(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Tranh Đông Hồ đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trong thời gian tới. Đây là một tin rất vui đối với những người yêu dòng tranh dân gian này, trong đó có họa sĩ Đỗ Đức. Là họa sĩ sáng tác khá nhiều về đồ họa, từ 40 năm trước, ông đã có những trải nghiệm đáng nhớ về đời sống của tranh Đông Hồ. Xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Đỗ Đức.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Vào giữa những năm 1980 lần đầu tôi về làng tranh Đông Hồ. Lúc ấy, người làm tranh lèo tèo, còn đâu vài ba nhà là ông Chế, ông Tấn và ông Sam. Ông Chế nổi nhất vì ông làm việc tại Nhà xuất bản Văn hóa, có giao lưu rộng, cònông Tấn và ông Sam chỉ ở trong làng, ít giao thiệp.
- Tranh Đông Hồ bao giờ 'sáng bừng trên giấy điệp'?
- Tranh Đông Hồ và Hàng Trống được trình diễn tại phố cổ Hà Nội
Lần ấy tôi gặp cụ Phùng Đức Năng đang vẽ tranh Tứ phủ cho điện thờ hầu bóng. Cũng bấy giờ tôi mới được xem tranh “dối” và tranh “kỹ” theo giải thích của cụ. Thì cũng tranh đó, diện tích bằng nhau, tranh “dối” (tức loại thường) giá 30 đồng, còn tranh “kỹ” (loại chất lượng cao) giá 150 đồng. Người Đông Hồ rất rành rẽ tiền nào của ấy. Quả tình xem tranh 30 đồng thấy hay rồi, nhưng đến tranh 150 đồng thì mới thấy hết vẻ đẹp lung linh của Tứ phủ. Cùng một người vẽ mà hai tranh chất lượng khác nhau một trời một vực vì công sức vàvật liệu bỏ ra cho từng tranh khác nhau.
Mãi lúc ấy tôi cũng mới biết người Đông Hồ bỏ non nửa thời gian trong năm làm tranh Tết, còn lại thì làm đồ mã. Vì đồ mã khi đó bị cho là dính đến mê tín dị đoan nên người ta làm mà không khoe thôi. “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” (Đức Thánh Trần và bà chúa Liễu Hạnh) -đó là khoảng thời gian người ta dành cho làm đồ mã.
Những năm ấy, người làng Đông Hồ chủ yếu sống bằng nghề mã, còn tranh lèo tèo vì chỉ có Xunhasaba đặt hàng xuất sang khối Đông Âu mà tiêu thụ nhiều nhất là ở Đức. Trong nước thì dùng tranh Tết in cuốn thư câu đối ngũ quả của Nhà xuất bản Văn hóa, nó bề thế quây quanh bàn thờ gian chính diện. Còn tranh Đông Hồ hầu như không thấy nhiều nhà dán tường. Tranh Đông Hồ lúc ấy có loại 30x40cm, và loại lá mít nhỏ chừng 20x30cm. Có chăng chỉ thấy tranh trong thơ Hoàng Cầm viết : “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Khoảng thời gian từ kháng chiến chống Mỹ đến sau ngày thống nhất đất nước là thời gian “hí hóp” nhất của tranh Đông Hồ. Nó có dấu hiệu tàn lụi nhưng không mất hẳn dù sự lấn lướt của các loại tranh in bề thế mà giá cũng rẻ, phù hợp với trang trí. Nhưng tranh Đông Hồ vẫn có chỗ đứng khi nó còn bán được thông qua Xunhasaba đưa ra nước ngoài.
2. Tôi cất giữ được một số bức tranh Đông Hồ in bán xuất khẩu từ trên nửa thế kỷ trước do tổ sản xuất tranh mà ông Sam làm tổ trưởng.
Tranh thời ấy màu chắc như cua gạch, dày dặn, no màu và nhất là sắc thắm thì hơn hẳn. Có lẽ do chất lượng từ giấy điệp, cách chế màu kỹ lưỡng, độ đậm đặc…
Nghệ thuật dân gian vốn xuất phát từ nhu cầu cuộc sống vùng miền và nó luôn bám sát nhằm thỏa mãn nhu cầu cuộc sống để tồn tại. Đó là cái đặc trưng rõ nhất của loại nghệ thuật này.
Trong hơn 100 mẫu tranh dân gian còn lại hôm nay thì thực ra, theo cách nhìn của tôi, những mẫu tranh khởi đầu là có giá trị đặc biệt. Đó là Đại cát- Nghi xuân, Nhân nghĩa- Tri lễ, là Vinh hoa- Phú quý, Gà đàn, Lợn đàn, Lợn âm dương, Lợn độc, Lợn ăn lá giáy… Đó là Hứng dừa, Đánh ghen, là Thầy đồ cóc, là Đám cưới chuột…Những bức tranh hướng vào những điều sâu thẳm trong lương tri, hướng đến lễ nghĩa, phản ánh ước vọng cũng như sự nhắc nhớ về đạo lý sống nhân văn. Những bức tranh khởi đầu đều có triết lý sâu xa, luôn hướng đến cái lớn lao ước vọng và nhân quả đời người.
Tiếp sau đó, dòng tranh có thêm những bức theo hướng phản ánh, phê phán như: Trai tứ khoái- gái bảy nghề, Đăng- xinh, Phong tục cải lương- Văn minh tiến bộ... Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tranh Đông Hồ đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, cổ động với: Bình dân học vụ, Tăng gia sản xuất, Vừa sản xuất vừa chiến đấu. Thời đánh Mỹ có Tấm áo mẹ vá năm xưa, Vẽ theo lời một bài hát, Quan họ, Thuyền hát, Chùa Bút Tháp…
Những tranh dân gian chứa đầy ắp tính thời sự này phục vụ kịp thời cho nhu cầu của xã hội, song cũng có đời sống rất ngắn so với thế hệ tranh đầu tiên. Nói chung tinh thần thì dân gian nhưng hình thức và nội dung đã sang một khúc ngoặt khác, gắn với thời cuộc.
Thế hệ đầu tiên của tranh dân gian thì tranh không phải để trang trí, mà nhằm dạy triết lý sống. Phong cách rất rõ ràng, rất khái quát, nét vẽ thì chắc nịch của người thợ dân gian tài ba. Ở những tranh đó, chữ nghĩa hàm ý sâu xa, ngàn năm không cũ. Nhìn những bức tranh khởi thủy, ta nhận ra cuộc sống yên bình...
3. Đông Hồ hôm nay người làm tranh cũng khuất dần. Ông Tấn và ông Sam đều mất. Con ông Sam theo nghề cha. Cơ sở của ông Nguyễn Đăng Chế thì hình thành công ty và phần sản xuất tranh, kinh doanh chủ yếu chỉ còn chỗ ông và các con. Một số lẻ tẻ khác thì không đáng kể và nhiều nhà cũng từ giã nghề tranh.
Mộc bản cũ thì ông Chế thu mua lại từ những gia đình bỏ nghề. Ngoài ra ông còn phát triển nghề đục ván tranh và bán luôn tranh ván, chính là nghề gia truyền của dòng họ ông. Cách làm đó rất hay, không để nghề đục ván thất truyền và có sản phẩm hấp dẫn cho du lịch nhằm giới thiệu văn hóa.
Bây giờ điểm đến của du lịch làng tranh Đông Hồ là cơ sở bề thế của công ty ông Nguyễn Đăng Chế. Tranh từ cơ sở ông Chế không chỉ có ở Hà Nội mà còn ở cả Yên Tử (Quảng Ninh), Đà Nẵng và TP.HCM...
Một nghề làm tranh dù chỉ còn như cái mầm nhỏ nhoi nhưng nó vẫn còn sức sống bền vững bởi những người còn làm cố giữ nghề và khơi sâu thị trường. Từ tờ giấy, cục điệp và màu in chế hôm nay mà chất lượng cao như một thời đã qua thì bảo đảm sức sống của dòng tranh dân gian này sẽ vững vàng bền lâu!
Mỗi bức tranh là một bài học làm người Lần về Đông Hồ cùng tôi năm 2002, cố giáo sư Gérald Goridge của Trường Đại học Angulem ở Bordeaux (Cộng hòa Pháp) sau khi nghe tôi giới thiệu, ông bảo “Đây là làng tranh đặc biệt nhất mà tôi thấy. Bởi mỗi bức tranh là một bài học thông qua một câu chuyện có tính chất răn dạy làm người”. Và rồi, sau suy ngẫm, bất ngờ ông giới thiệu với Nhà xuất bản Kim Đồng một dự án về vẽ truyện tranh “theo cảm hứng từ những tranh Đông Hồ” Nếu dự án đó được khai thác thì sẽ có bộ sách đặc biệt cho các em nhi đồng, mẫu giáo khai tâm phần nhân văn, việc cần nhất cho sự phát triển của con người trước khi bước vào đời. Đáng tiếc cơ hội này đã trôi qua mất. |
Họa sĩ Đỗ Đức
Tags