(Thethaovanhoa.vn) - “Nói về Hà Nội, tôi thấy trong các câu chuyện, có nhiều hàng ăn quá, rồi phố xá, mọi thứ cứ bảng lảng… Tôi là người con Hà Nội lớn lên, ra đi và trở về, nên tôi muốn người ta nhìn Hà Nội vừa thấy phố, vừa thấy nhà, vừa thấy cả con người trong đó nữa” -nhà văn Trung Sỹ, tác giả Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đã bày tỏ trong talkshow “Mình viết gì khi viết về Hà Nội?” vừa diễn ra tại Tiny Cafe, ngõ 154 Đội Cấn, Hà Nội.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Hãy xem 3 khách mời đặc biệt của chương trình này nghĩ gì và viết gì về Hà Nội: Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (tác giả Tàn đen đốm đỏ), nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn (tác giả Gần như là sống) và nhà văn Trung Sỹ.
Hà Nội - Những câu chuyện ngày xưa
Không phải ngẫu nhiên Phạm Ngọc Tiến, Đỗ Phấn hay Trung Sỹ luôn ưu ái dành một góc văn chương của mình để viết về Hà Nội, bởi tình yêu, sự gắn bó bền bỉ, dài lâu của họ với mảnh đất Thăng Long xưa. Những câu chuyện bi hàiđược chính các tác giả thể hiện qua những trang viết đầy hoài niệm.
“Là con thuyền ký ức, đưa bạn đọc trôi về một thời khó khăn, vất vả, thậm chí ấu trĩ nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp của tình người - đó là Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu ra mắt độc giả gần đây. Và đó cũng chính những câu chuyện thật của tôi. Từ cái lần tôi nghịch con chuột suýt để cháy kho, nhân vật anh Vinh, anh Bình làm lưỡi câu, hay cái cầu ao đều là hồi ức có thật. Đối với tôi Hà Nội không chỉ có quán hàng, đồ ăn mà còn có số phận con người được thể hiện qua đó”- nhà văn Trung Sỹ nói.
Hà Nội với biên kịch Phạm Ngọc Tiến lại là những kỷ niệm hài hước, đến mức tréo ngoe. Ông chia sẻ rằng, không hiểu tại sao kỷ niệm nào với Hà Nội cũng liên quan đến ăn uống, nhớ nhất là kem Hàng Vôi ăn “cứng như đá”, buốt lạnh vào mùa Đông mà anhem đồng đội ai cũng cảm thấy sướng. Đặc biệt là câu chuyện về “liễn mỡ Hà Nội” đã đi vào truyện ngắn.
“Nhiều người cứ nghĩ là hư cấu nhưng đây là chuyện thật, khoảng cuối năm 1972, đơn vị cao xạ của tôi đóng ở Nam Định, trong một lần nhận nhiệm vụ về Hà Nội bảo vệ tên lửa tại Thường Tín, tôi tranh thủ lượn về nhà, một là vì nhớ, hai là tiện vét ít đồ ăn. Thời đấy túi ni-lon hiếm, tôi ôm luôn cả liễn mỡ bỏ vào trong balô đến đơn vị. Ai ngờ giữa đường báo động khẩn, tôi ném ba lô chui vào hầm, thế là cái liễn mỡ đổ toang ra ngấm cả đất cả bụi, tôi bốc lại hết. Về đến đơn vị thì luộc balô lên, hớt mỡ nổi với một ít tóp mỡ, vừa buồn cười vừa khổ”.
Còn riêng họa sĩ Đỗ Phấn, gia phả dòng họ ông sống tại Hà Nội đến nay là được 14 đời, kỷ niệm về Hà Nội không thể nào đếm xuể. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đã có lúc ông cảm thấy bản thân đang “đứng bên lề” cuộc sống, không thể hòa nhập, tưởng như bị hất văng ra, nhưng đến tận cùng, cái gốc gác Tràng An vẫn kéo ông ở lại, khiến ông cho rằng: “Nếu không viết về Hà Nội, có lẽ tôi chẳng thể viết được cái gì khác”.
“Hà Nội trường tồn bằng sự không lặp lại”
“Hà Nội trường tồn bằng sự không lặp lại” - đó là nhận xét của nhà văn Phạm Ngọc Tiến trước thực trạng văn chương viết về Hà Nội hiện nay. Ông cho rằng, một gia tài đồ sộ với nhiều tác phẩm “kinh điển” về Hà thành đôi khi lại là “áp lực” cho những dự án mới, cây bút mới cùng chủ đề. Nhưng điều đáng mừng là những sáng tác về Hà Nội vẫn ra đời, chân thực và giàu giá trị, điều này tạo nên tính trường tồn trong văn chương Hà Nội nói riêng.
Nhà văn cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đến hai người bạn đồng nghiệp cho những tác phẩm gần đây: “Hiếm ai có thể viết nhiều về Hà Nội như anh Đỗ Phấn, viết đến kinh hoàng, cái gì anh ấy cũng viết được. Anh ấy viết về xôi xéo, xôi lúa mà tôi tức quá, phải lên Facebook "mắng" anh ấy một câu rồi đạp xe đi mua ngay gói xôi xéo về ăn. Còn với Xuân Tùng (tên thật của nhà văn Trung Sỹ), tôi nể cái trí nhớ đỉnh cao, những ký ức của anh về Hà Nội giản dị nhưng có sức cộng hưởng với người đọc, chuyện riêng mà lại rất chung”.
Quả thật, với tác giả Đỗ Phấn - một người Hà Nội “gốc” từ ngoài đời đến văn chương, ông có những tiêu chí khắt khe hơn khi đánh giá về các sáng tác: “Hà Nội đúng là có nhiều cái để viết, khảo cứu cũng rất nhiều, nhưng những khảo cứu đã có rồi không nên đề cập lại, còn với những sáng tác mới đơn thuần kiểu tả tình, tả cảnh, than oán kể khổ, tôi cho rằng là không nên. Giá trị của Hà Nội cao hơn điều đó rất nhiều”.
Đỗ Phấn cho rằng Hà Nội luôn là đối tượng rất khó viết, cái khó ở đây không đơn giản là chúng ta am hiểu hay không am hiểu, khiển trách hay ngợi ca nó bởi xa hơn, hãy coi Hà Nội như một thực thể, một con người có số phận riêng, cuộc đời riêng, đó chính là điểm tựa để khai thác những điều mới mẻ trong văn học.
Có lẽ vì thế mà hơn 25 tác phẩm viết về Hà Nội của Đỗ Phấn, chất Hà Nội vẫn mãnh liệt nhưng được hiện lên dưới nhiều góc nhìn phong phú.
Đồng quan điểm với nhà văn Đỗ Phấn, tác giả Trung Sỹ nhấn mạnh hơn vấn đề đặt góc nhìn trong mỗi tác phẩm: “Tôi đã đọc rất nhiều các tác phẩm thuộc hàng kinh điển về Hà Nội của Vũ Bằng, Băng Sơn hay Thạch Lam cho đến những ấn phẩm sau này, tôi nghĩ mỗi người sẽ nhìn thành phố quê hương của mình một cách khác nhau, đó chính là điểm không lặp lại. Với một đối tượng đã quen thuộc, quan trọng là ta viết như thế nào”.
Với riêng biên kịch Phạm Ngọc Tiến, ông quan niệm rằng Thăng Long xưa - Hà Nội nay đã tồn tại hơn 1.000 năm, chính bề dày lịch sử đó là chất liệu để mỗi người chúng ta sáng tác, tiệm cận được đến giá trị văn học. Chừng nào Hà Nội còn tồn tại thì chừng ấy những tác phẩm về Hà Nội vẫn còn nối tiếp: “Trong tương lai, nếu viết về Hà Nội, tôi vẫn hướng tới những vẻ đẹp của tâm hồn. Có lẽ nhiều người bức xúc với một Hà Nội bụi bặm, nước bẩn, lừa đảo và bon chen, nhưng đó chỉ là thứ gì đó nhất thời, Thủ đô vẫn giữ cốt cách thanh lịch ngàn năm, vẹn nguyên không hề biến chuyển".
Không sai khi nói rằng Hà Nội là nguồn cảm hứng lâu đời của văn chương nghệ thuật, càng không sai khi khẳng định nhiều tên tuổi thành danh, được độc giả “nhớ mặt gọi tên” từ những ấn phẩm về mảnh đất này.
“Mình viết gì khi viết về Hà Nội?”; “Viết gì để làm mới những cung đường, phố phường đã cũ?”. Không! Hà Nội không hề cũ, có chăng trong ý thức người cầm bút, “trải nghiệm” và “khai phá” một góc nhìn mới chính là đáp án.
Hiền Lương
Tags