'Số lượng gái mại dâm đứng đường đã giảm rất nhiều'

Thứ Năm, 07/07/2016 15:47 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản giao cho Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh hướng dẫn triển khai các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội làm cam kết không để xảy ra tình trạng khiêu dâm, bán dâm cho khách tại cơ sở kinh doanh.

 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quý, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vào chiều ngày 6/7.

 

* Xin ông cho biết tình hình phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang được thực hiện ra sao?

- Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, UBND công tác phòng chống tệ nạn mại dâm đã được các cấp các ngành quan tâm đúng mức. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, vẫn còn tồn tại, đây là vấn đề cần cần có giải pháp tích cực hơn, những giải pháp tốt hơn để làm sao việc chuyển hóa mạnh địa bàn có tệ nạn mại dâm.

Thực tế, tình hình mại dâm thời gian qua đã có chuyển biến khá rõ nét. Trước đây, đối tượng mại dâm thường đứng ở một số tuyến đường nào đó để chéo kéo, mời chào khách mua dâm nhưng hiện nay tình trạng này được kéo giảm rõ rệt. Ở một số nơi công cộng, tuyến đường khu vực hiện nay dù vẫn còn tồn tại tệ nạn này nhưng số lượng gái mại dâm đứng đường giảm rất nhiều.

Ông Lê Văn Quý cho rằng để việc thực hiện cam kết kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" không phát sinh tệ nạn xã hội cần phải phối hợp thực hiện đồng bộ

 

Điểm mới của tình hình phòng chống mại dâm trên địa bàn đang nổi lên là đối tượng đang tập trung núp bóng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm biến tướng mại dâm, ví dụ một số nhà hàng có tiếp viên nữ, café đèn mờ, một số quán bar, beer club, vũ trường… đang thực hiện có núp bóng mại dâm.

Vì vậy, chúng tôi đang tập trung phối hợp liên ngành để triển khai kiểm tra hàng loạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội để kéo giảm tình trạng này. Hiện nay, thành phố đang có khoảng 17.545 cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

* Thưa ông, trước đây thành phố cũng đã triển khai việc vận động, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” làm cam kết không có tệ nạn xã hội cho khách tại cơ sở kinh doanh, vậy nội dung trong bản cam kết lần này có gì mới và khác so với những lần trước không?

- Trước đây, thành phố cũng đã triển khai việc vận động các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ “nhạy cảm” có phát sinh tệ nạn xã hội mại dâm, tuy nhiên khi triển khai có nơi làm, có nơi không. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng này, chúng tôi mới tham mưu cho UBND TP ra quyết định mới để thay thế các văn bản đã cũ, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo đó, khi triển khai sẽ có 3 bản cam kết được thực hiện. Một bản cam kết được treo dán tại trụ sở khu phố, một bản được dán ở UBND phường, xã và một bản để ngay khu vực lễ tân tại doanh nghiệp.

* Thưa ông, khi triển khai thực hiện sẽ xảy ra trường hợp như hai doanh nghiệp cùng kinh doanh dịch vụ giống nhau nhưng có doanh nghiệp đã thực hiện bản cam kết và kiểm tra phát hiện có vi phạm, còn một doanh nghiệp không thực hiện bản cam kết nhưng kiểm tra cũng phát hiện có vi phạm. Vậy chế tài xử lý hai doanh nghiệp này ra sao và có khác nhau gì không?

- Hiện nay, chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm đang là điều trăn trở của chúng tôi. Với trường hợp một sơ cở có cam kết khi phát hiện có vi phạm và một cơ sở không thực hiện bản cam kết khi kiểm tra có vi phạm thì chế tài xử phạt đang được áp dụng như nhau theo quy định của nhà nước.

Đây là bất cập trong cách quản lý, vì vậy chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho thành phố để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh này.

Tuy nhiên, trước mắt đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” mà không thực hiện cam kết thì chúng tôi sẽ tăng cường tần suất kiểm tra nhiều hơn để đưa họ vào quỹ đạo chung. Một khi triển khai như trên, công tác quản lý, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội mại dâm sẽ có hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.

* Để thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao chúng ta cần có những giải pháp nào, thưa ông?

- Để việc thực hiện việc vận động, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện làm cam kết không kinh doanh các dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội đạt tỉ lệ cao, trước hết cần vận động, tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ cơ sở kinh doanh. Sau đó tại địa phương, nơi trực tiếp thực hiện việc vận động doanh nghiệp kí cam kế cần tăng cường quản lý nhà nước theo dõi quản lí, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp.

Nếu cơ sở không có vấn đề gì liên quan đến mại dâm, khiêu dâm, kích dục thì họ sẽ sẵn sàng kí thực hiện bản cam kết, còn đối với doanh nghiệp “né tránh” thực hiện có thể là do nhận thức chưa cao.

Khi đó, một mặt sẽ tiếp tục vận động doanh nghiệp thực hiện, nếu doanh nghiệp vẫn cứ “né tránh” thì chắc họ có vấn đề, lúc này các cơ quan chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc bằng việc tăng cường giám sát, nâng cao tần suất kiểm tra cơ sở này nhiều hơn để họ thực hiện đúng pháp luật.

Điều quan trọng, muốn công tác này đạt hiệu quả cao, chúng ta cần có sự vào cuộc đồng bộ, các cấp các ngành, các đơn vị cùng tham gia thực hiện. Chứ chúng ta không nên nghĩ bi quan, nói đó là chuyện chỉ thực hiện hình thức rồi nơi thực hiện, nơi không như vậy sẽ không hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›