(Thethaovanhoa.vn) - Được ban giám khảo nhận xét là cuốn sách “đầy tham vọng, sở hữu phong cách bất khuất và văn phong sinh động”, Solar Bones (Xương Mặt trời) của nhà văn Ireland Mike McCormack vừa chính thức trở thành tác phẩm thắng giải Văn chương Quốc tế Dublin 2018.
Bước ngoặt sự nghiệp với giải thưởng tiền mặt lớn nhất giới
Tên tác phẩm và tác giả chiến thắng đã được công bố trong một buổi lễ tại Mansion House ở thủ đô Dublin hôm 13/6. Sự kiện Văn chương Quốc tế Dublin do Hội đồng thành phố Dublin tổ chức và tài trợ và giá trị giải thưởng 100.000 Euro (gần 2,7 tỷ đồng) hiện là giải thưởng tiền mặt lớn nhất thế giới dành cho một cuốn tiểu thuyết xuất bản bằng tiếng Anh.
Nhận được giải thưởng đồng nghĩa với việc tác giả sẽ sở hữu một món tiền kha khá, và quan trọng hơn là một sự công nhận quốc tế trong giới nhà văn, đặc biệt là ở trường hợp của Mike McCormack, người từng bị nhiều nhà xuất bản lớn từ chối trong thời gian đầu khởi nghiệp viết lách.
Đến từ Louisburgh, Co Mayo, và sống ở Galway, Mike McCormack dạy môn viết sáng tạo tại trường Đại học Quốc gia Ireland Galway. Ông là tác giả Ireland thứ tư chiến thắng trong 23 năm lịch sử trao giải (sau Colm Tóibín, Colum McCann và Kevin Barry). Giải thưởng này nằm trong chuỗi các hoạt động do lãnh đạo Dublin tổ chức với tư cách là một thành phố văn học của Unesco.
McCormack chia sẻ: "Chiến thắng này thật sự... rất lớn. Tôi trông thấy cuốn sách đứng sánh vai với các tác phẩm của những tác giả mình vẫn luôn ngưỡng mộ. Nó được chọn trong danh sách rút gọn gồm 9 tiểu thuyết với 6 ngôn ngữ khác nhau, được gửi về từ khắp nơi trên thế giới, bởi một ban giám khảo quốc tế. Đơn giản là tôi không thể tin nổi khi nhận thông báo chiến thắng".
Trước đó, Solar Bones cũng giành giải Goldsmiths, giải Tiểu thuyết của năm và Cuốn sách của năm tại lễ trao giải sách Bord Gáis Energy Irish, đồng thời lọt danh sách đề cử dài của giải Man Booker.
Bản thân Solar Bones đã là một “hit” lớn đối với cả độc giả và giới phê bình, khi bán được 8.000 bản trên thị trường, thu về hơn 100.000 Euro. Giải thưởng Văn chương Quốc tế Dublin mới nhất hứa hẹn tiếp tục tạo cú hích mới cho đà doanh thu của cuốn sách.
Đây cũng là chiến thắng lớn đối với Tramp Press, nhà xuất bản Ireland và là nhà xuất bản độc lập đầu tiên giành giải thưởng.
“Chúng tôi rất vui khi thấy cuốn tiểu thuyết đặc biệt của Mike McCormack giành giải thưởng quan trọng này” - Lisa Coen, đại diện phía Tramp Press cho biết.
Đồng nghiệp của cô và là người đồng sáng lập Tramp Press, Sarah Davis-Goff, chia sẻ thêm rằng McCormack là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới, và Solar Bones là một kiệt tác. Đây là sự công nhận tuyệt vời cho tác phẩm của ông và chúng tôi không thể vui mừng hơn nữa”.
Văn phong lạ lùng qua lời kể của… người chết
Chỉ sử dụng một dấu chấm câu duy nhất trong cuốn tiểu thuyết dài 223 trang, động thái có chủ đích này của Mike McCormack mang lại nhịp đọc lạ lẫm nhưng lý thú đối với độc giả, dù một số cũng nhận xét là họ phải “mất một thời gian mới quen được với phong cách này”.
Tác giả bình luận về cấu trúc bất thường: "Một con ma chẳng cần đến dấu chấm khi kể chuyện”.
Đây cũng chính là điểm đặc biệt tiếp theo của Solar Bones, khi lấy nhân vật chính là người đã chết. Lời dẫn về cuốn sách nói rằng “nhiệm vụ của tiểu thuyết là, nhờ phép lạ của ngôn từ, để đưa anh ấy trở lại với cuộc sống. Và nó đã làm được, đó là đưa anh ấy trở lại cuộc sống của mình, một cuộc sống có cả những trải nghiệm thông thường (như các thói quen hàng ngày) và phi thường (khi tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống)”.
Lấy bối cảnh ở phía Tây Ireland khi cuộc suy thoái sắp xảy ra, Solar Bones vẽ lại bức tranh trải nghiệm của một con người khi thế giới của anh ta đứng bên bờ vực sụp đổ, và câu chuyện được kể từ một người đã khuất dần mở ra một cách rõ ràng, không gián đoạn, một cấu trúc liền mạch mà ban giám khảo nhận xét là đã "tạo cho tác phẩm một bước đà tuyệt đẹp".
Solar Bones khám phá ý nghĩa cuộc sống của nhân vật chính dưới nhiều góc độ, trong vai trò một người chồng, người cha, con trai, anh trai, đồng nghiệp và hàng xóm.
Ban giám khảo cho rằng tác phẩm đã "cung cấp một phản ứng sắc nét, chua chát nhưng cũng hài hước về sự nam tính của đàn ông Ireland đương đại. Việc khắc họa mối quan hệ giữa Marcus và Mairead là một sự miêu tả đặc biệt xuyên suốt, gây ảnh hưởng tới cách nhìn về hôn nhân đương đại, về những mối liên thông cần thiết và các quyền riêng tư cần được bảo vệ; cũng như sự ham muốn, những tổn thất và cả phần thưởng”.
Giải thưởng Văn chương Quốc tế Dublin năm nay đã xem xét 150 đề cử đến từ các thư viện công cộng ở 111 thành phố trên 37 quốc gia. Giải thưởng công nhận cả tác giả và dịch giả.
10 tiểu thuyết trong danh sách rút gọn tiếp tục được một ban giám khảo quốc tế, bao gồm nhà thơ Ireland Vona Groarke, tiểu thuyết gia kiêm nhà làm phim người Anh Xiaolu Guo, Nicky Harman của Hiệp hội dịch thuật, tiểu thuyết gia Courttia Newland, Mpalive Msiska của Birkbeck, Đại học London, và Thẩm phán Eugene Sullivan của Mỹ, nghiên cứu để chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất.
Vài nét về giải thưởng: Giải Văn chương Quốc tế Dublin là một giải thưởng văn học quốc tế được trao thường niên cho một cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh. Giải được tổ chức nhằm vinh danh các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong giới văn học. Nếu cuốn sách chiến thắng là một phiên bản dịch, giải thưởng được chia sẻ giữa nhà văn (75.000 Euro) và người dịch (25.000 Euro). |
Duy An (Tổng hợp)
Tags