(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam và kêu gọi mọi người “… giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh…”.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Nhân ngày 8/3 này, chúng ta hãy cùng ngẫm lại những bữa cơm gia đình nhiều rau một thời.
1. Có thể nói trong suốt một chặng đường dài trước Đổi mới, nhiều người dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn thường phải chịu cảnh thiếu thốn, thậm chí túng đói. Bữa cơm của đại đa số người dân Việt thời ấy thường không đủ no, trong khi đó lao động đồng áng vất vả cần nhiều năng lượng cho cơ bắp nên đã đói lại càng đói hơn. Tình trạng này khiến cho các bữa cơm gia đình của nông thôn Việt thuở xưa vừa thiếu về chất lẫn về lượng.
Người nông dân thuở xưa thường mỗi ngày ăn 2 bữa chính là bữa trưa và bữa tối. Có đủ cơm ba bát trong một bữa đã là biểu hiện của sự sung túc.
Nhiều nơi, sáng sớm dậy đi cày, ra đồng làm lụng, người ta chỉ đem theo mấy củ khoai lang luộc và một ấm nước chè xanh và cái điếu cày. Mải miết cày bừa từ sáng đến trưa ngồi trên bãi cỏ ăn củ khoai lang luộc và rít một hơi thuốc lào. Nằm dài trên bãi cỏ nghỉ ngơi rồi lại lăn vào công việc đồng áng.
Có người đi làm đồng, buổi trưa tạt về nhà xúc bát cơm nguội chan gáo nước mưa và ăn với quả cà là đã xong một bữa.
Bữa cơm xưa của người nông dân chủ yếu là lo sao cơm cho đủ. Thức ăn chỉ giản đơn là chút rau hái vội trong vườn, chút mắm hay bát tương, mấy quả cà… Thỉnh thoảng có được con cá hay nồi canh cua nấu với rau tập tàng hay còn gọi là rau láo nháo, thứ rau hoang mọc ngoài chân đê, bờ ruộng đủ loại trộn với nhau bỏ vào nồi canh cua đồng. Thế là thành một món rất dễ ăn mà có nhiều chất bổ.
Thịt cá, dầu mỡ thậm chí cả nước mắm xưa kia cũng là những thứ khan hiếm trong các bữa ăn gia đình của người nông dân. Gặp ngày giỗ Tết, người ta mổ lợn làm cỗ, phần mỡ lợn được rán lên lấy mỡ đổ vào cái liễn treo trong gác bếp để ăn dần quanh năm.
Mớ rau muống, rau lang xào trong chút mỡ cho tí muối mắm, đập nhánh tỏi, thế là xong một đĩa rau muống xào. Vì cơm chỉ có rau là chính nên người ta thường làm thêm đĩa muối ớt và vài nhánh rau thơm để đưa cơm.
2. Cơm gia đình quanh năm giản đơn có thế mà lạ thay sao nhiều bà con vẫn giữ được sức khỏe để lao động nặng nhọc? Hầu như thuở xưa không có gia đình nông dân nào có người mắc phải chứng béo phì hay bệnh gút. Trẻ em suy dinh dưỡng thì nhiều nhưng phần đông lớn lên đều khỏe mạnh.
Ta cũng cần xem lại cái cách ăn và quá trình thích ứng với khẩu phần đạm bạc trong bữa ăn xưa của người Việt để tìm ra cái cốt lõi tích cực trong dinh dưỡng của từng bữa ăn gia đình của nông thôn Việt thời bấy giờ.
Phải chăng hệ tiêu hóa của người Việt có một quá trình chọn lọc tự nhiên khiến có sự thích nghi cao độ với chế độ ăn nhiều rau, ít thịt? Phải chăng trong thành phần các loại thức ăn thủy sản, thức ăn chế biến theo lối lên men như tương cà dưa, mắm muối đã cung cấp các vi lượng tổng hợp và cần thiết cho cơ thể?
Ta có thể dễ dàng nhận thấy trải qua 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, bên cạnh việc vơ vét tài nguyên, tàn phá môi trường tự nhiên của Việt Nam, người Pháp cũng đã đem vào Việt Nam nhiều chủng loại thực phẩm mới.
Những giống su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, tỏi Tây… đầu tiên nhập vào Bắc bộ từ đầu thế kỷ trước đã nhanh chóng lan rộng ra khắp nơi. Cây rau trên ruộng đồng của người Việt ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Những loài rau mới nhập vào Việt Nam đã làm thay đổi hẳn về chất các bữa cơm thường nhật của người Việt.
Một đặc trưng trong thành phần bữa cơm của người Việt chính là ăn nhiều rau. Trong dân gian có câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Vì thiếu gạo nên người ta phải ăn nhiều rau để cho át cái đói. Cảm giác đói của dạ dày sẽ vơi đi khi người ta ních đầy một bụng rau trong các bữa cơm.
Người ốm do thiếu chất nên cần phải ăn thêm thịt để bồi bổ cho sức khỏe. Xưa, thịt là thức ăn xa xỉ, thường thiếu vắng trong các bữa cơm thường nhật của người Việt nên trong bữa ăn thường, thịt nếu có cũng không nhiều và nguồn đạm chủ yếu nằm trong các loại hạt củ như lạc, đỗ tương hay các thức ăn có nguồn gốc thủy sản như tôm tép, cá đồng, cua ốc, trong các loại mắm...
3. Nay nhìn lại cái tập quán ăn có từ muôn đời của người Việt, đối chiếu với các lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng của các nước tiên tiến giàu có thời hiện đại, ta thấy lối ăn cổ truyền của người Việt tự nhiên nó đã mang một giá trị thích ứng rất cao.
Lối ăn này rõ ràng có lợi cho sức khỏe và giúp tránh được nhiều căn bệnh về tim mạch hoặc những chứng do ăn dư thừa các chất đường, mỡ, thịt gây ra.
Từ vài chục năm trở lại đây, do đổi mới về kinh tế nên bữa cơm của người Việt đã đổi thay rất nhiều.
Thịt cá đã trở nên gần gũi, mật thiết trong đời sống. Người ta đã quen với tập quán uống sữa bò, sữa dê. Đã quen uống bia uống rượu trong mỗi bữa ăn. Ra chợ ta có thể tìm được tất cả các loại thức ăn từ bình thường đến cao cấp trên toàn thế giới đều có mặt trong các chợ lớn nhỏ và siêu thị.
Nhiều người do ăn uống quá thừa thãi đã bị mắc bệnh béo phì, bệnh gút và tim mạch, tiểu đường. Nhiều người ta đã quay về với lối ăn đạm bạc thời còn túng thiếu và một bộ phận không nhỏ đã chuyển sang ăn chay.
Vũ Thế Long
Tags