Họa sĩ Nhật Bản Akira Toriyama vừa qua đời ở tuổi 68. Tác phẩm thành công nhất của ông mang tên Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng) đã ảnh hưởng tích cực đến tuổi thơ biết bao thế hệ ở nhiều quốc gia trong suốt 40 năm qua.
Buổi sáng thức giấc, tôi đưa tay kéo cửa sổ để hương hoa bưởi tháng 3 từ vườn bên cạnh nhà tràn vào. Chợt nghe tiếng thút thít đâu đó. Cháu trai tôi đang học lớp 4 bước vào, mếu máo: "Bác ơi, con không được xem hoạt hình Bảy viên ngọc rồng nữa rồi".
Tôi ngơ ngác chưa hiểu câu chuyện, thì cháu tiếp tục: "Bố con vừa nói ông họa sĩ vẽ truyện này mất rồi. Ông ấy mất thì sao người ta làm phim cho con xem được nữa đây?". À, ra câu chuyện là thế. Con nghĩ rằng tác giả truyện mất, người ta không làm được phim, con sẽ không được xem hoạt hình nữa.
Khi cu cậu rời phòng, tôi một mình bâng khuâng. Hình ảnh các nhân vật như Son Goku, Son Gohan, Bum-ma (Bulma), Pô-cô-lô (Piccolo), Ca-đíc (Vegeta), và cả tuyến nhân vật phản diện như Fi-de (Frieza), Ma-Bư (Majin Buu) chợt hiện lên trong tâm trí tôi. Cảm xúc của hơn 20 năm trước ùa về...
Một thời nhịn ăn sáng vì "Bảy viên ngọc rồng"
Tôi bắt đầu biết đến bộ truyện Bảy viên ngọc rồng vào năm 1997 - khi một cậu học trò rời trường tiểu học ở xã và lên học trường chuyên của huyện Văn Giang (Hưng Yên). Trường ở gần một hiệu sách lớn. Những lần đi học sớm, hay những buổi học cả ngày thì giờ nghỉ trưa, phần lớn tụi học trò đều lê la ở hiệu sách ấy, ngấu nghiến những tập truyện tranh như: Dũng sĩ Héc-man, Thám tử Conan, Doreamon, Dấu ấn rồng thiêng… Đặc biệt là Bảy viên ngọc rồng.
Bạn nào gia đình có điều kiện thì mua luôn cả tập truyện mới phát hành mang về lớp. Cả lớp háo hức chờ bạn đọc xong là xúm xít lại mượn, túm tụm cùng đọc. Tôi nhớ ngày đó trọn bộ Bảy viên ngọc rồng do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành là 67 tập, giá mỗi tập là 3.000 đồng - tương đương với ba chiếc bánh mì patê.
Nhiều đứa nhịn mấy buổi ăn sáng để có tiền mua truyện. Hoặc cha mẹ cho 1.000 đồng thì chỉ ăn sáng hết 500 đồng, còn 500 đồng để dành. Khi tích đủ 5.500 đồng thì mới bắt đầu vỡ hòa hạnh phúc, háo hức phi như bay ghé vào hiệu sách (5.000 đồng đặt cọc, còn 500 đồng đủ thuê hai tập). Nhà bạn nào nghèo nữa, không có cả tiền ăn sáng, thì chọn cách ra ngồi bên cạnh để đọc ké của các bạn khác.
Niềm vui vẫn trọn vẹn, dù đôi lúc hơi ấm ức vì họ đọc nhanh hơn, lật trang nhanh hơn tốc độ đọc của mình nên không kịp theo dõi hết những câu thoại cuối trang. Khép lại những trang cuối cùng, cảm giác tiếc nuối xuất hiện. Lại háo hức mong chờ đến thứ Sáu tuần sau để có tập mới. Và cũng ướm ướm xem sẽ ngồi gần, đọc ké của ai mà không bị ấm ức.
Những cảm xúc lan tỏa từ từng tập truyện chưa dừng ở đó. Nó tiếp tục được nối dài trong những cuộc trò chuyện của tụi học trò thôn quê. Nhiều bạn thi thoảng còn hào hứng đưa hai tay về phía trước trong tư thế bắn chưởng như trong truyện, rồi hô lớn tên các chiêu thức như "Kamejoco" - một chiêu thức của Quy Lão tiên sinh (Master Roshi) trong truyện. Sau này lớn lên tìm hiểu tôi được biết trong phiên bản tiếng Nhật, tên gốc của chiêu thức này là Kamehameha - dịch ra là "sóng rùa hủy diệt".
"Cách phối màu và tạo bóng trong Bảy viên ngọc rồng thực sự rất đẹp và ấn tượng. Nhân vật không mỏng manh mà luôn tròn trịa, đầy sức sống, cảm giác như một bộ phim hoạt hình đang chuyển động trên từng trang giấy vậy" - một người bạn của tôi chia sẻ.
Cuốn sách "giáo khoa" của tuổi thơ nhiều thế hệ
Với tôi, Bảy viên ngọc rồng là cuốn sách giáo khoa của tuổi thơ. Những đứa trẻ thế hệ 8X sinh ra ở làng, thời chưa có điện thoại, máy tính, internet, chỉ bầu bạn với chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam, báo Nhi đồng, báo Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò và truyện tranh của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Những tập truyện tranh thời đó, tính nhân văn được đề cao - theo mô-típ những nhân vật anh hùng, thần kỳ - hoặc để bảo vệ công lý cho cả trái đất, nhân loại, hoặc đề cao lòng dũng cảm, sự kiên trì, tình huynh đệ, tình bạn và chia sẻ yêu thương. Bảy viên ngọc rồng hội tụ tất cả những điều này.
Bảy viên ngọc rồng kể về một cậu bé có đuôi khỉ tên là Son Goku, đã lần lượt gặp gỡ những người bạn của mình (Bum-ma, Yamcha, Krillin..) trên hành trình truy tìm bảy viên ngọc rồng để rồng thần xuất hiện, ban điều ước cho người sở hữu. Trên hành trình ấy, họ đã dũng cảm bên nhau để chống lại những kẻ hung ác có âm mưu dùng điều ước từ rồng thiêng để làm bá chủ thế giới.
Cảm xúc người đọc đi qua nhiều cung bậc: Từ những sự vui nhộn, hài hước của nhóm nhân vật chính diện - đại diện cho cái thiện như Son Goku, Quy lão tiên sinh, Chi Chi, Bum-ma, Thần mèo Karin… những phút bình yên đối đáp cùng nhau, cho đến những phút căng thẳng, nguy hiểm đấu tranh với nhóm nhân vật đại diện cho cái ác (Ma-bư, Xên bọ hung, Fi-de, Ca-đíc…). Tất cả đều mang đến cho người đọc những thông điệp ý nghĩa, bồi đắp nhiều giá trị về cách đối nhân xử thế, cũng như niềm tin vào lòng tốt, sự tử tế và sự trường tồn của chính nghĩa giữa cuộc đời.
Thông điệp cái ác có thể chuyển thành cái thiện, tâm thức con người đi từ bóng tối ra dần với ánh sáng cũng được thể hiện rõ ở nhân vật Pô-cô-lô và Ca-đíc - khi có những hiểu lầm, hận thù lẫn nhau nhưng trước mối họa chung hủy diệt cả hành tinh Namek, họ lại sát cánh bên nhau cùng chiến đấu, sau đó có người trở thành đồng minh tin cậy, biết sống vì chính nghĩa.
Các nhân vật nữ trong Bảy viên ngọc rồng cũng mang đến một hình tượng rất mới mẻ: không yếu đuối, nhẹ nhàng như trong quan niệm truyền thống của nhiều quốc gia, mà dù nhỏ nhắn, nhưng luôn bừng lên sức mạnh nội tâm với những sự chủ động, lạc quan, biết quan tâm và chủ động chia sẻ khó khăn cùng gia đình, bạn bè, có trách nhiệm với cộng đồng. Chính nhiều bạn nữ học cùng lớp với tôi cũng thừa nhận, sự tự tin ngày hôm nay họ có được, một phần cũng bởi ảnh hưởng, lan tỏa từ hình tượng những nhân vật nữ trong Bảy viên ngọc rồng.
Không chỉ dạy cho nhiều người học cách vui vẻ, suy nghĩ lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, Bảy viên ngọc rồng còn góp phần khơi giấc mơ, định hình nghề nghiệp cho tương lai. Thế hệ 8x của tôi, trào lưu đọc Bảy viên ngọc rồng xong, hì hụi dùng giấy than để tô, vẽ lại những nhân vật mình yêu thích cũng được diễn ra thường xuyên. Hình ảnh Son Goku dán trên cánh tủ, góc ngồi học bài ở nhà. Nhiều bạn có khả năng tự vẽ không cần giấy than thì vô cùng tự hào và được bạn bè trầm trồ thán phục, nhất là đám con gái.
Trong số những bạn bè cùng thời tôi quen biết, có những người sau này trở thành họa sĩ, các nhà thiết kế cũng từ những bức vẽ đầu tiên về các nhân vật trong Bảy viên ngọc rồng. Tính nhân văn của Bảy viên ngọc rồng cũng được thể hiện qua từng nét vẽ. Các cảnh chiến đấu trong truyện thường được diễn ra ở những nơi vắng vẻ. Điều này có lẽ cũng là một dụng ý của tác giả Toriyama - khi ông tránh vẽ những tòa nhà đổ vỡ hay người vô tội chết chóc, ảnh hưởng tới tâm trí người đọc.
Với những đứa trẻ quê nghèo ngày ấy như tôi, Bảy viên ngọc rồng như một vị thần cứu rỗi để chúng tôi không còn nhút nhát, tự ti, bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân để giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống một cách tự tin với sức mạnh của một chiến binh, với tinh thần luôn đề cao sự tử tế.
Bộ truyện có sức ảnh hưởng lớn
Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng) được họa sĩ Akira Toriyama sáng tác và trình làng vào năm 1984. Trong suốt 40 năm qua, bộ truyện đã ảnh hưởng đến tuổi thơ, tâm hồn, tính cách, thậm chí cả lựa chọn nghề nghiệp của không ít người trên thế giới.
Trong bối cảnh đương thời - khi một số bộ truyện manga bị coi là không tốt cho giáo dục - thì Dragon Ball ra đời đã góp phần đặt nền móng cho một thời đại mà cả người lớn và trẻ em đều có thể đọc và thưởng thức manga.
Tags