(Thethaovanhoa.vn) - Có nhóm khách Mỹ muốn tìm hiểu nghệ thuật hội họa và nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, anh em bên du lịch nhờ tôi dẫn khách đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và du khảo ăn uống quanh Hà Nội. Tôi vui vẻ nhận lời vì muốn hiểu xem các bạn Mỹ nghĩ gì về cái đẹp của nghệ thuật tạo hình Việt và cái ngon trong ẩm thực Việt.
- Triển lãm 'Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí'
- Sinh nhật 110 năm của danh họa Nguyễn Gia Trí: Một tượng đài sơn mài khó thay thế
- Danh họa Nguyễn Gia Trí và phiên đấu giá 'vô tiền khoáng hậu'
Chúng tôi quyết định tới thăm Bảo tàng Mỹ thuật trước, sau đó sẽ la cà chợ búa, phố xá và kết thúc chuyến đi bằng một bữa tiệc thuần Việt.
Ngắm “Dọc mùng”…
Tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khách sành tranh bỏ nhiều giờ đứng ngắm các tác phẩm nổi tiếng của các danh họa Việt. Lần này, các bạn trong nhóm chúng tôi đứng rất lâu trước bức tranh với tên gọi rất lạ lùng Dọc mùng.
Đây là một trong những bức tranh sơn mài nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa Việt Nam thế kỷ XX của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (hoàn thành năm 1939).
Tranh khổ lớn này là một bức bình phong ghép, gồm 8 tấm sơn mài có kích thước 1600cm x 400cm. Một mặt tranh cụ Trí dùng các chất liệu sơn ta và vỏ trứng cùng những chất liệu màu dân gian tạo nên cảnh những cây dọc mùng lá to, xòe uyển chuyển trong khu vườn quê. Mặt kia của bức tranh là cảnh các thiếu nữ mặc áo dài đang vui vẻ trong vườn Xuân đầy hoa thơm cỏ lạ...
Xưa nay, mọi người vẫn quen gọi bức tranh này là Dọc mùng, một cái tên nghe rất dân gian, rất phổ biến trong nông thôn Việt Nam.
Anh John hỏi tôi: Sao lại đặt tên tranh là Dọc mùng? Dọc mùng tiếng Anh gọi là gì?
Tôi loay hoay tìm cách trả lời. Vốn tiếng Anh có hạn, tôi chỉ dám trả lời đại khái: cây này thuộc họ dáy (araceae) cùng họ với nó là cây khoai sọ (taro). Tiếng Anh có nhiều cách gọi khác nhau… còn tên latin là Alocasia Odora.
Cây này ở Việt Nam cũng có nhiều cách gọi khác nhau. Ngoài Bắc thì gọi là cây dọc mùng, từ miền Trung trở vào thì nơi gọi là dáy dọc mùng, môn ngọt, bạc hà hay môn bạc hà. Lạ thật, cây bạc hà cũng trùng tên với một loại cây thuộc họ rau húng cho tinh dầu bạc hà rất phổ biến trên thế giới.
Ngắm và thán phục những nét đẹp diệu kỳ trong tranh Dọc mùng của cụ Nguyễn Gia Trí, chị Lora, tiến sĩ nghệ thuật, nhận xét: “Tôi thấy các danh họa Việt Nam thật tài tình. Từ cây cỏ quanh vườn, với một con mắt tinh tế và kỹ thuật sơn mài độc đáo diệu kỳ của Việt Nam, kết hợp với phương pháp biểu hiện của nghệ thuật phương Tây, cụ Trí đã cho ta kiệt tác Dọc mùng vừa sang trọng nhưng lại giản dị mộc mạc, vừa cổ kính nhưng lại tân kỳ".
… và ăn dọc mùng
Rời khỏi Bảo tàng, chúng tôi vào chợ Việt. Ai cũng ngạc nhiên vì lắm thứ rau cỏ lạ mà có người cả đời chưa bao giờ thấy. Nhìn một bó dọc mùng, John lại hỏi tôi: “Rau gì mà lạ vậy”? Tôi phì cười trả lời: “Dọc mùng đấy”.
Cả nhóm phá lên cười vì giữa “dọc mùng” trong tranh và cái “dọc mùng” trong chợ sao nó khác nhau thế? Tôi phải giải thích cho các bạn rõ: Tranh Dọc mùng của cụ Trí trong Bảo tàng là vẽ cả cây dọc mùng còn dọc mùng ở đây chỉ là cái cuống lá thôi.
Thế mới biết nếu tách lá ra lá, cành ra cành thì chẳng còn gì vẻ đẹp của tự nhiên, của cây cối nữa.
Tôi hứa với các bạn, lát nữa sẽ mời các bạn thưởng thức cái cọng dọc mùng nom buồn tẻ xếp ở góc trong cùng của quầy rau kia, để xem khi được đặt vào đúng vị trí của nó trên bàn tiệc thì sẽ ra sao.
Bụng đói, chân mỏi, chúng tôi bước vào một khu vườn rộng, các bà các chị đon đả mời chào. Xem tranh Dọc mùng đẹp rồi, nghe chán chuyện dọc mùng ngoài chợ rồi, bây giờ cả nhóm xúm quanh cô gái chít khăn mỏ quạ, mặc áo dài nâu, có thắt lưng xanh nõn mớ bảy mớ ba, má ửng hồng đang thoăn thoắt gắp bún, dọc mùng vào những chiếc bát chiết yêu xinh xinh rồi múc thịt, chan nước dùng nóng hổi vào từng bát.
Tôi giải thích cách ăn và không bình gì hơn. Tôi muốn để các bạn tự cảm thấy cái đẹp của những cọng dọc mùng xanh nõn bên những lát cà chua đỏ hồng và nước bung màu vàng nghệ, muốn để các bạn tự ngửi thấy cái hương thơm của bát bún. Tôi muốn các bạn tự chân răng mình cảm nhận cái cảm giác giòn giòn, sần sật của thứ cây độc đáo xứ Á châu nhiệt đới, thứ cây đã được người họa sĩ tài hoa nâng lên thành tác phẩm hội họa kinh điển của Việt Nam. Nay, người nghệ nhân ẩm thực lại một lần nữa mang thứ cây dọc mùng quý báu ấy để tạo nên một món ăn cổ truyền, độc đáo. Món bún bung của Việt Nam.
Ăn xong bát bún, chị Lora, anh Smith lại gọi thêm bát nữa cho bõ thòm thèm. Tôi không thấy ai chê và chẳng ai bỏ lại chút bún thừa.
Bà chủ nhà hàng tay cầm chiếc quạt giấy phe phẩy quạt cho Lora và hỏi: "Cô có muốn ăn thêm dọc mùng nữa không? Tôi sẽ bảo các cháu đem tới. Ở đây, ngoài bún bung, chúng tôi còn có cả dọc mùng nấu gà, dọc mùng cuốn tía tô, gỏi dọc mùng, dọc mùng muối và nhiều thứ khác”.
Tôi luống cuống không biết dịch ra sao các món kỳ lạ này. Chỉ biết qua nét mặt, hình như các bạn của tôi rất muốn khám phá cái đẹp ẩm thực của “dọc mùng” đến tận cùng, không chỉ dừng lại ở bát bún bung khởi đầu này.
“Kiệt tác” của kết hợp Tây - Ta Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, các họa sĩ tài hoa Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của sự kết hợp những cái đẹp độc đáo trong nghệ thuật Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam, kỹ thuật Việt Nam với các lối biểu hiện Tây phương để cho ra đời những tác phẩm cực kỳ giá trị mà Dọc mùng là một trong những số đó. |
Vũ Thế Long
Tags