Ford chuẩn bị xây dựng một nhà máy sản xuất pin cho xe điện với tổng đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Ford sở hữu hoàn toàn công nghệ sản xuất, nhưng nguồn gốc hóa ra tới từ Trung Quốc.
Công bố cách đây ít hôm, Ford cho biết rằng hãng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện tại bang Michigan, Mỹ với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD (tương đương hơn 82 nghìn tỷ VNĐ). Cũng trong thông báo, Ford sở hữu công nghệ sản xuất pin tại nhà máy này, nhưng công nghệ đó đã được mua bản quyền từ một đơn vị ở Trung Quốc.
Cùng nằm trong danh sách nhà máy pin xây dựng tại Mỹ với VinFast, nhà máy tại bang Michigan này của Ford là cái tên mới nhất; hãng dự kiến nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2026 với 2500 nhân sự.
Về công nghệ sản xuất pin, Ford cho biết rằng hãng có toàn quyền sử dụng công nghệ sản xuất cell pin với công nghệ đến từ đơn vị Trung Quốc, có tên Contemporary Amperex Technology Limited (thường gọi tắt là CATL). Trên thực tế, CATL là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới; CATL hiện có 13 nhà máy đặt tại châu Âu và châu Á, nhưng ở Mỹ thì chưa có nhà máy nào.
Nhà máy pin xe điện của Ford sẽ sử dụng công nghệ mua bản quyền từ CATL.
Việc Ford đạt được toàn quyền sử dụng công nghệ sản xuất pin được đánh giá cao, khi bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đã có nhiều biến động, dẫn tới rối loạn nguồn cung và từng khiến thị trường khó khăn. Với nhà máy này, Ford sở hữu toàn bộ nhà máy, toàn bộ công nghệ cũng đã có đầy đủ quyền sử dụng từ CATL.
Xét trên bối cảnh chung, việc làm này của Ford khác với những nhà máy đã được các hãng công bố kế hoạch - thường có các đơn vị đối tác từ Hàn Quốc sở hữu một phần. Ngay cả với Ford, hãng đang xây dựng hai nhà máy khác đặt tại Kentucky và Tennessee, Mỹ, và cả hai đều có SK On là đơn vị cùng đầu tư. Trong khi đó, General Motors cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở bang Ohio mà LG Energy Solution là một đơn vị cùng đầu tư.
Tại nhà máy mới của Ford ở bang Michigan, Mỹ, đây sẽ là nơi sản xuất loại pin chứa lithium, sắt và phốt phát, hay còn gọi là pin LFP. So với các loại pin khác như NMC hay NCA, pin LFP có chi phí thấp hơn vì không có các nguyên liệu đắt đỏ, như cô ban hay niken. Không chỉ vậy, pin LFP còn ưu việt hơn về độ bền. Tuy nhiên, các loại pin chứa cô ban và niken lại có dung lượng cao hơn, giúp xe điện đi xa hơn mỗi lần sạc.
Ưu điểm của pin LFP là chi phí thấp và bền.
Đại diện của Ford cho biết rằng trước khi ra quyết định xây dựng, Ford đã có ý định chọn địa điểm ở Canada hoặc Mexico, nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) thì hãng đã chọn địa điểm tại Mỹ. Lý do là bởi Đạo luật này đặt ra điều kiện để hãng xe được ưu đãi thuế: Có nhà máy pin tại Mỹ. Ngoài ra, Đạo luật Giảm lạm phát cũng yêu cầu rằng để người mua xe điện tại Mỹ được hưởng khoản tiền hỗ trợ thuế lên đến 7.500 USD mỗi xe thì pin và nguyên liệu thô trên chiếc xe điện phải đến từ Mỹ hoặc các nước đồng minh với Mỹ.
Ford cho biết thêm rằng nhà máy này khi đi vào hoạt động có đủ năng lực cung cấp pin cho 400.000 xe điện mỗi năm. Theo kế hoạch, Ford dự định trang bị pin LFP trên các mẫu xe như Ford Mustang Mach-E (SUV thể thao đối đầu với Tesla Model Y), Ford F-150 Lightning (bán tải chạy điện, đối đầu với Chevrolet Silverado) và vài mẫu xe điện khác. Trong thời gian nhà máy tại Michigan này xây dựng, CATL sẽ là nhà cung cấp pin cho hãng.
Nói về pin LFP, Ford hy vọng rằng loại pin này sẽ giúp Ford có những mẫu xe điện có giá thành dễ tiếp cận hơn. Ford cũng cho biết rằng xe sử dụng pin LFP phù hợp với việc đi lại hàng ngày trong phố, và có thể sạc đầy trong thời gian tương đối nhanh; trong khi đó, pin sử dụng cô ban và niken có thể giúp xe đi xa hơn hoặc có công suất tốt hơn, nhưng thường mất nhiều thời gian để sạc.
CATL là nhà cung cấp pin cho nhiều hãng xe trên khắp thế giới như Tesla, BMW và cả VinFast. Trong ảnh: Công nhân kiểm tra pin tại nhà máy của hãng. Ảnh: Xinhua / SCMP
Được biết, CATL, với hơn 100.000 nhân sự khắp thế giới, là nhà cung cấp pin xe điện lớn nhất thế giới trong suốt 6 năm qua. Ước tính có tới 1/3 số lượng xe điện đang chạy trên đường sử dụng pin CATL.
Quy trình tạo ra pin LFP như Ford sử dụng bắt đầu bằng các cuộn kim loại siêu mỏng, bằng 1/10 độ dày của sợi tóc. Những lá nhôm mỏng này sẽ được bọc một lớp lithium, sắt và phốt phát; trong khi đó thì lá đồng được bọc với một lớp chì mỏng. Các cuộn nhôm và đồng này sau đó sẽ được quấn cùng với một cuộn chất cách điện khác, tạo ra lõi của cell pin. Lõi pin sau đó được đóng chặt lại bằng một cỗ máy có kích thước bằng một chiếc xe buýt.
Sau đó, robot sẽ đưa các lõi pin này tới chỗ máy thủy lực để ép lạnh. Tiếp đó, lõi pin sẽ đi qua lò sấy ở nhiệt độ 105oC để loại bỏ hoàn toàn nước. Cả dãy nhà máy sản xuất pin dài gần 300 mét này được duy trì ở độ ẩm có khi còn thấp hơn cả sa mạc Sahara.
Sau khi đi qua lò sấy sẽ tới công đoạn bơm dung dịch điện phân (gồm muối lithium và dung môi), đóng vai trò là chất điện phân. Pin sau đó sẽ được đóng chặt và chuyển đến khách hàng.