Một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia y tế Mexico cho thấy số trẻ em trong độ tuổi từ 5-12 bị mắc chứng lác mắt tại nước này đang có xu hướng tăng nhanh, trong đó đa số liên quan đến thói quen nhìn màn hình thiết bị cầm tay trong thời gian dài.
Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia nhãn khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa De la Luz ở thủ đô Mexico City, cho biết theo thống kê được tổng hợp từ nhiều cơ sở y tế trên cả nước, số lượng trẻ em bị mắc chứng lác mắt tăng trung bình từ 5%-10% trong vòng 5 năm qua, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi từ 5-12.
Theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 18/9, Phó giám đốc Trung tâm Nhãn khoa thuộc Bệnh viện De la Luz Jorge Yáñez nêu rõ ngoài những trẻ bị mắc chứng lác mắt bẩm sinh, có sự liên quan rất rõ rệt giữa chứng lác mắt thứ phát (hay còn gọi là mắt lé) và những trẻ em thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh từ 4 - 8 tiếng/ngày, đặc biệt là khi để màn hình gần mắt.
Sau khi thực hiện việc thăm khám nhãn khoa cho hàng trăm trẻ em trong độ tuổi từ 5-12 tuổi có thói quen thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình kích thước 12 inch từ 4 đến 8 tiếng mỗi ngày ở khoảng cách gần từ 20 - 30 cm, nhóm nghiên cứu cho biết nguyên nhân gây lác mắt ở trẻ em chủ yếu là do hiện tượng rối loạn điều tiết, gây ra tình trạng lác mắt do điều tiết (lác mắt từng lúc).
Bằng các thiết bị đo đạc, nhóm nghiên cứu nhận thấy khi trẻ chơi game, mắt tập trung tối đa vào các chuyển động trên màn hình, các cơ điều khiển vận động của nhãn cầu (cơ vận mắt) cũng phải hoạt động gấp 4 lần bình thường. Trong khi đó, đối với trẻ không sử dụng điện thoại thông minh, trung bình khoảng 5 giây, trẻ chớp mắt 1 lần thì với trẻ chơi game, con số này là 20 giây do phải tập trung cao độ.
Ngoài ra, những hình ảnh trên tivi, điện thoại có nhiều màu sắc, chuyển động nhanh khiến mắt buộc phải điều tiết liên tục để thích ứng, lâu dần sẽ dẫn đến các thay đổi bất thường trong mắt, bao gồm tật lác mắt cũng như những rối loạn về nhãn khoa khác.
Theo ông Yáñez, chứng lác mắt do sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ 5-12 tuổi hoàn toàn có khả năng phục hồi nếu các bậc cha mẹ không cho trẻ sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian từ 2 -3 tháng, hoặc mỗi ngày sử dụng không quá 30 phút.
Tags