(Thethaovanhoa.vn) - Câu phát biểu tưởng đơn giản, nhưng lại rất có ý nghĩa của đại diện hãng thể thao MASU - nhà tài trợ áo đấu cho CLB hạng Nhất Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2, mùa giải 2020. "Ngay cả khi đội bóng thăng hạng V-League hay thậm chí xuống hạng Nhất, chúng tôi vẫn muốn gắn bó với nhau. Đồng hành nghĩa là phải đi xa, chứ không như kiểu mua đứt bán đoạn, thậm chí, qua cầu rút ván", anh Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ.
Câu nói này đồng nghĩa, nhưng không bay bổng kiểu như: "Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, còn
muốn đi xa, hãy đi cùng nhau". Từ sới phủi đến sân chuyên, nó đúng đến từng nanomet, bởi bóng đá suy cho cùng thuộc về cộng đồng, không phải cá nhân.
Sới phủi mở hội
Chiều mai (10/10), Saigon Premier League 2020 (SPL-S3) sẽ chính thức khởi tranh tại TP.HCM. Một ngày sau đó, HPL-S8 cũng lăn bánh ở Hà Nội. Các trận đấu vòng loại KPL-S2 (Khánh Hòa Premier League) bắt đầu vào ngày 23/10... Và VCK VPL-S2 (giải vô địch sân 7 toàn quốc, mùa thứ 2), dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12. Với hệ thống giải bóng đá sân 7 người, VietFootball (Công ty CP Bóng đá Việt), không phải duy nhất, nhưng có quy mô nhất và uy tín bậc nhất cả nước.
Tham vọng của VietFootball là biến sản phẩm của mình trở thành một khái niệm phổ quát, một sân chơi không chỉ của riêng Hà Nội, của riêng Việt Nam, mà của cả khu vực Đông Nam Á. Họ đã có ý tưởng tổ chức giải sân 7 Đông Nam Á, thậm chí xin phép Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á, biến nó trở thành một bộ môn thi đấu thuộc SEA Games... "Chúng tôi có một trái tim dám yêu, một cái đầu dám nghĩ và đôi tay dám làm. VietFootball tâm niệm, bóng đá là vì cộng đồng, thuộc về cộng đồng", Giám đốc VietFootball, Phạm Ngọc Tuấn nói.
Hà Nội là nơi phát tích phong trào bóng đá sân 7 người. Vắt qua 8 mùa giải, HPL thực sự là niềm tự hào của Thủ đô. Tất nhiên, sân chơi này được gầy dựng bởi rất nhiều mồ hôi, công sức và thậm chí cả nước mắt. Và không một ai quên ơn những người đi tiên phong, với một trong số đó là ông bầu quá cố Hồng Trà (ông bầu Hoàng Xuân Hồng của Trà Dilmah). Bầu Hồng đã khuất núi, nhưng giải bóng đá Lão tướng Hồng Trà vẫn trường tồn như một di sản để tri ân ông.
Giải đấu với sự góp mặt của 24 đội bóng, với rất nhiều cái tên cộm cán như FC Bách Khoa, FC Music, Triều Khúc, Thanh Xuân, Thành Đồng..., sẽ diễn ra song song với HPL. Rất nhiều các cựu danh thủ của bóng đá Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, tề tựu về đây, ví như Vũ Minh Hiếu, Ngọc Anh "Tệu"..., và, hãy lưu ý cái tên FC Bách Khoa ở mùa giải năm nay.
Từ nửa cuối tháng 9/2020, khi Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tại Việt Nam, hàng tuần, có cả trăm, thậm chí hàng ngàn giải đấu lớn nhỏ được tổ chức trên khắp các sân cỏ cả nước. Từ giải đồng hương, đến niên khóa; từ thiếu niên nhi đồng đến học sinh, sinh viên; từ thanh niên trai tráng đến lão tướng; từ cơ quan, xí nghiệp đến ban ngành đoàn thể, từ Bắc chí Nam, một bầu không khí rất tưng bừng.
Và, đồng hành là phải đi xa
Nếu Hà Nội có niềm tự hào mang tên HPL và giải lão tướng Thủ đô, trên hệ thống sân 7, thì TP.HCM cũng có sản phẩm của riêng mình, rất đặc thù. Đấy là hệ thống các giải bóng đá trên sân 11 người, được tổ chức rất đều đặn. Về lý mà nói, việc thành lập và duy trì hoạt động một đội bóng sân 11 người khó hơn và cũng tốn kém hơn nhiều, so với sân 5 hay sân 7. Từ đó mà suy ra, tổ chức và duy trì giải đấu trên sân 11 lại càng khó. Sân bãi là yếu tố đầu tiên quan trọng, khi tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện tại, ngoài ra còn là vấn đề con người (người làm và người chơi), vấn đề kinh tài...
Từ 6 năm qua, Công ty Thể thao Thiên Long đã gần như làm thay tất cả, để duy trì ít nhất 2 hệ thống giải đấu hạng Nhất và giải các đội mạnh (tức là có phân/tách hạng). Và, năm nào họ cũng phải... vác tiền nhà đi làm bóng đá, người viết không đùa.
Năm 2018, khi dự khán chung kết bế mạc và trao giải Thiên Long League lần thứ 4, chứng kiến bầu không khí lễ hội và hấp lực rất lớn của sân chơi này, Ủy viên Thường trực VFF, Chủ tịch HFF, đồng thời là TGĐ, kiêm Chủ tịch HĐQT VPF, ông Trần Anh Tú, đã có ý muốn mời Công ty Thiên Long trở thành một thành viên của HFF, đặng chung tay gầy dựng, duy trì phong trào cho bóng đá thành phố mang tên Bác. Đến mùa thứ 6 này, các bên đã tìm được tiếng nói chung, để quyết định bắt tay cùng làm. Chỉ là việc tìm tiền, tức là tìm nhà tài trợ đồng hành, vẫn chưa thấy mà thôi.
Nói thêm về bóng đá phong trào của TP.HCM, thực ra, nơi này đã từng là trái tim, từng có thời hoàng kim, với rất nhiều các tên tuổi lẫy lừng, cung cấp nguồn cầu thủ dồi dào cho sân chuyên. Ví như Giang Thành Thông, đến Nguyễn Ngọc Thanh, Doãn Nhật Tiến, rồi Lưu Ngọc Hùng..., từ đâu mà xuất hiện?
Hệ thống giải hạng A toàn thành, TOTO An Biên Cup, Giải Sinh viên toàn thành và Thiên Long League, đã đi cùng lịch sử bóng đá phong trào thành phố. Rất nhiều các cầu thủ đã chiếm lĩnh được đỉnh cao chuyên nghiệp, khoác áo các ĐTQG, đều đã bước ra từ đây. Nhưng, vì nhiều lý do, các giải đấu này cũng dần mai một, thậm chí có năm không được tổ chức nữa. Giờ, chỉ còn Thiên Long League, và họ cần sự chung tay của cả cộng đồng, chứ không thể độc bộ mãi. Không chỉ có tổ chức xã hội nghề nghiệp như HFF, mà An Biên Group của ông bầu Trần Ngọc Tâm, một người yêu bóng đá bằng cả con tim, hứa cũng sẽ cùng vun vén. Chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa các cánh tay đưa lên, để có thể đi xa hơn.
Không có chữ "phủi" nào trong tên gọi của các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp, mà sân chơi phong trào ngày một kiện toàn, với công thức tổ chức - sản xuất giải đấu rất chuyên nghiệp. Từ khâu thiết kế bảng biển, sân bãi, áo đấu, đến truyền thông, báo chí, truyền hình, đội ngũ trọng tài và BTC giải. Sau tất cả, yếu tố cốt lõi - quyết định thành công của mọi giải bóng đá, chính là khán giả, CĐV trên các khán đài. Nhiều trận đấu ở sân phong trào, thu hút hàng vạn khán giả và hàng vạn người khác theo dõi trực tiếp qua hệ thống livestream, thời công nghệ và mạng xã hội. Từ người chơi, đến nhà tổ chức, nhà tài trợ đều mát dạ.
Giải bóng đá phong trào các đội mạnh vô địch TP.HCM - Thiên Long League S6 năm 2020, sẽ khởi tranh vào trung tuần tháng 11, tại sân Thống Nhất, đang rất được chờ đợi. Đây là thời điểm hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã khép lại, nên các đội bóng có thể tăng cường "cầu chuyên". Một điều mới từ mùa giải này, là tất cả các cầu thủ tham dự TLS6, sẽ không bị cấm thi đấu ở mọi hạng mục giải phong trào khác. Nên các đội bóng và cầu thủ có thể yên tâm về chuyện "dính hạng". Suy cho cùng, đây vẫn là sân chơi ngoài chuyên nghiệp và bóng đá phong trào bắt buộc phải thuộc về cộng đồng.
"Đó là một sân chơi chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay, trên hệ thống sân 7 người, mà tôi từng được tham dự. Các cầu thủ và đội bóng vì thế đều rất hào hứng chờ đợi. Tôi nghĩ, sân chơi này rất phù hợp với cầu thủ Việt Nam", Phùng Trọng Luân, Quả bóng Vàng Futsal 2018, nói về SPL-S3. Mùa này, Luân "sư phụ" sẽ chơi cho Nghiêm Phạm Holdings. "Một mùa giải, chúng tôi chỉ tập trung cho 2 hệ thống giải đấu của Thiên Long. Giải hạng Nhất và giải các đội mạnh. Chúng tôi dù chưa từng giành ngôi vị cao nhất, nói vui, toàn về nhì, nhưng không vì thế mà thối chí. Theo tôi, đây là giải đấu sân 11 quy mô và uy tín nhất Việt Nam, từ nhiều năm qua", HLV Huỳnh Anh Lộc (Lộc "ma") của GM Holdings chia sẻ. "Đạt Tín Minions dù đang là nhà vô địch giải hạng Nhất TLS2 mới đây, nhưng tại giải các đội mạnh, chúng tôi bị hụt quân do phải chia sẻ rất nhiều cầu đá SPL-S3, diễn ra cùng thời điểm. Tuy nhiên, Đạt Tín Minions cũng đã có những chuẩn bị và sẽ chiến đấu bằng cả niềm tự hào của khu vực Thủ Đức - Q.9", bầu Nguyễn Phước Thuận của Đạt Tín Minons cho biết. |
CCKM
Tags