(Thethaovanhoa.vn) - Bàn đến câu chuyện UBND tỉnh Nghệ An vẫn trích ngân sách địa phương hỗ trợ cho SLNA trong thời điểm kinh tế đang khó khăn như hiện nay, ông Hồ Văn Chiêm (GĐĐH SLNA) cho biết: “Nếu không có gì thay đổi thì UBND tỉnh vẫn sẽ đồng hành cùng SLNA trong công tác đào tạo bóng đá trẻ. Hiện nay văn bản đã được Sở VH,TT&DL Nghệ An trình lên Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An chờ phê duyệt”.
Trước đó, cuộc họp liên ngành dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh (bà Đinh Thị Lệ Thanh – PCT UBND tỉnh Nghệ An) về việc kêu gọi tài trợ mới cho đội bóng và tìm phương hướng cho công tác đào tạo bóng đá trẻ đã không tìm thêm được đối tác nào mới cùng đồng hành với ngân hàng Bắc Á để tài trợ cho SLNA.
Điều đó đồng nghĩa với việc UBND tỉnh sẽ chung tay cùng nhà tài trợ để gánh vác nguồn kinh phí hoạt động cho đội bóng trong những mùa giải tới. Qua đó, ngân hàng Bắc Á vẫn tiếp tục tài trợ 30 tỷ/1 mùa cho đội 1 SLNA hoạt động, còn UBND tỉnh sẽ duyệt ngân sách 20 tỷ/ mùa dành cho công tác đào tạo trẻ.
Ông Hồ Văn Chiêm phát biểu: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay mà nhà tài trợ vẫn đồng hành cùng đội bóng là điều đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng họ không thể cùng đồng hành cùng bóng đá trẻ như một số trung tâm khác. Rất may Thường vụ Tỉnh uỷ đã thấy rõ khó khăn của việc đó nên sẽ phê duyệt ngân sách để CLB vẫn có thể an tâm đào tạo trẻ như hiện nay. Trong cuộc họp vừa qua, tôi thay mặt Công ty trình bày việc chi tiêu tài chính trong 3 năm vừa qua của công tác đào tạo trẻ, đồng thời cũng lên kế hoạch cho những năm tới.
Tôi nghĩ để đủ chi phí cho công tác đào trẻ như hiện nay cần khoảng 20 tỷ/ mùa. Theo thông tin tôi biết thì hiện nay Sở VH,TT&DL đã có công văn gửi UBND chờ phê duyệt”.
Hiện nay tại trung tâm đào tạo trẻ của SLNA có đầy đủ các tuyến đào tạo từ lứa tuổi U11 đến lứa tuổi U21.Theo đó, căn cứ vào chỉ tiêu được hưởng đào tạo 100 % (ăn, ở, học tập) thì lò đào tạo SLNA có được 160 học viên. Riêng sang năm 2016 số lượng học viên sẽ có thể được tăng lên 20 học viên nữa. Điều đó sẽ tăng thêm nguồn kinh phí đào tạo của bóng đá trẻ.
Mặc dù không thể so được với cơ chế đào tạo của các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác như HAGL JMG, PVF, Hà Nội T&T, Viettel…, nhưng lãnh đạo SLNA tin rằng họ đã được quan tâm nhiều hơn trước.
“Chế độ ăn của các học viên đã được tăng lên 120.000/ngày, trước khi đi ngủ các em cũng đã được uống sữa để phát triển thể chất. Tuy nhiên, SLNA vẫn thiếu thốn nhiều, nhất là cơ sở vật chất chưa đảm bảo tốt nhất cho các em, hiện nay phải 5-6 em ở chung 1 phòng, mùa hè các em chưa được ở phòng điều hoà, nhưng như thế là tốt rồi”, một HLV đội trẻ tâm sự.
SLNA có thể bị các trung tâm khác “rút ruột” ngay từ công tác tuyển chọn vì khó khăn kinh phí, song việc đào tạo ngọc thô của SLNA không vì thế mà đi xuống.
Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa
Tags