(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Cuối năm 2019 vừa qua, UNESCO đã chính thức ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng không chỉ có “Thực hành then”, văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở miền Bắc nước ta còn vô cùng đa dạng, phong phú, trong đó có hát lượn của người Tày.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Nhà thơ Y Phương (dân tộc Tày), tác giả của Nói với con, bài thơ nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa Văn lớp 9, đã chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những suy ngẫm, trải nghiệm của ông về hát lượn.
“Tiếng lòng” của người Tày…
Lượn then không phải tên riêng. Lượn then là làn điệu hát dân ca của người Tày. Là tiếng lòng buồn vui, xướng lên cho mọi người cùng nghe, để sẻ chia, để nhân đôi, góp sức đánh tan nỗi buồn trong con người. Mà nỗi buồn người dân quê tôi nhiều như lá trên rừng, đậm đặc dính dớp như cao nhuộm vải chàm ngày Tết.
Đã có cả một thời lịch sử nối dài như sông, mọi người dân quanh vùng được thưởng thức hát lượn, hát then. Nhất là trong các phiên chợ mùa Xuân, đón mừng năm mới. Hoặc có thể hát bất cứ đâu, khi nào con người ta cần được tháo cởi nỗi lòng. Hát lượn then đã trở thành quen thuộc đến mức như nghiện.
Bởi thế, khi nhắc đến người Tày, ai ai cũng nghĩ ngay đến hát lượn then. Giống như người Bắc Ninh hát quan họ. Người Nghệ Tĩnh hát phường vải. Người Huế hát điệu đò đưa…Hát lượn, hát then là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu được trong xã hội người Tày.
Nhưng mấy thập niên của thế kỷ trước, không còn cảnh sinh hoạt ấy nữa. Vì thế núi non, đồng ruộng, sông suối, lá hoa…chúng cũng xao xác nao nao buồn. Màu xanh ngô lúa hình như cũng kém tươi. Bởi lời ca tiếng hát cũng là một năng lượng vô hình, bổ sung cho thiên nhiên sông núi và con người trong xã hội tươi tốt lên.
Không hiểu sao, từ ngày có phong trào tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã, làng bản có loa truyền thanh… Tất cả các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc bị xem nhẹ. Thanh niên trai gái chỉ thích ra sân hợp tác xã tập “sòn sòn sòn đô sòn…”. Họ cho như thế là mới, là tiến bộ, là đuổi kịp miền xuôi. Thật bi hài.
Khi ấy, phong trào hát lượn cùng với “mo then bụt tào” bị người ta xem là cũ kỹ, lạc hậu, mê tín dị đoan... cần phải dẹp bỏ. Ai mở miệng hát lượn,hát then đều cảm thấy ngượng ngập xấu hổ. Những pho sách dạy hát lượn, hát then nhàu nát.Người ta coi chúng như giẻ rách, là cái thứ lỗi thời. Người ta thẳng tay ném chúng vào các xó xỉnh tăm tối, chẳng còn ai ngó ngàng tới nữa.
Nhiều người biết hát nhưng không còn hào hứng truyền lại cho lứa sau. Giới trẻ cũng không mặn mà với hát lượn, hát then nữa. Rõ ràng đây là một cuộc xâm hại văn hóa truyền thống. Nhưng không lộ diện ai là người ra lệnh, ai xúi dục. Cứ người nọ nhìn người kia, người kia lại nghe người này. Phải như thế mới đúng và làm như thế là sai. Một xã hội chỉ căn cứ vào những lời đồn của số đông, mà tiến hành điều chỉnh. Cái đó hết sức phi khoa học và cực kỳ nguy hại. Bởi không ai dám chịu trách nhiệm giải thích như thế là làm tổn hại văn hóa.
Những năm gần đây, rộ lên phong trào liên hoan biểu diễn nghệ thuật dân ca, dân vũ. Nhất là từ khi có chủ trương bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Nơi này, nơi kia tá hỏa vội vàng tìm người lên sân khấu thi thố hát lượn. Song chỉ còn toàn các bà U45, 50 và các ông U50, 60. Không bói đâu ra một chàng trai cô gái “hoi sữa” biết hát lượn. Buộc lòng các chàng, các nàng “cáp ga nhé” cứng nhắc phải cưa sừng làm nghé. Họ đánh phấn bôi son hòng làm cho trẻ lại, nhưng làm sao che giấu nổi giọng hát. Giọng hát của họ đã khô khê và rè, tỏa ra hơi toàn mùi thuốc lá sợi Cao Thăng Nam Tuấn, thuốc lào An Hải với men rượu đồng rừng.
Điệu hát nuôi dưỡng tình yêu
Một thời, ai mà biết hát lượn và hát hay đều được cả làng cả tổng nhìn bằng con mắt quý trọng. Người có giọng hát hay được đánh giá ngang bằng một cánh đồng lúa nếp hay một đàn trâu mộng. Tiếng hát hay như rót mật vào tai, ai mà chả thích. Chỉ cần nghe mà no cơm cả ngày. Nghe xong thấy trong người khoan khoái nhẹ nhõm, trẻ lại mấy tuổi. Đã có người vì mải mê nghe hát lượn, trót đánh rơi người yêu vào tay kẻ khác.
Ngày ấy tôi còn rất ít tuổi, lẵng nhẵng theo các chị gái trong làng đi hát lượn. Tôi nhận thấy các anh trai xứ mình họ cực kỳ khôn. Muốn tán được chị gái, trước hết phải lấy lòng những thằng em bé nhít hay các cụ bà, cụ ông. Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành đối tượng để các anh“mồi chài”. Họ cho tôi nhiều quà bánh, cũng chỉ là chuyện vặt thôi. Có người còn đèo tôi bằng xe mô tô phân khối lớn cơ. Thậm chí có người cho tôi ngồi ô tô đi loanh quanh phố huyện thử vài vòng cho thích.
Trời ạ. Không hiểu sao, ở tận xứ “u tỳ quốc”, vào những năm 50 của thế kỷ trước, lại có cả mô tô, xe máy lẫn ô tô, đều thuộc hàng Nga, hàng Tàu. Tại sao khi ấy tôi rất thích ngửi mùi xăng dầu. Cái mùi xăng dầu lúc đầu nó thơm, về sau gợi trí tưởng tượng. Tôi sẽ đến những miền đất xa xôi, nơi chân trời chưa có người đặt chân.
Đến tận bây giờ chưa có ai giải thích nổi điều này. Tại sao khi yêu người ta có thể làm được tất cả. Cha ông chúng ta sáng tạo ra điệu hát lượn để nuôi dưỡng tình yêu. Tình yêu của con người thật sự lạ lùng làm sao và vĩ đại làm sao. Tình yêu đó là một bí ẩn. Nó như cơn địa chấn, như đợt sóng thần. Nó đến mà không hề báo trước. Vì thế, cho đến nay chưa có ai giải thích đến đầu đến đũa về tình yêu. Nhưng có một người bạn định nghĩa về tình yêu như thế này: Tình yêu như cái pẻng xì (bánh rán)/ Tây ta đều thích bởi vì nó ngon…
Tín hiệu đáng mừng
Lượn, then là một dòng suối dân ca của người Tày, không bao giờ ngưng chảy. Nó chỉ tạm thời dừng lại một thời đoạn, khi mà trong“cơ thể”sức đề kháng chưa được ổn định. Ngày nay nó được cả xã hội tiến bộ thừa nhận là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Tày độc đáo. Hơn nữa hát then có tính cộng đồng rộng lớn. Then đan cài sức sống mãnh liệt truyền dẫn tâm hồn sang nhau như nước tràn vào ruộng lúa. Then nay đã làm sống lại và tươi tắn hơn, đầy đặn hơn thời trước là bởi có những người thầy truyền then dày dặn kinh nghiệm, những học trò theo ngành then ngày càng nhiều hơn trong Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.
Lượn, then đã và đang lan tỏa trong các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, thanh niên người Tày tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Các em, các cháu ý thức một cách sâu sắc về bảo tồn văn hóa dân tộc. Lòng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Tày chưa bao giờ được khơi dậy như bây giờ.
Đây là một tín hiệu cực kỳ vui và đáng mừng trong sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung.
Một thời, ai mà biết hát lượn và hát hay đều được cả làng cả tổng nhìn bằng con mắt quý trọng. Người có giọng hát hay được đánh giá ngang bằng một cánh đồng lúa nếp hay một đàn trâu mộng… |
Nhà thơ Y Phương (dân tộc Tày)
Tags