Sinh tồn ở nơi "hơi thở cũng hóa đá": Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ?

Thứ Ba, 07/03/2023 19:52 GMT+7

Google News
Không có nơi nào trên Trái đất lạnh hơn vùng Đông Nam Cực. Nơi này thậm chí còn lạnh hơn cả Tây Nam Cực vì nó nằm ở vị trí cao hơn.

Princess Elisabeth, một trạm nghiên cứu vùng cực ở vùng Queen Maud Land, phải đối mặt với tốc độ gió lên tới 249km/h và nhiệt độ thấp tới -50°C. Làm đầu bếp ở vùng này không phải điều dễ dàng gì và cần tới những kĩ năng đặc thù.

"Khi mọi người ở bên ngoài trong điều kiện nhiệt độ cực lạnh và khắc nghiệt, tôi thích làm thứ gì đó ngon và hữu ích cho cơ thể", đầu bếp Thomas Duconseille, người đã làm việc tại trụ sở ở Nam Cực xa xôi này cho biết. 

Nghiên cứu tại Nam Cực

Trạm Princess Elisabeth neo đậu trên sườn núi bên cạnh Utsteinen Nunatak. Bên ngoài cửa sổ văn phòng của Duconseille là những ngọn núi đá granit băng giá và những vùng đất thấp trắng sáng, điểm xuyết những đơn vị lưu trú tại hiện trường, thùng chứa phòng thí nghiệm và tua-bin gió trồi lên từ tuyết.

Trong những tháng mùa hè từ tháng 11 đến tháng 2, vùng núi băng giá liên tục được tắm trong ánh sáng bởi mặt trời chỉ lặn ba giờ mỗi ngày. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu từ Bỉ, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Mỹ tận dụng 200km núi, bờ biển, sông băng và Cao nguyên Nam Cực để tiến hành nghiên cứu khoa học và phát triển các chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 

Sinh tồn ở nơi hơi thở cũng hóa đá: Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ? - Ảnh 1.

Một số ở lại trong một vài tuần và những người khác có thể ở lại trong cả mùa. 

Trạm Princess Elisabeth, được điều hành bởi International Polar Foundation có trụ sở tại Brussels, đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2009. Trạm này nhìn giống như một con tàu vũ trụ hình lục giác mới hạ cánh, những tấm bạc bóng bẩy của nó phản chiếu màu trắng sáng của cảnh quan vùng cực.

Vì Princess Elisabeth cách thành phố gần nhất - Cape Town, Nam Phi - sáu giờ bay nên Duconseille phải đảm bảo thịt, cá và rau được đông lạnh đến cuối mùa và trứng được bảo quản trong các thùng 5 lít với lòng trắng và lòng đỏ đã tách. Đối với các nguyên liệu tươi, hàng tháng, một kiện hàng "quý giá" này được chở đến từ Cape Town - trong điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt.

Để tiếp cận Princess Elisabeth, phi hành đoàn bay từ Cape Town trên một chiếc máy bay DC-3, một loại máy bay rất phù hợp để vận chuyển hàng hóa và di chuyển trên đường băng băng giá. Chuyến bay mất hơn sáu giờ một chút và sau đó là hành trình dài 90 phút từ đường băng đến nhà trạm. Thực phẩm tươi bao gồm rau và sữa cũng được vận chuyển bằng DC-3 và hoạt động này được thực hiện hàng tháng.

Sinh tồn ở nơi hơi thở cũng hóa đá: Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ? - Ảnh 2.

Việc phân bổ thức ăn khá khó khăn nhưng Duconseille đã thích nghi với sự khắc nghiệt của công việc.

"Càng ngày, tôi càng quen với việc chờ đợi cả tháng giữa các lần được giao thực phẩm tươi sống. Nhiều năm trước, khi tôi mới bắt đầu công việc, thật khó khăn vì thực phẩm tươi sống rất nhanh hỏng. Nhờ kinh nghiệm, tôi biết cái gì sẽ hỏng trước, vì vậy đối với tuần đầu tiên, chúng tôi có rất nhiều salad tươi. Tôi làm mọi cách để có thể làm cho những nguyên liệu này tồn tại lâu nhất có thể. Trong bốn tuần chờ đợi, tôi sẽ chọn đồ và đảm bảo cho đến tuần thứ tư, mọi người vẫn có thể ăn thứ gì đó ngon miệng," Duconseille nói.

Cung cấp và lưu trữ thực phẩm

Các bữa ăn mà Duconseille chuẩn bị tại Princess Elisabeth rất đa dạng, bao gồm súp, thịt, pizza, salad, bánh mì và món tráng miệng. Duconseille nói: "Luôn có lựa chọn ăn chay hoặc thuần chay - vì vậy mọi người đều có nhiều lựa chọn khác nhau. Đối với những dịp đặc biệt, chẳng hạn như Giáng sinh và Năm mới, đầu bếp chuẩn bị các món ăn bao gồm gan ngỗng, gà tây nhồi và kẹo dẻo".

Một nhà nghiên cứu tên Henri Robert nói: "Là một thực khách, tôi có thể nói rằng tôi cảm giác giống như đang ăn trong nhà hàng vậy. Thật tuyệt vời, bữa tối rất thịnh soạn".

Sinh tồn ở nơi hơi thở cũng hóa đá: Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ? - Ảnh 3.

Trạm này thường đón từ 20 đến 30 nhà khoa học, nhưng trong những năm qua, các cơ sở đã được mở rộng để hỗ trợ từ 45 đến 50 người. Các thành viên luân phiên giúp Duconseille trong bếp bằng cách dọn bàn ăn, lau khô và cất bát đĩa, hoặc gọt vỏ một lượng lớn khoai tây. 

Việc vận chuyển các mặt hàng lâu hỏng và khó hỏng như ngũ cốc, đậu và cà chua đóng hộp đến trạm là một thách thức khác trong việc vận chuyển thực phẩm tươi hàng tháng.

Duconseille cho biết: "Từ Bỉ, chúng tôi chất đầy các công-ten-nơ vận chuyển một lượng lớn thực phẩm khô và đông lạnh và cứ hai năm một lần, một con tàu lại đến và cung cấp cho chúng tôi những nguyên liệu này".

Tại trạm, thực phẩm được cất giữ ở tầng dưới, nơi có một căn phòng lớn với kệ để thực phẩm khô, tủ đông có kích thước bằng công-ten-nơ vận chuyển (nhiệt độ -25°C) và một tủ lạnh nhỏ hơn (nhiệt độ 5°C). 

Duconseille không lên kế hoạch trước cho các bữa ăn, nhưng luôn duy trì kho dự trữ thực phẩm dồi dào, vì vậy anh biết chính xác những gì có trong tay. 

Duconseille nói: "Tôi nấu ăn theo cảm tính -- tùy thuộc vào số lượng người ở đó, hoặc món ăn nào sẽ bị hỏng sớm. Tất cả phụ thuộc vào những gì chúng tôi có".

Sinh tồn ở nơi hơi thở cũng hóa đá: Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ? - Ảnh 4.

Vì có nhiều cảnh quan vùng cực cần nghiên cứu ở phía đông Nam Cực nên các nhà khoa học tại Princess Elisabeth thường xuyên thực hiện các chuyến đi thực địa. Đầu bếp đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của những cuộc thám hiểm này.

"Những chuyến đi thực tế này có thể kéo dài hai đến ba tuần và có sự tham gia của bốn đến sáu người. Để làm được điều này, tôi cần ước tính các bữa ăn mà họ sẽ cần khi ở xa trạm. Mỗi khi tôi nấu một bữa ăn lớn, tôi làm đông lạnh các phần ăn để các nhà nghiên cứu có thể lấy những thứ này, rã đông và thưởng thức mà không cần lãng phí thời gian quý báu tại hiện trường," Duconseille nói.

"Ở Nam Cực, thức ăn rất quan trọng đối với tinh thần của mọi người - điều quan trọng là phải đảm bảo mọi người vui vẻ quanh bàn và quây quần bên nhau sau một ngày dài. Tôi thích nấu các món tráng miệng và bánh ngọt để mọi người có thể vui vẻ vào cuối ngày ", Duconseille cho hay.

Sinh tồn ở nơi hơi thở cũng hóa đá: Những bữa tiệc xa hoa như nhà hàng phục vụ ai giữa cái lạnh -50 độ? - Ảnh 5.

"Thật khó khăn trong những ngày đầu tiên khi tôi rời xa gia đình. Nhưng một khi đến nơi, ở trong môi trường này, tôi lại tập trung vào công việc và bị quyến rũ bởi cảnh đẹp xung quanh. Cuộc sống thật thú vị, luôn có điều gì đó mới xảy ra. Chúng tôi đang chăm sóc rất nhiều người và các hoạt động khoa học."

Rời khỏi Nam Cực cũng mang lại cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Duconseille nói: "Vào cuối mùa hè, chúng tôi rất vui khi được trở về nhà, nhưng đó là một cảm giác lẫn lộn: chúng tôi rất buồn khi phải rời Nam Cực. Đó là một môi trường đáng kinh ngạc và chúng tôi có một cuộc sống độc đáo ở đây."

 

Tất Đạt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›