Mỗi tháng tôi vẫn ăn chay đều đặn hai ngày, rằm và mùng một. Tôi ăn chay để bày tỏ sự kính ngưỡng với Trời Phật, chứ không phải ăn chay vì sức khỏe hay vì "theo phong trào".
Tôi tuyệt đối kính ngưỡng Trời Phật, kính ngưỡng Thiên nhiên. Và tuyệt đối không theo phong trào, bất kể là phong trào nào, do ai chủ trương. Như thế, tôi nghĩ, mình đã tuân thủ theo "đồng hồ sinh học".
Mà nếu mình đã tuân theo đồng hồ sinh học, thì có gì khiến mình băn khoăn nhỉ? Tôi lâu nay rất ngưỡng mộ tư tưởng "hòa bình xanh" của Lev Tolstoi, bây giờ tôi thấy tư tưởng Tolstoi rất phù hợp với "đồng hồ sinh học". Vậy, tôi theo tư tưởng Tolstoi là phù hợp với đồng hồ sinh học. Đồng hồ này, không chỉ của riêng tôi. Mà còn của mấy cái cây xanh tôi trồng, những cái cây coi bộ rất giống tôi, hoặc chính xác hơn, là tôi rất giống chúng.
Bởi nhiều lúc, tôi cũng thích mình là một cái cây.
TÔI THÍCH MÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY
"rồi trong mơ ta hóa thành cây
cây nho nhỏ lá xanh cành gầy
đi lang thang trong thành phố hừng đông
khe khẽ rung như một chiếc chuông con"
(Cây Mátxcơva)
một cái cây sống
nhỏ to không quan trọng
một cái cây
không bị ai bán đứng
dù cổ thụ hay tơ non
một cái cây trầm ngâm
nói chuyện gì không ai nghe rõ
bạn bè quanh năm gió
cười một mình xanh chút nắng chút mây
tôi ước mình là một cái cây
thi thoảng có chim tới hót
con chim sâu bé bỏng nhảy nhót
chẳng cần biết thế giới ra sao
một cái cây xanh đến từng chiếc lá
buổi sớm tỏa dưỡng khí
ban đêm hứng ánh trăng
một cái cây lang thang
dù đứng im một chỗ
những ngày rồi qua những người rồi xa
cái cây rung khẽ từng chiếc lá
chúng ta là ai chúng ta về đâu
chờ mãi cơn mưa rào rất lạ
nắng gay gắt cứ như cáu gắt
cây lá nhỏ nép mình chật vật
chúng ta là ai xanh được bao lâu
lặng im lá vàng rơi chạm đất
7/2017
Thanh Thảo)
Vậy, rốt cuộc, tôi là người vô thần hay hữu thần? Từ nhỏ, tôi đã được dạy dỗ, được giáo dục để trở thành người vô thần. Nhưng rồi, theo thời gian, trải qua bao thăng trầm, tự mình chiêm nghiệm được một số điều, tôi bỗng dưng trở thành người hữu thần lúc nào không biết.
Đầu tiên, là tôi theo đạo thờ cúng ông bà, như hàng trăm triệu người Việt Nam trải qua bao nhiêu đời đã theo. Thờ cúng ông bà là hiếu nghĩa, đồng thời cũng là niềm tin: Tin rằng ông bà dù mất đã lâu vẫn dõi theo mình, vẫn phù hộ mình, và vẫn nhắc nhở mình sống sao cho tử tế.
Bây giờ, có bao nhiêu người thờ cúng ông bà, nhưng để thực sự có một niềm tin, và thực sự muốn nghe, trong im lặng, những lời nhắc nhở của ông bà về chính cách sống của mình, thì tôi nghĩ, số người đó cũng không có quá nhiều. Đó là những người hữu thần. Và họ sống có niềm tin.
Rồi, tôi tin vào Trời Phật. Với tôi, Trời và Phật vừa nhị thể vừa nhất thể. Đó là Đấng Tối cao, cứ ngỡ ở quá xa chúng ta, nào ngờ, luôn ở bên ta, hay trên đầu ta chỉ "cách ba thước". Nước Mỹ thì từ xưa tới giờ không có một Tổng thống nào là vô thần cả.
Nhưng hữu thần không có nghĩa là tự nhiên tốt, dù có điều kiện để tốt. Thì trong cuộc đời, chẳng đã có bao người đầy đủ điều kiện vẫn không khá nổi đấy sao. Còn một cái gì nữa, một cái gì để từ người hữu thần có thể vươn tới người tử tế. Người duy tâm (theo cách nói phân biệt duy tâm, duy vật) tin ý thức có trước, tin "thiện căn ở tại lòng ta". Nhưng dù trong sâu thẳm mình có căn thiện, thì nếu không biết "trục vớt" nó ra, không biết sử dụng nó trong cuộc đời, thì tin ý thức có trước hay vật chất có trước liệu đã ăn thua gì?
Người có niềm tin vào điều thiện là người bình dị. Người biết quảng thiện cũng là người bình dị. Có những lúc họ sống như thầm lặng, sống ít lời, không quen chém gió. Nhưng họ hành thiện. Và tuyệt đối tránh xa cái ác. Tham sân si chẳng đụng tới họ được. Dù họ ít lên chùa, cũng không dày công cúng Phật những của ngon vật lạ.
Khi đi viếng đền thờ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, thấy nơi này người đến cầu tài cầu lộc thường cúng heo quay cho Bà Chúa, tôi chợt hiểu: Không phải Bà Chúa Xứ thích nhận heo quay để dùng cho mình, bởi có thể bà ăn chay trường, nhưng bà nhận heo quay để ban cho những người nghèo (thông qua những người giữ đền), những người nghèo vốn rất ít khi được ăn một miếng thịt heo quay. Bà thương người nghèo, bà là Bà Chúa của lưu dân Nam Bộ, vậy thôi.
Không hiểu sao, khi đảnh lễ trước tượng Bà Chúa Xứ, tôi cảm nhận được một luồng mát lành thanh thản nào đó tràn ngập con người mình. Dù tôi không cầu tài, chẳng cầu lộc, chỉ cầu an. Vậy thì mình cần gì nhất trong cuộc đời?
Là người đã trải qua chiến tranh và nhiều sự khốn khó, tôi thấy sự an lành là cần thiết nhất cho mình và gia đình mình. Rộng ra, là cho đất nước mình. Nghèo thì khổ, nhưng có thể chịu được, và vẫn có thể có hạnh phúc, nhưng mất an lành là mất tất cả.
Nếu những quan chức tham nhũng nghĩ ra được điều đó, có thể họ sẽ thay đổi. Lại nhớ một câu thơ của nhà thơ Nga mà có lần tôi đã trích: "Tôi cần gì ư?
Một giọt sữa
Một mẩu bánh mỳ
Và cả trời ấy
Và mây ấy"
Nhu cầu vật chất có thể chỉ vừa đủ, nhu cầu tinh thần là vô hạn.
Nhưng khát vọng làm giàu không bao giờ mâu thuẫn với khát vọng về một đời sống tinh thần phong phú, một đời sống tinh thần vươn tới cái vô hạn vô cùng. Mà cái khát vọng thứ hai này thì không chỉ dành riêng cho những người giàu có. Nó dành cho tất cả mọi người.
Tags