Sinh nhật 110 năm của danh họa Nguyễn Gia Trí: Một tượng đài sơn mài khó thay thế

Thứ Năm, 21/06/2018 07:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 20/6 tại Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 110 năm sinh danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-2018), một tượng đài sơn mài khó thay thế của Việt Nam và thế giới.

Ông cùng với Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn tạo thành bộ tứ đầu tiên của nghệ thuật hiện đại Việt Nam: Trí - Lân - Vân - Cẩn.

Thành công ngay bước đầu

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948, Tô Ngọc Vân đã nhận định: “Danh từ sơn mài là một danh từ mới đặt sau này, để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta, nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn. Kỹ thuật sơn ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán. […].

Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, sơn ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu. Quên dĩ vãng sơn ta đổi tên nhũn nhặn là sơn mài” - dẫn lại theo báo Văn nghệ, số 5, phát hành tháng 9/1948.

Chú thích ảnh
Nguyễn Gia Trí thời trẻ

Nhận định này của Tô Ngọc Vân cho thấy công lao to lớn của những người như Nguyễn Gia Trí. Họ không chỉ đưa một vật liệu từ mỹ nghệ thành nghệ thuật, mà còn khai sinh ra một khái niệm, một thuật ngữ, một tên gọi mới.

“Từ những năm đầu của thập niên 1930, khi còn là sinh viên, ông đã tìm tòi, sáng tạo để đưa sơn mài ra khỏi những công thức cổ truyền. Cùng thời kỳ đó, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù cũng cho ra đời tranh vỏ trứng trên nền đỏ tuyền. Mỗi tác giả đều tìm tòi một kỹ thuật cho riêng mình. Nhưng những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 đã gây một sự bất ngờ lớn trước công chúng, vì tranh sơn mài khó thành công bởi dễ lẫn lộn giữa mỹ nghệ và hội họa” - sinh thời, họa sĩ Đinh Cường từng nhận định.

Không chỉ thành công về dư luận, mà giới sưu tập cũng nhanh chóng mặn mà. Bức sơn mài lớn Cảnh thiên thai được Toàn quyền Jean Decoux đặt treo tại Dinh Toàn quyền Đông Dương (Hà Nội) từ trước 1945.

Phần lớn tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí luôn ở tình trạng “làm không kịp bán”, “anh thường từ chối các đặt hàng, sợ làm không kịp” - lời của họa sĩ Bùi Quang Ngọc.

Trước 1954, tranh ông luôn được người Pháp ưa chuộng, từ khi vào Sài Gòn định cư (1954), tranh ông cũng tiếp tục được Việt Nam, Pháp, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Thụy Điển, Anh… sưu tập. Bộ sưu tập của bác sĩ Bùi Kiến Tín (chú họ nhà thơ Bùi Giáng) là một trong những bộ đáng kể và đáng nể nhất, do độ quý hiếm.

Dù vậy, nhưng qua trao đổi giữa Nguyễn Gia Trí với bạn của mình - nhà thơ Đoàn Phú Tứ - cũng có thể hiểu được phần nào thái độ sống của ông. “Ngay cả trong thời gian khó khăn nhất, tôi cũng có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc. Để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn vui lòng” - dẫn theo bài Họa sĩ Nguyễn Gia Trí và sơn mài của Bùi Quang Ngọc, in trên tạp chí Mỹ thuật, số tháng 12/1991.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ kỷ niệm 110 năm sinh Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Bùi Hoàng Anh

Khoái lạc của Nguyễn Gia Trí

“Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc - thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí” - Tô Ngọc Vân nhận định, trong bài đã dẫn ở trên.

“Họa sĩ Nguyễn Gia Trí không nửa chừng đứt đoạn rụng rơi mà ông đã đánh cả ván đời mình cho những tác phẩm sơn mài mang gam màu Nguyễn Gia Trí, không thể lẫn lộn. Những tác phẩm đã nằm im trong một không gian và thời gian vĩnh cửu” - Đinh Cường nhận định.

Trải qua nhiều kết quả thảo luận và nghiên cứu tranh sơn mài tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc…, họa sĩ Uyên Huy nhận định rằng tầm vóc như Nguyễn Gia Trí là toàn thế giới khó có ai sánh vai nổi, khó có thể thay thế, hoặc vượt qua mặt.

Trong cuốn Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo (NXB Văn học, 1998), do Nguyễn Xuân Việt chắp bút, ngày 19/9/1979 viết: “Công của nghệ sĩ là rửa mắt cho công chúng. Cho công chúng nhìn sáng hơn, rõ hơn, và mới hơn. Muốn vậy nghệ sĩ phải có con mắt mới, cái đầu mới. Một quan niệm, một đầu óc quá cổ điển không có lợi cho sáng tác. Nghệ sĩ dùng quy luật nhỏ của riêng mình để mò mẫm tìm quy luật lớn. Với chất liệu sơn mài, hoặc chất liệu khác cũng vậy, không được bắt nó phải theo mình, mà phải tôn trọng chất liệu, hiểu nó và nương theo nó mà điều khiển”.

Một quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí

“Làm nghệ thuật điều chính yếu nhất là thành thật. Cái hại nhất là giả với mình. Phải làm việc nghiêm túc, có khi đến khắc nghiệt với chính mình. Làm hàng trăm cái hỏng để chỉ lấy nửa cái được, hoặc một cái được. Người nghệ sĩ không bao giờ tự thỏa mãn.

Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, như yêu vợ mình, thì mới có con là tác phẩm. Mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm được tính chất riêng của nó. Ví dụ: độ dày mỏng của sơn dầu. Với sơn mài thì lại yêu cầu phẳng, độ bóng, hoặc bằng bất kỳ cách nào, miễn là đạt được hiệu quả nghệ thuật. Khi có điều gì chưa đạt, người vẽ áy náy, tìm cách khắc phục. Cho đến khi tạm thỏa mãn, hoặc thỏa mãn với bức tranh ấy” - Nguyễn Gia Trí, nhật ký ngày 19/11/1980.

Danh họa Nguyễn Gia Trí và phiên đấu giá 'vô tiền khoáng hậu'

Danh họa Nguyễn Gia Trí và phiên đấu giá 'vô tiền khoáng hậu'

Phiên đấu giá 'vị nghệ thuật' lần thứ 2 của nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) sẽ diễn ra từ 14h ngày 27/5 tại Hôtel des Arts Saigon (76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM).

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›