(Thethaovanhoa.vn) - Về mặt kỹ thuật để cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 thì Hà Nội đã làm được; tuy nhiên, về mặt pháp lý, quy định hiện hành vẫn đang “vướng” gây bất lợi cho người lao động. Người lao động mong muốn các cấp, ngành sớm gỡ vướng thủ tục để sớm được hưởng chế độ của mình khi mắc COVID-19.
Còn nhiều vướng mắc
Chị Bùi Thị Hoa ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện nhiễm COVID-19 từ ngày 15/2, đến 25/2 khỏi bệnh. Do là F0 điều trị tại nhà nên trong thời gian nhiễm bệnh, chị Hoa không thể đến trung tâm y tế phường xin giấy chứng nhận F0 để hưởng chế độ nghỉ ốm của BHXH. Vài ngày sau khi khỏi bệnh, chị Hoa đến phường xin giấy chứng nhận nghỉ việc thì được biết, giấy của chị phải có thời hạn ngay khi khỏi bệnh mới được BHXH thanh toán theo chế độ nghỉ ốm đau.
Cũng tương tự như trường hợp chị Hoa, anh Đặng Văn T. ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Bản thân tôi bị F0 điều trị tại nhà và khỏi từ ngày 3/3 nhưng mới nhận được "giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly" mà chưa được cấp "giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH" để làm cơ sở hưởng trợ cấp ốm đau theo luật". Anh T. mong muốn các cấp ngành sớm gỡ vướng thủ tục để người lao động sớm được hưởng chế độ của mình.
Thực tế hiện nay, cùng với số lượng người mắc mới COVID-19 điều trị tại nhà gia tăng, hiện có hàng trăm nghìn người đang có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (chế độ ốm đau, chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau). Đặc biệt tại Hà Nội, số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà rất lớn và đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Nguyên nhân là bởi theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận này do các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, trong khi đa số người lao động điều trị COVID-19 tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã cấp nên các giấy tờ này không đạt tiêu chuẩn để làm cơ sở đề nghị hưởng BHXH.
Nhiều nhất là F0 điều trị tại nhà không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH; khi điều trị tại các bệnh viện dã chiến không được cấp giấy ra viện mà chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly.
Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu trong Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, dẫn đến cơ quan BHXH không thể thanh toán cho người lao động.
Đã tháo gỡ về mặt kỹ thuật cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH cho F0
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, trước Tết Nguyên đán năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị phần mềm có phát triển hệ thống quản lý F0 do Sở Y tế vận hành tại địa chỉ chamsocsuckhoe.hanoi.gov.vn với nhiều ứng dụng, trong đó có ứng dụng cho một số F0 cần giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Sau khi được UBND Thành phố giao nhiệm vụ, BHXH Thành phố cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cấp cho người lao động khi bị nhiễm COVID-19.
Theo ông Thuật, về mặt kỹ thuật để cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 thì Hà Nội đã làm được; hoàn toàn có thể lấy thông tin F0 đã khỏi bệnh để in thành mẫu theo yêu cầu Thông tư 56 của Bộ Y tế. Người lao động chỉ khai mã số BHXH, bộ phận công nghệ thông tin (kể cả cấp phường) cũng có thể cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, quy định hiện hành vẫn đang "vướng" gây bất lợi cho người lao động. Bởi F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến y tế phường xin giấy. Do vậy, ngày cấp ghi trên giấy bị lệch so với thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ việc điều trị COVID-19. Điều này không đúng với Thông tư 56 quy định, giấy chứng nhận phải cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm. Chính vì vậy, Hà Nội vẫn chưa "bấm nút" được phần mềm vì Thông tư 56 chưa sửa.
Ông Thuật thừa nhận, vướng mắc trên không chỉ gây khó khăn cho người lao động mà còn làm cho BHXH chưa thể giải quyết được chế độ của người lao động. Do đó, mong muốn Thông tư 56 sớm được sửa đổi, bổ sung để người lao động sớm được hưởng chế độ của mình khi mắc COVID-19.
- Tạo thuận lợi cho người lao động F0 điều trị tại nhà hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
- Sớm có hướng dẫn trong việc xác nhận người lao động bị mắc Covid-19
- Lâm Đồng điều chỉnh 'yêu cầu công chức, người lao động test Covid-19 ba ngày/lần' gây xôn xao dư luận
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19.
Trong trường hợp không ban hành Nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ này vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56 quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Như vậy, Bộ Y tế cũng đã có những bước cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết chế độ cho người lao động được linh hoạt. Theo đó, một số đề xuất, kiến nghị của BHXH Việt Nam đã được Bộ Y tế tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư số 56.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Tags