(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là một chuyên gia văn bản học về Vũ Trọng Phụng, ông đưa ra các thông tin về xuất bản và sự hấp dẫn của Số đỏ hơn 80 năm qua. Tiểu thuyết này diễn đạt theo tri thức xã hội học thời nay, viết về những con người luôn mang tính ẩn danh trong xã hội đô thị.
Thể thao và Văn hóa giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (Tít bài do báo đặt).
Tiểu thuyết Số đỏ được đăng báo từ tháng 10/1936, in thành sách từ đầu năm 1938.Vào trang web Thư viện quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) có thể tìm thấy danh mục trên 50 bản in Số đỏ; còn trong ghi nhận của một số người chơi sách xưa thì tổng số lần in Số đỏ tại Việt Nam từ 1938 đến nay là khoảng 77 hoặc 78 lần. Dù số liệu như trên có chênh lệch, thì vẫn có thể nói, trong số các tập truyện, tiểu thuyết xuất hiện thời 1930-1945, tính đến nay, Số đỏ là cuốn được in đi in lại nhiều lần nhất.
Những sự đánh giá cách biệt
Một nét khác biệt lớn, trong giới nhà văn, Số đỏ sớm được nhắc đến như một tác phẩm đặc sắc, xuất sắc. Năm 1948, gặp Nam Cao tại một làng tản cư, Vũ Bằng nhắc đến Số đỏ của Vũ Trọng Phụng như tác phẩm đáng kể nhất, thế là Nam Cao đã ghi lại,một cách đồng tình, trong thiên truyện có nhiều tình tiết bút ký mang tên Đôi mắt. 40 năm sau đó, nhân việc các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được phép in và phát hành sau 30 năm bị vắng bóng, nhà văn Nguyễn Khải đã kể đến tiểu thuyết Số đỏ như một tác phẩm đem lại vinh dự cho mọi nền văn học.
Lại nhớ thêm, thời mà thế giới bị chia làm 2 phe (thời chiến tranh lạnh, 1950-1990), đã có dịch giả Liên Xô tỏ ý muốn được dịch Số đỏ ra tiếng Nga, nhưng những người liên quan khi ấy đã từ chối, với một lý do nào đấy, rồi đưa truyện Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài để thay thế!
Một nét khác biệt nữa, sự “đọc-hiểu”, hoặc là sự phân tích tác phẩm này, khá cách biệt nhau! Những năm 1940 ở Hà Nội, khi viết công trình Nhà văn hiện đại, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cho rằng khôi hài trong Số đỏ là “lối khôi hài nông nổi, nhạo đời nhưng không căn cứ” (?); cái được ông đánh giá cao hơn ở Số đỏ lại là những đoạn mà ông xem là “những xen tả chân triệt để”.
Những năm 1960-1975 ở Sài Gòn, học giả Phạm Thế Ngũ trong bộ sách Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, khi nói về Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết Số đỏ, cũng nhận xét không khác mấy. Ông nhấn mạnh nét “tả chân” ở văn chương Vũ Trọng Phụng, xem thường Số đỏ, chỉ thấy nó là tác phẩm “châm biếm, khôi hài, ngả sang lối khôi hài quá lố của sân khấu hay màn ảnh” mà thôi.
Cũng thời gian ấy, nhà phê bình Hoàng Thiếu Sơn lại đặt Số đỏ vào loại hình “tiểu thuyết bợm nghịch” (novela picaresco) vốn phát triển ở châu Âu từ thế kỷ 16, nổi bật nhất là Don Quijote De La Mancha của M. Cervantes. Nhà phê bình cho rằng có một mạch truyện bợm nghịch trong văn chương thế giới thế kỷ 19-20, với Các di văn của câu lạc bộ Pickwick (1839) của Dickens ở Anh, Những linh hồn chết (1842) của N. Gogol ở Nga, A.Q. chính truyện (1921) của Lỗ Tấn ở Trung Hoa, Số đỏ (1936) của Vũ Trọng Phụng ở Việt Nam…
Cũng những năm bước vào thời Đổi mới, GS Đỗ Đức Hiểu dồn sức viết lại về một loạt tác gia tác phẩm văn học thời 1930-1945 theo cách nhìn cởi mở, vận dụng những thành tựu nghiên cứu phê bình văn học Âu châu hiện đại. Với Số đỏ, Đỗ Đức Hiểu xem tiểu thuyết này là một hiện tượng ngôn ngữ hết sức độc đáo đánh dấu thời đại.
“Số đỏ là cái cười nhại với một tầm cỡ lớn. Số đỏ nhại một xã hội, một phong trào chính trị, một thời đô thị hóa. Nó nhại một trào lưu văn hóa, một trào lưu văn học, một nghệ thuật trừu tượng cực đoan. Nó nhại một ngôn ngữ đang hình thành, hổ lốn, tạp nham, lổn nhổn, khấp khếnh, xiêu vẹo, tạp pí lù”. Nhà nghiên cứu lấy làm tiếc cho các đồng nghiệp nghiên cứu phê bình vì “chưa mấy ai thấy cái cười của Vũ Trọng Phụng ẩn giấu tư tưởng nhân đạo đầy bao dung, cái cười nhân văn chủ nghĩa” - tríchtrong cuốn Đổi mới phê bình văn học, NXB KHXH, 1993).
Từ những năm 2000 trở lại đây, giới nghiên cứu văn học còn có những nghiên cứu khác nữa, xung quanh tác giả Vũ Trọng Phụng và các tác phẩm của ông, trong đó có tiểu thuyết Số đỏ. Nói gọn lại, như tôi đã viết giới thiệu Số đỏ trong bộ sách Việt Nam danh tác: “Từ những năm 1990 đến nay, hầu như năm nào Số đỏ cũng được in lại, mỗi năm một vài lần. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu càng tiếp xúc với những tư tưởng học thuật mới, thì lại càng nhận ra những phẩm chất đặc sắc vẫn tiềm tàng trong tiểu thuyết Số đỏ”.
Một chiều kích cần nghiên cứu
Tôi có một số công trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng, nhất là nghiên cứu sự biến động trong văn bản của 2 tác phẩm Giông tố và Số đỏ do quá trình tái bản, tất cả đều đã công bố trên sách báo trong nước.
Nhân đây, tôi xin nói thêm về chuyên luận Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng của Peter Zinoman. Tác giả này cho rằng ở thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp (1858-1945), có một bộ phận đáng kể trí thức, học giả, nhà báo nhà văn Việt Nam hướng lý tưởng chính trị của mình về “chủ nghĩa cộng hòa” (republicanism).
Trong bài điểm sách này, nhà văn Trùng Dương cho rằng nhân vật Vũ Trọng Phụng lôi cuốn Peter Zinoman vì cuộc đời quá ngắn ngủi (1912-1939), song rất phong phú về sáng tác và thái độ sôi nổi, gần như giận dữ trước những bất công xã hội của một cây bút tài năng xuất chúng. Điều lôi cuốn Peter Zinomanhơn cả là cái viễn kiến chính trị mới chớm của một trí thức Bắc Hà, đó là tư tưởng nghiêng về chủ nghĩa cộng hòa hiểu theo nghĩa nguyên thủy từ cuộc Cách mạng Pháp 1789 và 1848, tiếp nối qua nền Đệ tam Cộng hòa Pháp (1871-1940), với phương châm Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ (Liberté, Egalité, Fraternité). Đồng thời, chủ trương “hỗ trợ công cuộc dân chủ hóa sinh hoạt chính trị qua việc nới rộng quyền đầu phiếu, vun xới đào tạo một tầng lớp dân sự dựa vào lý trí và dân quyền bằng việc giáo dục đại chúng”.
- Người Séc thích trào phúng nên thích 'Số đỏ'
- Nhà Việt Nam học Peter Zinoman: 'Số đỏ' nhận được nhiều lời khen ở Mỹ'
- Tìm lại được bản in sách lần đầu của 'Số đỏ'
Bộ sách 2 tập nhan đề Con người điêu trá (NXB Văn học, 2017) tập hợp những tác phẩm nhỏ, lẻ, hoặc tác phẩm còn ở dạng dở dang (viết chưa xong, đăng tải dở dang) của Vũ Trọng Phụng. Đấy là sự tiếp tục công việc mà tôi được nhóm soạn toàn tập Vũ Trọng Phụng phân công (nhóm này lập năm 1995, nhưng sau khi làm bộ Vũ Trọng Phụng, Toàn tập, 5 tập, 1999-2000, thì không còn hoạt động gì). Đấy cũng là những việc mà tôi và Peter Zinoman đã làm, sau khi đã công bố các sưu tập như Vẽ nhọ bôi hề (2000, 2004), Chống nạng lên đường (2000, 2004).
Truyện ngắn Con người điêu trá khá tiêu biểu cho một nhận định gần như xuyên suốt của nhà văn hiện thực chủ nghĩa này về con người ở đô thị: Con người điêu trá! Tại đô thị, ta gặp gỡ, đụng chạm rất nhiều người, nhưng hầu như ta không kịp biết tên họ, càng khó kịp biết nhiều đặc điểm nhân thân, tính tình, cùng các liên hệ xã hội của người ấy; bản thân ta, trong nhận biết của người khác, cũng đầy tính ẩn danh như vậy! Vũ Trọng Phụng gần như suốt đời sống tại một đô thị lớn, ông cảm nhận rất rõ đặc điểm này.
Lại Nguyên Ân
Tags