(Thethaovanhoa.vn) - Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. Đã đến lúc phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, đặt quyết tâm cao độ ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội trong đấu tranh với thực phẩm bẩn. Trong ”cuộc chiến” không khoan nhượng ấy, chính quyền địa phương phải là đơn vị giữ thế chủ công.
- Sôi sục vì một bữa cơm lành: Thực phẩm an toàn loay hoay tìm 'chỗ đứng'
- Sôi sục vì một bữa cơm lành: Thứ để ăn và thứ đem bán
Nói về thực trạng của thực phẩm bẩn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng từng nhiều lần nhấn mạnh, nguyên nhân số 1 là không xác định được trách nhiệm, trong khi tình trạng mất vệ sinh thì tràn lan. “Nếu không xử lý được ai, như vậy cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui vì có xác định được ai có trách nhiệm đâu. Nếu để tình trạng như thế này tiếp diễn thì không giải quyết được vấn đề”.
Nhìn nhận cụ thể hơn, Bí thư Đinh La Thăng còn chỉ rõ: “Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh thì xã, phường đều biết nhưng không ai bị xử lý, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định và xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay” .
Dưới góc độ địa phương, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cũng nhấn mạnh là "cực kỳ khó khăn" trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì một địa phương có quyết tâm đến mấy cũng không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề. Thực phẩm ở địa phương này rất dễ dàng để chuyển sang địa phương khác, do đó công tác này phải làm đồng bộ trên cả nước, liên tỉnh, liên vùng và cả quốc gia chứ nếu chỉ trông chờ vào một địa phương thì không thể làm nổi.
Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm, cơ chế tài chính và chọn một số việc để chỉ đạo đến cùng. Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010, công tác quản lý an toàn thực phẩm theo kiểu “cắt ngang”, nói nôm na thì ở ruộng, ở chuồng là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở chợ thì Bộ Công Thương, liên quan đến cái ăn là Bộ Y tế.
Tuy nhiên, từ khi có Luật An toàn thực phẩm thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý, từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai, có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đều đã có thông tư liên tịch giao cho một bộ quản lý chính. Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trở lại câu chuyện một mâm cơm ba bộ liên quan. Xem xét một cách toàn diện, có thể khẳng định rằng, trên thực tế, hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực này.
Bia do Bộ Công thương quản lý, rau, thức ăn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về sản xuất, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về mức độ an toàn...Còn khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương lại là nơi phải chịu trách nhiệm. Nếu các Bộ, ngành đều làm tốt, phối hợp tốt thì sẽ không còn tình trạng người dân vẫn phải dùng thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không đảm bảo an toàn thường xuyên.
Chiếu dẫn Luật an toàn thực phẩm (các điều từ 61 đến 65), Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ, có thể thấy, trách nhiệm của các bộ, ngành và của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm đã được phân định tương đối rõ ràng, rành mạch. Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Các bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Cụ thể hơn, các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh (thay vì chỉ quản lý một công đoạn như sản xuất hoặc lưu thông hoặc chế biến như quy định của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm trước đây).
Còn đối với UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Những quy định cụ thể này dẫn chiếu một điều hết sức đơn giản đối với người dân, khi gặp sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm trong cuộc sống, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền sở tại. Đơn cử như một người dân bị ngộ độc do ăn phải rau nhiễm thuốc trừ sâu (bị cấm sử dụng) khi mua từ chợ gần nhà. Việc đầu tiên, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến việc để mớ rau không an toàn đó tiêu thụ trên thị trường, mà ở đây là Ban Quản lý chợ, UBND xã, phường, quận, huyện nơi khu chợ hoạt động.
Phân tích kỹ hơn, nếu mớ rau đó chứa độc tố ngay từ khâu sản xuất thì cả chính quyền địa phương nơi này cũng phải chịu trách nhiệm. Cũng liên quan đến mớ rau nhiễm thuốc trừ sâu ấy, ngành Công thương, Công an, hải quan, nông nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khi không quản lý được thị trường thuốc trừ sâu, để xảy ra tình trạng nhập lậu khi đã có lệnh cấm nhập khẩu.
Đáng chú ý, Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) có nhiều quy định từ Điều 190-195, Điều 317 về tội phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo đó, các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối, lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đều được coi là hành vi tội phạm, bị xử lý về hình sự với chế tài nghiêm khắc (phạt tiền, phạt tù, cấm kinh doanh, trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù giam tới 20 năm).
Chống thực phẩm bẩn là giữ gìn đạo đức xã hội
Tuy nhiên, mỗi cuộc đấu tranh đều cần có điểm tập trung. “Cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn cũng cần phải ‘nhắm” vào những điểm xung yếu để đảm bảo thành công. Cũng chính bởi thế mà Chính phủ đã lựa chọn thực phẩm tươi sống là điểm ưu tiên để tập trung kiểm soát, xử lý dứt điểm tình trạng không đảm bảo an toàn.
Đấu tranh với thực phẩm bẩn không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức xã hội và vì thế, trong “cuộc chiến” này, phải vận động cả xã hội tham gia, vừa vận động vừa xử lý nghiêm để răn đe.
Hiến kế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng đề xuất giao thẳng trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các cấp từ quận, huyện đến phường xã. Ông Chung kiến nghị niêm yết rõ nguồn gốc thực phẩm, tên chủ sản xuất, tên nhà cung cấp từ khâu nuôi trồng, vận chuyển và bán lẻ để giúp người dân dễ dàng giám sát.
Ngoài ra, đặt lộ trình để buộc chủ sản xuất, người vận chuyển phải có đầy đủ phương tiện bảo quản, vận chuyển đảm bảo vệ sinh, an toàn; đặt lộ trình để buộc những người hành nghề mua bán thực phẩm, giết mổ gia súc phải có chứng chỉ cho người chủ kinh doanh, giết mổ thực phẩm theo lộ trình. Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng kiến nghị tăng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nói tóm lại, ý nghĩa bao trùm của việc đổi mới tư duy trong tổ chức sản xuất, trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm đều hướng đến lấy lợi ích của người dân, người tiêu dùng làm trung tâm để phục vụ và đảm bảo.
Khi chỉ đạo về công tác này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Cái gì có ích cho dân, vì quyền lợi nhân dân thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đảng lãnh đạo, Chính phủ thừa hành, dựa vào nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân thì việc đó sẽ thành công.
Đó cũng là phương châm trong mọi chương trình, kế hoạch hành động của một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ của dân, do nhân dân và vì nhân dân.
TTXVN/Quang Vũ
Tags