(Thethaovanhoa.vn) - Đến bây giờ tôi có đủ mọi trải nghiệm để khẳng định: Nghề chọn người, và người cực khó chọn nghề. Tôi tự tin nói vậy, bởi từ chính bản thân mình và sự quan sát xung quanh.
1. Năm 1999, tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Cũng như đám sinh viên cùng thời, tôi lang thang kiếm sống và chờ cơ hội để thi tiếp vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trước đó, tôi đã thi hai lần đều trượt, chuyện đó hết sức bình thường, phải luyện thi và tiếp tục thi…
Nhưng khoảng vào giữa tháng 6, tôi nhận tin bố mình nguy kịch! Tôi vội vàng về quê, ban đầu cứ nghĩ chỉ ở đó ít hôm, chăm sóc bố đến khi ổn định lại quay về Hà Nội, nhưng lần đó nhìn bố, tôi biết ông sẽ không còn sống lâu nữa, nhà tôi lại neo người, chị gái lấy chồng ở xa, chỉ còn mẹ… Tôi đã suy nghĩ rất lâu và quyết định ở lại Cao Bằng.
Tất nhiên, trong lòng tôi buồn vô hạn, giấc mơ tiếp tục học vẽ vẫn còn nặng trĩu, nhưng bố tôi quan trọng không kém, thêm vào đó, mẹ tôi đã già yếu đi, gầy gò, mệt mỏi vì đã chăm sóc bố tôi gần 10 năm - chăm sóc một người bị bệnh dài như vậy là điều khó khăn, chỉ những người phụ nữ của núi, hiền như núi, mạnh như núi, thừa hưởng sự lì lợm của đá núi mới có thể làm điều đó.
Tôi bỗng cảm thấy mình bắt đầu phải có trách nhiệm, tôi đã đi quá lâu, không giúp gì được cha mẹ! Thấy mình có lỗi vì quá mải mê với giấc mơ vị kỉ của chính mình, mà với người ở bản tôi, nghệ thuật thật xa lạ và viển vông vô cùng. Người ta đi học là để về làm cán bộ, có lương tháng, mặc áo trắng đến công sở, trở thành niềm tự hào của cả dòng tộc. Hai từ “cán bộ” đã ăn sâu vào tiềm thức người miền cao. Gia đình tôi cũng vậy, bố tôi là cán bộ, anh chị tôi cũng là cán bộ, thế nên tôi cũng sẽ phải là cán bộ.
Tôi cũng đã đi nộp hồ sơ với hy vọng trở thành một anh giáo bản như bố tôi, nhưng khi tôi đến mấy vị cán bộ trên Sở Giáo dục nhìn và nói: “Nộp chậm rồi, người ta thi hết rồi, sang năm…”. Tôi thất thểu quay về, trong lòng bỗng nhiên thấy hai từ cán bộ và những cán bộ trên sở kia sao lạnh lùng, xa vời với tôi đến thế.
Cũng may, tôi có anh họ nhà ở thị xã, làm chủ một xưởng cơ khí nhỏ, tôi có thể đến đó vừa học việc, vừa chờ đợi cơ hội để làm cán bộ.
Lại may mắn thêm một lần nữa, chị gái họ của tôi lấy chồng là một nhà báo - nhà báo Tô Thái. Khi ấy anh Thái đang làm Phó Tổng biên tập của báo Cao Bằng. Tôi đã được anh Thái đưa về làm họa sĩ trình bày cho tờ báo đó. Đương nhiên tôi trở thành cán bộ, có lương tháng, có một phòng tập thể đủ kê chiếc giường và một cái bếp dầu.
Phải nói rằng, người mừng nhất là bố tôi. Ông đã đỡ ốm, có thể chống gậy đi lại, ông luôn cười vì cuối cùng thằng con út của ông cũng đã về, lại được nhận ngay vào làm việc. Ông cũng bắt đầu nghĩ đến việc tìm vợ cho tôi. Miệng ông luôn cười, mắt ông sáng rõ, bộ râu bạc phơ, gãy rụng sau nhiều năm ốm yếu bỗng nhiên tươi tắn. Ông vẫn thủ thỉ với tôi sẽ lấy đứa này, con gái ông kia làm vợ cho tôi.
Người Tày quê tôi là vậy, đến thời tôi, chuyện hỏi vợ, gả chồng vẫn chủ yếu là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, tất nhiên không quá áp đặt như xưa. Riêng gia đình tôi, có cả thảy 6 anh chị em, cơ bản vẫn là cha mẹ xin cưới hỏi. Chỉ riêng tôi và ông anh họ đi Đức là tự tìm hiểu mà thành vợ chồng.
Khi ấy tôi vẫn chỉ cười trừ, không phản đối, cũng không đồng ý, vì tôi không muốn cãi lời, nhưng thực sự vẫn chưa muốn lấy vợ và càng không bao giờ nghĩ mình sẽ sống với 2 từ cán bộ ở Cao Bằng cho đến hết đời.
2. Cũng thời kỳ đó, tôi bắt đầu làm quen với báo chí. Thú thực, trước đó và cả thời học sinh, sinh viên, tôi chưa bao giờ thích đọc báo! Thứ duy nhất tôi đọc thời sinh viên là Văn nghệ Quân đội, tờ tạp chí in rất đơn giản với giấy pơ-luya màu ngả vàng, tôi thích đọc truyện ngắn và bút ký. Tôi thích đọc những thứ gì đó rất già, chứ không phải những chuyện vui vẻ, tưng tửng của các tờ báo dành cho lứa tuổi của mình.
Tôi không nghĩ và chưa bao giờ dám nghĩ mình làm gì đó liên quan đến chữ nghĩa. Tôi lại học chuyên Toán, nên môn Ngữ văn của tôi cực kém, tôi chuyên viết sai chính tả, không phân biệt nổi đâu là mở bài, đâu là kết luận, ngữ pháp của tôi thật tồi tệ. Hồi thi vào trường Nhạc họa, môn Văn tôi chỉ được 2 điểm rưỡi, nhưng vẫn đỗ vì các môn hình họa và bố cục màu đạt điểm cao.
Chưa bao giờ tôi viết cái gì đó kiểu nhật ký hay thư từ dài quá một gang tay. Tôi thấy mình hành văn lủng củng, tối nghĩa và cực kỳ sợ viết lách. Vì thế trong đầu tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo, sống trọn vẹn cả cuộc đời với chữ nghĩa.
Tôi bắt đầu tò mò về viết báo chỉ vì nhuận bút! Vì làm trình bày cho tờ báo nên tôi thấy những bài viết, các mẩu tin trên báo được trả nhuận bút. Báo địa phương nhuận bút thấp tí ti, cái tin được 20 ngàn, cái bài dài khoảng bàn tay được 50 đến 70 ngàn… Và nếu viết nhiều những tin bài kiểu thế mỗi tháng cũng kiếm được vài trăm ngàn. Trên báo cũng có mục văn nghệ, in thơ và những tản văn nhỏ của các văn nghệ sĩ địa phương, cũng nhuận bút kiểu nho nhỏ như vậy. Nếu viết chăm chỉ còn có tiền nhuận bút cao hơn cả lương tháng.
Vốn yêu thích văn nghệ, nên tôi quyết định thử đặt bút viết một truyện ngắn, nói chính xác là kiểu chuyện kể. Chuyện đó cũng đơn giản nhưng cấu trúc có phần cầu kỳ, nhân vật có chút tâm tư, diễn biến tâm lý và thỉnh thoảng có tình huống, cao trào…
Đại loại như vậy, tôi viết chuyện liên quan đến rắn vì năm đó là năm Đinh Tỵ - tờ báo Tết cần nhiều bài kiểu văn nghệ. Tôi đã lấy bút danh là Ngọc Khê để giấu tên thật của mình, phần vì tôi không tự tin, phần vì tôi sợ Tổng biên tập biết tôi viết sẽ không in.
Nhưng thật bất ngờ, ông Tổng biên tập lại khen bài viết đó, ông ấy hỏi: “Ngọc Khê là tác giả nào mà viết lạ thế?” Phải nói là tôi sướng rơn người, cảm giác mình có thể viết cứ lâng lâng trong đầu, có gì đó rất kỳ lạ, bồi hồi, pha đôi chút hoang mang.
Cũng thời gian đó, xuất hiện một nhà thơ - người rất quan trọng với cuộc đời tôi, cũng là do duyên phận tốt đẹp của cuộc đời mà sau này ông trở thành bố vợ tôi - nhà thơ Y Phương!
Hồi ấy nhà thơ đang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, có tờ tạp chí văn nghệ Phja Bjoóc, một dạng tạp chí của hội văn nghệ địa phương. Ông cũng là người huyện Trùng Khánh - đồng hương tôi. Vì làm Chủ tịch Hội nên ông thường viết cho mục văn nghệ của báo Cao Bằng, có thể vô tình ông đã đọc những truyện ngắn hay tản văn gì đó của tôi. Ông đã tìm tôi động viên, rồi mời cộng tác với tờ văn nghệ của Hội.
Tôi rất xúc động và thêm phần tự tin khi được ông và một số văn nghệ sĩ địa phương khuyến khích! Họ cũng vui vẻ kết nạp tôi vào Hội, hàng ngày gặp nhau trò chuyện về văn chương, chia sẻ những sáng tác mới. Đặc biệt hơn nữa, con gái của ông lại học cùng trường chuyên với tôi thời phổ thông, chúng tôi có biết nhau dù không nhiều vì tôi học trước cô ấy 2 khóa.
Và sau này chúng tôi đã yêu nhau và trở thành vợ chồng, trong đó có sự tác thành rất lớn của chính nhà thơ - bố vợ tôi!
3. Vào một buổi trưa Hè, năm 2000 tròn trĩnh, tôi đang ngồi viết bài ở phòng phóng viên thì có nhà báo Trịnh Phương - một đồng nghiệp của tôi - gọi rõ to: “A Sáng! Cậu có truyện ngắn in trên tờ Văn nghệ Trẻ này!”. Tôi như không tin vào tai mình.
Và hôm ấy, giữa trưa Hè oi ả, tôi cầm tờ Văn nghệ Trẻ, truyện ngắn của tôi in hoàng tránh ngay trang nhất, có kèm minh họa rất đẹp của họa sĩ Lê Tiến Vượng. Phải cố gắng lắm tôi mới không òa khóc! Lần đầu tiên chữ nghĩa của tôi, tên của tôi được in trân trọng trên trang nhất của một tờ báo văn nghệ hàng đầu Việt Nam! Tôi cứ lẩn mẩn cầm tờ báo, đọc không sót một chữ nào - những con chữ do chính mình viết ra.
Sau khoảng 2 năm về Cao Bằng tôi đã có thêm một nghề mới - nghề viết lách - có chỗ đứng nhất định trong làng báo. Có thêm thu nhập, sống không đến nỗi chật vật ở mảnh đất đã sinh ra tôi.
Nghề này đã chọn tôi, cho tôi một khám phá mới về chính bản thân mình, cũng là cái chìa khóa để tôi bắt đầu với một giấc mơ văn chương. Cũng chính nghề này đã đưa tôi quay trở lại Hà Nội sau khi cha tôi mất. Từ đó giấc mơ với nghề vẽ lại được thắp sáng, tôi chính thức trở thành công dân Hà thành sau những tháng ngày về núi với một cơ duyên thật đẹp.
Hoàng A Sáng (họa sĩ)
Tags