(Thethaovanhoa.vn) - Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, như vụ việc mới xảy ở bệnh viện Sản Nhi Yên Bái khiến hai bác sĩ bị đánh trọng thương, là chuyện thường xuyên xảy ra tại các bệnh viện Ấn Độ. Thống kê cho thấy trong 2 năm qua, có tới 53 vụ bác sĩ bị đánh, khiến bệnh viện phải thuê cả vệ sĩ bảo vệ.
- VIDEO: Truy tìm toàn quốc đối tượng hành hung hai bác sỹ sản nhi
- Bộ Y tế đề nghị điều tra, xử lý nghiêm vụ người nhà sản phụ chụp ảnh mổ đẻ rồi hành hung bác sĩ
Đầu năm 2017, khi bác sĩ nội trú Rohit Tated ở bệnh viện Sion bị người nhà một bệnh nhân vừa chết tấn công, ông đã trực suốt 36 tiếng. Từ khi bị đánh, Tated đã khóa mình trong phòng trọ và nhất quyết không quay lại bệnh viện. Tated tham gia phong trào “nghỉ phép hàng loạt vô thời hạn” do hiệp hội bác sĩ nội trú ở Maharashtra kêu gọi sau vụ tấn công. Bác sĩ nghỉ phép đã khiến 500 ca phẫu thuật tại các bệnh viện công Mumbai thời gian đó bị hủy bỏ.
Tated cho biết bệnh nhân đã chết trong tay mình có tình trạng rất nguy kịch, bị suy thận giai đoạn cuối và bất tỉnh nhân sự. Dù tình trạng có cải thiện sau khi bác sĩ nỗ lực cứu nhưng bệnh nhân 60 tuổi này tiếp tục hạ huyết áp và không qua khỏi. Khi Tated thông báo tin buồn cho con trai bệnh nhân, anh này bắt đầu khóc không ngừng. Vài phút sau, Tated bị họ hàng bệnh nhân đã qua đời tát lia lịa.
Lúc đó, Tated đang phụ trách 45 bệnh nhân trong khoa nhưng ông không muốn trở lại làm việc vì không muốn đối diện với những bệnh nhân đã chứng kiến cảnh ông bị đánh.
Thuê vệ sĩ bảo vệ bác sĩ
Đồng nghiệp của Tated rất tức giận vì vụ việc xảy ra ngay khi lực lượng an ninh có mặt trong khoa. Hai nhân viên an ninh không thể kiểm soát đám họ hàng bạo lực của bệnh nhân. Khi có thêm người đến hỗ trợ thì những người tấn công bác sĩ Tated đã bỏ đi.
Theo Press Trust of India, phần lớn bệnh viện công có camera giám sát nhưng hầu như không có mấy tác dụng ngoài việc trích ra để làm bằng chứng.
Các bác sĩ đã yêu cầu rằng bệnh viện công phải học bệnh viện tư ở chỗ chỉ cho một số ít họ hàng đi cùng bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, do thiếu nhân viên hỗ trợ trong các bệnh viện công nên người nhà bệnh nhân thường phải tự đẩy xe lăn và đi lấy thuốc cho bệnh nhân. Do đó, một bệnh nhân ít nhất có vài người họ hàng, bạn bè, hàng xóm đi cùng.
Sau vụ tấn công tương tự nhằm vào một bác sĩ ở bệnh viện Sion, Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Suleman Merchant đã thuê vệ sĩ từ một công ty an ninh tư nhân để bảo vệ bác sĩ trong bệnh viện. Tuy nhiên, việc này không hiệu quả nên bị ngừng lại.
Một vài bang đã thực thi các biện pháp bảo vệ bác sĩ và cơ sở y tế trước những vụ tấn công từ người nhà bệnh nhân nhưng luật không thể răn đe vì không được thực thi hiệu quả.
Bác sĩ nội trú tại các bệnh viện cho biết việc người nhà đánh bác sĩ là chuyện cơm bữa. Tiến sĩ Sujay Rainchwar thuộc bệnh viện Sion, nói: “Họ nghĩ thuốc như là phép màu”.
Người nhà bệnh nhân có thể đánh bác sĩ vì bất kỳ lý do gì. Ví dụ như trường hợp ở huyện Dhule, bang Maharashtra ngày 12/3/2017. Sau khi đề nghị chuyển bệnh nhân sang viện khác vì viện này không thể thực hiện phẫu thuật thần kinh, bác sĩ đã bị đánh dã man và bị mù.
Một thách thức của bệnh viện công ở Ấn Độ là đa số bệnh nhân được chuyển tới đều trong tình trạng nguy kịch. Một bác sĩ ở Maharashtra nói: “Người nghèo bị bác sĩ bệnh viên tư lợi dụng và khi họ tới bệnh viện công, quá trình điều trị rất khó khăn. Họ đã tức giận sẵn sau khi điều trị ở bệnh viện tư rồi”.
Cải thiện quan hệ bệnh nhân – bác sĩ
Các bác sĩ cho rằng cần phải cải thiện quan hệ bệnh nhân-bác sĩ và thể hiện sự cảm thông khi thông báo tin buồn cho người nhà. Tiến sĩ Sanjay Nagral nói: “Tôi thường ngồi xuống cùng người nhà và giải thích tình hình cho họ. Tôi thậm chí còn giúp họ đưa thi thể bệnh nhân đi”.
Nhiều người đổ lỗi cho các bác sĩ cấp cao ở bệnh viện công là họ đôi khi thiếu nhạy cảm với bệnh nhân. Do đó, có ý kiến cho rằng các bệnh viện cần có hệ thống giải quyết khiếu nại ngay lập tức cho bệnh nhân.
Bác sĩ cũng cần được đào tạo cách nói chuyện với người nhà bệnh nhân nguy kịch vì một số bác sĩ có thể rất thô lỗ. Tuy nhiên, nhìn chung các bệnh viện cần nâng cao dịch vụ. Bệnh nhân đã đi lại từ rất xa và nếu bác sĩ thông báo là không có thuốc thì bệnh nhân và người nhà rất dễ nổi giận.
Theo Báo Tin tức
Tags