(Thethaovanhoa.vn) - Từ năm 1952, khi rời quê nhà vào Sài Gòn, thi sĩ Bùi Giáng (17/12/1926 - 7/10/1998) ngày tháng ngao du, gần như chưa một lần trở lại cố hương, dù nhớ thương da diết. Nhân 20 năm ngày mất của ông, cùng ngẫm lại mới thấy, trong cõi văn nghệ Việt Nam và thế giới thế kỷ 20, ngao du và “điên rồ lừng lẫy, chết đi sống lại vẻ vang” như Bùi Giáng, chẳng có mấy người.
- Gặp lại Bùi Giáng trong hồi ký Kim Cương
- 15 năm Bùi Giáng về trời: Một người điên kỳ dị
- Trưng bày sách của Bùi Giáng: Ngợp trước một “gia sản” dị kỳ
“Trong những giai thoại về Bùi thi sĩ sau 1975, người ta thường hay viết về ông như một nhà thơ điên điên, áo quần rách nát dơ bẩn lang thang đầu đường xó chợ. Những bài viết thoạt nhìn có vẻ đầy thiện chí nhưng tổng hợp lại thì vô cùng chua chát, thương hại nhiều hơn là tôn kính dành cho một nhà thơ” – có người nhận xét như vậy.
Điên hay không điên?
Trước năm 1969, nghĩa là trước năm 43 tuổi, về tâm thần, Bùi Giáng khá bình thường. Ông là một điển hình của tinh thần tự học, một truyền thống có từ thời Nhà Nguyễn ở đất Quảng. Nếu không đủ sự tỉnh táo về tâm thần và không có quá trình tự đào tạo này, với điều kiện trường lớp thiếu thốn tại quê nhà lúc ấy, Bùi Giáng khó mà thủ đắc được chữ Nho, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh… từ rất trẻ.
Xét về bằng cấp, ông chỉ có tú tài kép. Năm 1950, ông đậu tú tài đặc biệt, được cử ra Hà Tĩnh để tiếp tục học. Sau khi đi bộ gần 50 ngày, nhìn trường nhìn lớp xong lại đi bộ trở về quê chăn dê, giữ bò ở vùng núi Trung Phước.
Năm 1952, ông đậu tú tài 2 ban văn chương tại Huế, rồi vào Sài Gòn ghi danh học tại Đại học Văn khoa. Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế giới, 2004) viết về cột mốc này: “Sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục”. Ông dùng hơn chục bút danh, bắt đầu nổi tiếng từ tập Mưa nguồn (xuất bản năm 1962) với bút danh Bùi Giáng, khi 36 tuổi.
Năm 1965, do nhà cháy, ông bị mất gần như toàn bộ bản thảo chưa kịp in, đó là kết quả của 12 năm miệt mài sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật. Đáng tiếc nhất trong số này là bộ khảo cứu về Truyện Kiều, rất dày dặn, viết ròng rã trong 3 năm. Rồi nhìn ra thế sự, thấy “kim kiếm điêu linh”, ông phát điên, phải nhập Dưỡng trí viện Biên Hòa năm 1969. Năm 1970, Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í và vài văn nghệ tại nhà thương này xuất bản tập Thơ điên, còn gọi là Thơ điên thứ thiệt. Đây có lẽ là một trong số ít tập thơ vô tiền khoáng hậu của Việt Nam và thế giới - chỉ gồm những bài thơ của bệnh nhân tâm thần.
Từ đây cho đến cuối đời, gần 30 năm, Bùi Giáng sống giữa điên và tỉnh, giữa băn khoăn của người đời về chuyện ông có điên hay không điên. Thế nhưng, nếu nhìn lại trước tác, phần đã xuất bản, hơn 70 đầu sách, thì điên hay không điên, đâu thành vấn đề với một thi sĩ chỉ muốn ngao du tự tại.
Ngoài những câu thơ, bài thơ xuất thần, những bản dịch như Khung cửa hẹp (1966), Cõi người ta (1966), Ngộ nhận (1967), Kim kiếm điêu linh (1967), Hoàng tử bé (1973), Mùa hương xuân sắc (1974)... đến nay vẫn mẫu mực và phiêu bồng, khó ai có thể dịch hay như vậy. Những khảo luận, giảng luận về Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan âm Thị Kính, Truyện Kiều, Phan Trần, Thúy Vân… rất độc đáo, mới mẻ. Những sách nghiên cứu triết học như Tư tưởng hiện đại, Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại (2 tập)… táo bạo, uyên thâm, nhưng tường minh, hý lộng, đọc quyến rũ.
Suốt đời, Bùi Giáng nhiều lần nói về cái sự điên, tự gọi mình là “điên rồ lừng lẫy, chết đi sống lại vẻ vang”. Năm 1996, Bùi Giáng viết bài thơ Ông điên, đọc thấy rất tỉnh.
Tinh thần cà rỡn
Trong cuốn Ngày tháng ngao du (1971), Bùi Giáng viết về 33 ngày, đặt tựa từ ngày 1 đến ngày thứ 33, bên cạnh đó là các ngày trùng du, mù sương, si độn, thật điên, bồng lai… và các đêm lạn hồng, nga my, bỉ ngạn, hoa nghiêm… Tất cả chỉ để cật vấn về hành trình ngao du trong tư tưởng của bản thân, đi từ Phật đến Nho Đạo Lão, từ triết Tây sang triết Đông, từ ca dao, thơ cổ điển qua thơ đương thời.
Chỉ đọc cuốn này thôi đủ thấy sức bao quát, xâu chuỗi của Bùi Giáng. Nếu đọc thêm vài cuốn khác như Đi vào cõi thơ, Thi ca tư tưởng, Sa mạc phát tiết, Mùa Xuân trong thi ca… thì càng thấy sức đọc, sức bao quát của ông càng đáng nể. Nhưng Bùi Giáng không bao giờ chọn lối viết hàn lâm, với giọng văn nghiêm trang, mà ông luôn luôn cà rỡn, ngay cả với những điều tưởng chừng không thể cà rỡn.
Một năm trước lúc qua đời, ông viết bài thơ Một mê mười tỉnh: “Một mê mười tỉnh lộn hồn/ Tỉnh mê lạc phách cho phồn thịnh hoa/ Cho sương cho nguyệt ngọc ngà/ Băng tâm tuyết diện sơn trà bổ sung/ Tót vời ai đúc tình chung/ Cuồng ca túy vũ khuếch xung ngôn lời/ Ăn năn thì sự đã rồi/ Không ăn năn cũng cuộc đời bỏ đi/ Ngôn lời ngơi nghỉ tùy nghi/ Thận tòng tiếp nhịp bước đi lên đường”. Ngẫm ngợi một chút với bài thơ này, tự độc giả sẽ nhận ra Bùi Giáng điên hay không điên? Dường như ông cũng đã kết lại tinh thần tỉnh và điên của mình.
Có lẽ nhờ cà rỡn và ngao du như vậy mà Bùi Giáng đã bước qua khung cửa hẹp để vào cõi người ta một cách thong dong. Để rồi từ đây ra đi mà không hề vướng bận gì. Ông rời xa chúng ta 20 năm, nay đọc lại trước tác của ông, vẫn thấy rất gần gũi, mới mẻ, nhờ tinh thần cà rỡn và uyên thâm, độc sáng và giản dị.
Suốt đời, Bùi Giáng nhiều lần nói về cái sự điên, tự gọi mình là “điên rồ lừng lẫy, chết đi sống lại vẻ vang” |
Văn Bảy
Tags