Số ca F0 tăng cao: Cảnh báo nguy cơ đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh hô hấp khác

Thứ Hai, 24/04/2023 16:03 GMT+7

Google News

Số ca F0 tăng cao, số ca nhập viện thở máy cũng gia tăng. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 với các bệnh hô hấp khác.

Sau gần 4 tháng không ghi nhận ca tử vong, tại Hà Nội vừa ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Ngoài ra, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu tháng 4-2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng phải nhập viện dù vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, trong tuần trước (từ ngày 16-4 đến 22-4), cả nước ghi nhận hơn 12.500 ca mắc COVID-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 cho đến nay. Đáng nói, trong 2 ngày 21 và 22-4, số lượng bệnh nhân nặng, phải thở oxy cũng tăng lên hơn 120 ca/ngày.

Theo các chuyên gia, COVID-19 đang tăng cao, số ca mắc chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… Trong khi đó, trong thời điểm giao mùa, cúm và các bệnh đường hô hấp khác đang diễn biến phức tạp, tăng nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 với các bệnh hô hấp do virus, vi khuẩn gây ra, từ đó tăng nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi cấp, suy hô hấp nghiêm trọng.

Số ca F0 tăng cao: Nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 và các bệnh mùa sẽ để lại nhiều di chứng - Ảnh 1.

Ảnh: VNVC cung cấp

Nghiên cứu của Tập đoàn Dược phẩm Pfizer kết hợp với các trường Đại học và Viện Nghiên cứu tại Hàn Quốc chỉ ra rằng bệnh nhân COVID-19 bị đồng nhiễm bệnh do vi khuẩn, virus gây bệnh hô hấp khác có nguy cơ tử vong gấp gần 6 lần so với bệnh nhân chỉ bị COVID-19. 24% bệnh nhân COVID-19 bị bội nhiễm mắc bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí y khoa Lancet ngày 26/3/2023, người trưởng thành nhập viện nhiễm đồng thời virus SARS-CoV-2 và virus cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 2,4 lần so với các bệnh nhân chỉ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc nhiễm một trong số các loại virus khác.

Nguy cơ khi đồng nhiễm COVID-19 với cúm và phế cầu

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM, phế cầu khuẩn gây đồng nhiễm, bội nhiễm ở bệnh nhân COVID-19 khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ thần kinh, hệ hô hấp (xẹp phổi, áp xe phổi, phù phổi, suy hô hấp), hệ vận động. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già.

Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng khác như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm xoang… "Nếu đồng nhiễm các tác nhân khác thì nguy cơ gặp biến chứng nặng như viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi… ở nhóm này rất cao", BS Khanh cho biết.

Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thời gian qua cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi nhập viện điều trị vì biến chứng viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cảnh báo: "Phế cầu có thể tàn phá phổi không kém COVID-19. Bệnh có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên thường bị xem nhẹ, hoặc dễ nhầm lẫn với COVID-19 khiến người bệnh dễ bỏ sót điều trị. Do đó, người bệnh sẽ dễ gặp diễn tiến nặng, phổi có thể bị tàn phá nặng nề và tăng nguy cơ tử vong".

Tương tự, cúm mùa cũng tàn phá phổi và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe không kém COVID-19. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, gây ra bởi phân tuýp virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng virus cúm B/Yamagata, B/Victoria. Virus cúm gây gia tăng từ 6-10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng 100 lần nguy cơ viêm phổi, thúc đẩy những cơn kịch phát ở bệnh nhân COPD, hen suyễn... Hiện nay, dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại, nếu đồng nhiễm cùng lúc cúm và COVID-19 có thể gây khó khăn trong công tác điều trị và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.

Số ca F0 tăng cao: Nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 và các bệnh mùa sẽ để lại nhiều di chứng - Ảnh 2.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu phòng tránh đồng nhiễm dịch. Ảnh: VNVC cung cấp

Phòng tránh nguy cơ đồng nhiễm bệnh

Các nghiên cứu từ các Tổ chức Y tế trên thế giới như Tổ chúc Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ,... cho biết việc tiêm chủng sớm vaccine phòng các bệnh hô hấp như vaccine cúm, vaccine phế cầu, vaccine ho gà ở giai đoạn hậu COVID-19 góp phần quan trọng để bảo vệ lá phổi, đường hô hấp, giảm mức độ lây lan cũng như cải thiện các biến chứng nặng của COVID-19, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao.

Vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác. 

Với vaccine phòng vi khuẩn phế cầu, BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi được tiêm vaccine phế cầu có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy vắc xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23-49% chống lại các virus hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 ở người. Đặc biệt người trên 65 tuổi đã tiêm vắc xin Prevenar 13 giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19.

"Đặc biệt, vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu - ho gà - uốn ván) được chứng minh có khả năng tạo "miễn dịch chéo" với COVID-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của COVID-19", BS Chính khẳng định.

Mộc Trà

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›