kỳ World Cup đầu tiên “trung hòa carbon”trên thế giới.
Nhà máy điện mặt trời này có tổng vốn đầu tư 417 triệu USD, nằm trên sa mạc cách Doha, thủ đô Qatar 80 km về phía Tây. Trải dài trên diện tích 10 km vuông, nhà máy này được lắp đặt hơn 2 triệu tấm pin mặt trời để biến các nguồn nhiệt quang phong phú của khu vực thành điện năng.
Dự án này bắt đầu từ tháng 7/2020, được thực hiện bởi một liên doanh do ba doanh nghiệp Trung Quốc thành lập. Liên doanh này chịu trách nhiệm chính trong việc lắp đặt các bộ phận và giá đỡ quang điện, cũng như xây dựng các trạm biến áp nâng cao và trạm kết nối lưới điện. Thông qua đổi mới công nghệ, các công ty Trung Quốc cũng đã cải thiện được 20% công suất phát điện của nhà máy bằng cách sử dụng các cánh tay robot tự động để làm sạch các tấm pin.
Là một trong những nhà máy điện quang điện lớn nhất ở Trung Đông và hiện là dự án quang điện đơn lẻ lớn thứ ba trên thế giới, sau khi đi vào hoạt động, dự kiến nó sẽ cung cấp cho Qatar khoảng 1,8 tỷ kWh điện sạch mỗi năm, đáp ứng mức tiêu thụ điện hàng năm của khoảng 300.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 10% nhu cầu điện cao điểm trên toàn quốc của Qatar. Dự án sẽ tăng đáng kể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng của Qatar, dự kiến sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide khoảng 900.000 tấn mỗi năm.
Ngoài điện năng, chủ nhà Qatar cũng chuẩn bị từ sớm cho việc triển khai nguồn cung ứng nước sạch cho kỳ World Cup năm nay. Nên nhớ rằng Qatar là quốc gia nằm trên bán đảo Qatar, trên bờ biển phía tây nam của Vịnh Ba Tư, nơi có khí hậu sa mạc nhiệt đới và rất thiếu nguồn nước.
Do đó, để đảm bảo an toàn nguồn nước trong thời gian diễn ra World Cup năm nay, Qatar đã xây dựng 15 hồ chứa nước siêu lớn tại 5 địa điểm trên cả nước. Và các hồ chứa này cũng do các công ty Trung Quốc hỗ trợ thiết lập.
Dự án hồ chứa nước chiến lược siêu lớn ở Qatar đã chính thức khởi động vào tháng 4/2015 , bao gồm hệ thống khử mặn nước biển, trữ nước, vận chuyển nước, phân phối nước và các dự án khác đi kèm.
Nổi bật trong số các công trình này là hồ chứa nước siêu lớn có chiều dài 305 mét, rộng 150 mét và cao 11,3 mét. Đây là hồ chứa đơn lẻ lớn nhất thế giới. Dung tích bể chứa được thiết kế khoảng 500.000 mét khối, có thể cung cấp nước cho 2 triệu người mỗi ngày. Trong trường hợp đặc biệt, một mình nó có thể đảm bảo lượng nước tiêu thụ của Qatar trong bảy ngày.
Bên cạnh đó là một loạt các sân vận động mới và có quy mô khổng lồ ở Qatar. Trong số đó, nổi bật nhất là sân vận động chính và lớn nhất của quốc gia này mang tên Lusail. Đây là sân vận động có sức chứa 80.000 chỗ ngồi, với thiết kế mô phỏng theo hình chiếc thuyền, bao quanh là hào nước. Toàn bộ sân sẽ được làm mát bằng năng lượng mặt trời và có lượng khí thải carbon bằng 0. Tổng kinh phí xây dựng sân vận động Lusail được cho là lên đến 767 triệu USD. Nơi đây sẽ tổ chức 10 trận đấu của World Cup 2022, với 6 trận vòng bảng và 4 trận vòng loại trực tiếp bao gồm cả trận chung kết.
Trên thực tế, một công ty khá nổi ở Việt Nam cũng đã trúng gói thầu thiết bị cấu kết thép cho sân vận động này.
Khác với các kỳ World Cup trước đây, sự kiện diễn ra ở Qatar năm nay sẽ là lần đầu tiên các cầu thủ và cả cổ động viên sẽ được hưởng làn gió mát từ điều hòa nhiệt độ. Hệ thống điều hòa hiện đại sẽ làm mát không khí, sau đó dẫn chúng vào sân qua các vòi phun được bố trí khắp sân, rồi tất cả được hút trở lại, làm mát một lần nữa, lọc và đẩy ra ngoài. Về cơ bản nguyên lý điều hòa tại các sân bóng ở Qatar giống với điều hòa trên xe hơi, nhưng với quy mô lớn hơn gấp ngàn lần. Đây là điều kiện cần thiết để giúp các cầu thủ có thể chơi bóng ở trạng thái lý tưởng nhất.
Còn để đảm bảo việc đi lại của người hâm mộ trong thời gian diễn ra World Cup, Qatar cũng đã nhập khoảng 1.500 xe buýt, trong đó có 888 xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện, chiếm hơn 30% tổng số phương tiện phục vụ World Cup.
Tham khảo Aljazeera, Sina
Tags