(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi đôi mươi, nghèo và hoang hoải giữa ngã ba cuộc đời, Leonard Cohen đã gặp được nàng thơ cùng ông sang trang lịch sử. Từ bờ cát trắng rực nắng trên đảo Hydra thời quá xa xôi, rồi những năm đằng đẵng xa cách vì ghen tuông, giờ họ lại một lần nữa bên nhau trên thiên đường.
Cohen đã dành cho Marianne Ihlen những tác phẩm đẹp bậc nhất đời mình như Bird On A Wire, That’s No Way To Say Goodbye, So Long, Marianne… hay tập thơ Flowers For Hitler, nhưng trong số này, So Long, Marianne có lẽ là tuyệt phẩm bao trùm nhất, dự báo những trắc trở của mối tình đẹp khiến đất trời phải ghen tị.
Ánh sáng rọi vào bóng đêm
Vì các mặt đối lập vốn thường hút nhau, nên không có gì lạ khi nhà thơ - nhạc sĩ u uẩn Leonard Cohen lại bị mê hoặc bởi người đẹp tóc vàng Marianne Ihlen. Một bà mẹ trẻ rực rỡ với đôi chân dài thon thả và xương hông nhô gợi cảm dưới bộ bikini, nàng là ánh sáng rọi vào bóng tối, là mặt trời chói changgiữa những ngày ảm đảm đáng nhớ của Cohen.
Vào tháng 3/1960, Cohen, một sinh viên trường luật bỏ ngang, một nhà thơ mới chớm nở, đã rời London mù sương để tới với thiên đường đầy nắng Hydra. Hòn đảo nhỏ của Hy Lạp này khi đó là địa đàng với văn hóa hippie sơ khởi, với những kẻ lang thang tự phong mình là nghệ sĩ phóng túng bên cạnh giới tinh hoa nhiều tiền lắm của như Aristotle Onassis hay Công chúa Margaret.
Chính ở nơi này, nhà thơ người Canada, cô đơn và tuyệt vọng, thấy ngưỡng mộ biết bao một cặp vợ chồng xinh đẹp thường cùng nhau đi dạo, tay trong tay như tình yêu sẽ bất diệt nơi họ. Sau này, Cohen nhớ lại: “Tôi chẳng đời nào nghĩ rằng tôi sẽ dành cả thập kỷ tiếp theo cho vợ của người đàn ông này”.
Cohen cũng không biết người đàn ông đó là tiểu thuyết gia người Na Uy Axel Jensen, và càng chẳng có manh mối gì là người đó sắp bỏ rơi Marianne Ihlen, 25 tuổi, cùng đứa con trai bé bỏng của họ, vì một phụ nữ khác. Cohen, khi đó 26 tuổi,đã chạy theo Ihlen khi nàng đang đi mua sắm ở chợ. Anh mời nàng cùng bạn bè anh ra ngoài chơi. Cả hai lập tức thấy mình bị rơi vào lưới tình nhưng những tán tỉnh giữa họ vẫn rất chậm rãi và quý phái.
“Dù tôi yêu ông ấy ngay từ khoảnh khắc gặp nhau. Nó mới đẹp làm sao. Như một bộ phim đẹp, chậm” - Ihlen nhớ lại.
“Chúng tôi gặp nhau khi đều trẻ”, Cohen viết trong bản tình ca nổi tiếng lấy cảm hứng từ nàng thơ tóc vàng So Long, Marianne năm 1967. “Sâu trong công viên xanh tử đinh hương/ Em giữ chặt lấy tôi như thể tôi là cây thập giá/ Khi chúng ta quỳ gối qua đêm tối”.
Cả hai nghèo nhưng có cuộc đời mộng mơ, khi cùng nhau đọc thơ, chơi đùa với con trai của Ihlen bên bờ biển, hát trong những quán rượu khi đêm xuống. Sau khi Cohen lái xe đưa Ihlen tới Oslo để đệ đơn ly dị chồng, anh trở lại quê nhà ở Montreal để xuất bản một cuốn phê bình thơ tiếng tăm, The Spice-Box Of The Earth. Anh đánh điện cho nàng: “Có một căn hộ. Tất cả những gì tôi cần là người phụ nữ của tôi và con của nàng”. Ihlen đã nghe theo tiếng gọi của con tim, bay tới Montreal cùng con trai nhỏ. Đây hẳn là lúc Cohen viết trong ca khúc: “Anh từng nghĩ mình là kiểu chàng trai gypsy lang thang/ Cho tới khi anh để em đưa về nhà”.
Khóc và cười một lần nữa
Nhưng tình đẹp khiến trời đất ghen tị, như Cohen viết: “Em khiến anh quên nhiều điều. Anh quên cầu nguyện các thiên thần và rồi các thiên thần cũng quên cầu nguyện cho chúng ta”.
Cohen và Ihlen vẫn vướng víu lấy nhau thêm7 năm nữa, nhưng mối quan hệ của đôi bên vô cùng lung lay. Cả 2 đều thiếu chung thủy và đầy ghen tuông. Ihlen tức giận với sự chú ý mà Cohen nhận được. Anh dành nhiều thời gian ở Chelsea Hotel tận New York, gảy đàn guitar, chơi bời ở studio The Factory của Andy Warhol, thiết kế sân khấu cho tương lai ca sĩ - nhạc sĩ của anh. Ihlen lại thích nắng và cát trắng ở Hydra hơn.
Khi cảm thấy họ kiếm được nhiều tiền từ âm nhạc hơn là văn học, Cohen đã dần chuyển từ nhà thơ thành ca sĩ - nhạc sĩ. Anh đã biên soạn một loạt ca khúc cho alum đầu tay, Songs Of Leonard Cohen, phát hành năm 1967, trong đó có So Long, Marianne. Mặc dù không có ý coi nó như thư chia tay nhưng ca khúc rõ ràng đã báo trước cho tan vỡ sau cùng của họ. “Ôi, quá lâu rồi, Marianne/ Cái thời mà chúng ta bắt đầu” - Cohen hoài niệm về những điều đẹp nhất khi họ bên nhau.
Cặp đôi chính thức tan vỡ vào năm 1972, khi bạn gái của Cohen, Suzanne Eldrod, sinh cho anh một cậu con trai. Anh cố gắng thuyết phục Ihlen hãy chấp nhận tình cảnh trái thường này, nhưng cô ngoảnh mặt ra đi. Ihlen tái hôn năm 1979, trở hành bà Stang, đúng y như câu hát: “Anh thấy em rời đi và đổi tên một lần nữa”.
Nhưng điềm báo trong ca khúc chưa dừng lại ở đó mà còn theo Cohen và Ihlen đến tận cuối đời.
Dù rẽ sang những con đường khác biệt, Cohen và Ihlen vẫn luôn dành một góc trong tâm hồn để nhớ về nhau. Khi Cohen nghe tin Ihlen đang cận kề cái chết vì bệnh bạch cầu vào năm 2016, ông đã viết một lá thư ngọt ngào cho bà: “Ôi, Marianne, rồi cũng đã đến lúc chúng ta thật sự quá già, thân thể tan rã. Tôi nghĩ tôi cũng sớm theo bà thôi. Hãy biết rằng tôi ở rất gần phía sau bà, rằng nếu bà đưa tay ra, tôi nghĩ bà sẽ chạm tới tay tôi. Và bà biết rằng tôi luôn yêu bà vì vẻ đẹp và sự thông thái của bà… nhưng giờ đây, tôi chỉ muốn chúc bà một chuyến đi tốt lành. Tạm biệt bạn cũ. Tình yêu bất diệt, hẹn sớm gặp lại bà”.
Marianne Ilhen qua đời 2 ngày sau đó - 29/7/2016. Leonard Cohen theo gót người tình cũ 3 tháng sau, ngày 7/11/2016, trong giấc ngủ, một phần cũng vì bệnh bạch cầu. Chẳng phải, khi đó, câu hát xưa cũ trong So Long, Marianne chính là lời mặc niệm sau cuối cho tình yêu của họ, như con tạo xoay vần: “Ôi, quá lâu rồi, Marianne, cái thời mà chúng ta bắt đầu/ Thời mà chúng ta bắt đầu/Cười và khóc và khóc và lại cười về tất cả một lần nữa”. Mọi thứ chỉ kết thúc ở nụ cười.
Trên thiên đường, có lẽ Marianne đã đưa tay ra để nắm lấy tay Cohen một lần nữa và bước vào Hydra thứ hai, cũng là sau cuối. Nhưng tình yêu của họ dưới trần gian chỉ kết thúc khi tất cả đã rơi vào quên lãng, điều mà không có vẻ gì là như vậy, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Không chỉ những ca khúc còn sống mãi, những kỷ vật của hai người thời ở Hydra cũng đang đi vào thế giới. Trong cuộc đấu giá vào giữa năm ngoái, những lá thư say đắm nhưng không thiếu nét u uẩn Cohen gửi Ihlen đã được bán với giá rất cao còn chiếc chuông cổ, từng treo trong nhà họ ở Hydra, nay lại được ngân vang ở một nơi khác…
Vài nét về Leonard Norman Cohen Leonard Norman Cohen (21/9/1934 - 7/11/2016) là danh ca, nhạc sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Canada. Các tác phẩm của ông đi sâu vào khám phá tôn giáo, chính trị, sự cô độc, tính dục và những quan hệ lãng mạn. Ông được ghi danh ở Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc Canada, Đại sảnh Danh vọng Nhạc sĩ Canada và Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Cohen cũng được trao huân chương Bội tinh Canada, vinh dự dân sự cao nhất của chính phủ Canada. Năm 2011, ông nhận giải Hoàng tử Asturias cho văn học và giải Glenn Goul thứ 9. Theo đuổi sự nghiệp văn chương trong những năm 1950, đầu 1960 và phải tới năm 1967, ở tuổi 33, Cohen mới bước sang con đường âm nhạc, ghi dấu ấn như một nhạc sĩ quyến rũ, bí ẩn qua ca từ triết lý và giọng ca trầm khàn. Ông được ca ngợi là người đàn ông thời Phục hưng, luôn đứng giữa những đường biên nghệ thuật khó nắm bắt nhất, được chính Bob Dylan ngợi ca là nhạc sĩ “số một” của thời đại. Trong sự nghiệp âm nhạc hơn 50 năm của mình, di sản của ông gồm 14 album phòng thu, 8 album nhạc sống, 5 album tổng hợp và 44 đĩa đơn. Ông cũng tạo ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa đại chúng. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags