Miền Bắc đang bước vào không khí ẩm thấp, đây là điều kiện thuận lợi khiến các bệnh truyền nhiễm tăng cao, trong đó có thủy đậu.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24/3), Hà Nội ghi nhận 86 trường hợp mắc thủy đậu.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay 2023, TP ghi nhận 634 ca mắc thủy đậu. Số ca mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân ghi nhận tại 17/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (241), Mê Linh (96), Ba Vì (83), Nam Từ Liêm (58), Mỹ Đức (51). Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (6/0).
Mới đây, theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, trong tuần 13, trên địa bàn huyện Chương Mỹ ghi nhận thêm 9 ca mắc thủy đậu mới, lũy tích tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên 246 ca; trong tuần không xuất hiện ổ dịch mới; 05 ổ dịch cũ đều đã kết thúc.
BS.CKI Trương Trọng Tấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Virus này có kích thước khoảng 150 - 200mm, với nhân là AND. Người mắc bệnh sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa. Bệnh rất dễ lây cho những người chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng nhiễm virus varicella-zoster.
Vào thời điểm tháng 3 - tháng giao mùa tại Miền Bắc, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm tăng lên cao. Trong điều kiện thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, bệnh thủy đậu rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy nhiên trường hợp này ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Cách phòng tránh hiệu quả
Theo các chuyên gia, đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với những người xung quanh để tránh lây lan dịch bệnh.
Khi người bệnh mắc thủy đậu không nên kiêng tắm rửa, bởi như vậy càng làm cơ thể ngứa ngáy, khó chịu, hãy sử dụng nước ấm để tắm rửa. Người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát vào nốt mụn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và cần hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh bệnh lây lan.
Để phòng tránh bệnh thủy đậu hiệu quả nhất, theo BS Tấn, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất. Kể từ năm 1970, khi nhà khoa học Nhật Bản tìm ra vaccine phòng thủy đậu thì việc tiêm vaccine đã giúp đẩy lùi bệnh. Các chuyên gia ước tính 98% trường hợp tránh được thủy đậu là nhờ vaccine phòng bệnh hoạt động hiệu quả. Hiện nay, vaccine ngừa thủy đậu được "tích hợp" chung với vaccine ngừa sởi, quai bị.
Trẻ em từ 12-18 cần tiêm vaccine phòng bệnh. Trẻ từ 19 tháng đến 13 tuổi chưa tiêm vaccine hay chưa từng mắc thủy đậu cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh.
Tags