Sóng ngầm tranh cãi quanh 'Hamlet' Ấn Độ

Thứ Năm, 31/07/2014 09:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Phim Haider của Ấn Độ, dàn dựng theo vở bi kịch Hamlet của William Shakespeare, được lên kế hoạch phát hành vào mùa Thu. Tuy nhiên ngay từ bây giờ, phim được dự báo sẽ gây tranh cãi lớn về nội dung.

Trước khi bắt tay vào làm Haider, đạo diễn Vishal Bhardwaj đã giành được sự ca ngợi sau khi chuyển thể vở Macbeth thành tác phẩm điện ảnh Ấn Độ. Anh còn đưa cả vở Othello lên màn bạc.

Dựa vào kịch Shakespeare để nói về Kashmir

“Shakespeare là nhà viết kịch gây ấn tượng sâu sắc trong hàng trăm năm qua. Các vở kịch với những câu chuyện đầy tính xung đột của ông vẫn còn giá trị trong thời hiện đại” - đạo diễn Bhardwaj nhận xét.

Trong các phim dựa trên kịch Shakespeare của Bhardwaj, chỉ có phần khung câu chuyện là được giữ lại, còn nhân vật và bối cảnh đều được "Ấn Độ hóa". Ví dụ, nhân vật Macbeth được thay đổi thành một thủ lĩnh băng đảng Ấn Độ trong tác phẩm chuyển thể.


Đạo diễn Ấn Độ Vishal Bhardwaj

Tương tự trong Haider, Bhardwaj đã biến Hamlet, người là hoàng tử Đan Mạch, thành một sinh viên Triết học đến từ Kashmir có tên Haider (do ngôi sao đang lên Shahid Kapoor thủ vai).

Ophelia, người yêu của Hamlet, trở thành một nhà báo trẻ. Polonius thành một viên cảnh sát độc ác, nham hiểm còn Laertes làm việc cho một tổ chức đa quốc gia.

Phim Haider có sự tham gia diễn xuất của những tên tuổi lớn nhất Ấn Độ, gồm Irrfan Khan, người từng thủ vai cảnh sát trong phim đoạt giải Oscar Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột), và Tabu, nổi tiếng quốc tế với vai diễn trong phim The Life Of Pi (Cuộc đời của Pi).

Vẫn mang phong cách làm phim đặc trưng của Ấn Độ nên phim sẽ có nhiều màn múa hát. Tuy nhiên do có bối cảnh trong những năm 1990, thời điểm xảy ra nhiều cuộc giao tranh dữ dội giữa phiến quân Kashmir với các lực lượng an ninh Ấn Độ nên Haider nhiều khả năng sẽ gây tranh cãi lớn. Khả năng này càng lớn do phim có các cảnh tra tấn trong doanh trại quân đội Ấn Độ, bên cạnh nhiều vấn đề khác liên quan tới nhân quyền.

Tuy tình trạng bạo lực ở Kashmir đã giảm đi trong vài năm trở lại đây, song ở Ấn Độ, cuộc xung đột này vẫn là vấn đề rất nhạy cảm. “Những gì xảy ra ở Kashmir là bi kịch của loài người, song không ai đề cập đến chuyện này. Tôi chỉ cố gắng mô tả sự thật trong phim của mình” – Bhardwaj cho biết.

Sức sống lâu bền của kịch Shakespeare ở Ấn Độ

Được biết tác giả kịch bản phim là Basharat Peer, nhà văn, nhà báo sinh ra ở Kashmir. Trong phim không có nhiều màn độc thoại của Hamlet như trong vở kịch gốc, song vẫn còn những câu nói bất hủ.

Ví dụ Haider đã hỏi “tồn tại hay không tồn tại" lúc anh chĩa súng ngắn vào đầu mình. Phim cũng giữ lại những cảnh nổi tiếng của vở kịch, như đoạn Haider quyết định không giết người chú của mình khi ông ta đang quỳ gối cầu nguyện.


Haider được đánh giá sẽ gây tranh cãi khi ra mắt

Đối với Peer, chuyển thể vở kịch của một nhà soạn kịch Anh sống cách đây 4 thế kỷ với bối cảnh ở Đan Mạch thành một câu chuyện mang tính đương đại ở Ấn Độ là điều không hề dễ dàng. Ông hy vọng bộ phim sẽ đưa ra một quan điểm khác về cuộc xung đột Kashmir.

“Lâu nay người Kashmir luôn bị mô tả như những kẻ cuồng tín điên rồ còn mảnh đất Kashmir chỉ được nhìn nhận đơn giản như một điểm đến đẹp. Haider sẽ mang tới cho khán giả cái nhìn khác ngoài những điều này" - Peer nói.

Trong một thời gian dài, các đạo diễn Bollywood luôn tìm nguồn cảm hứng sáng tạo từ kịch của Shakespeare. Ví dụ quả bom tấn Romeo And Juliet của điện ảnh Ấn Độ ra mắt gần đây được dàn dựng theo vở kịch cùng tên. Tương tự, vở A Midsummer Night's Dream do Shakespeare sáng tác vào khoảng năm 1590-1596, cũng đã được Bollywood đưa lên màn bạc. Trong khi đó phim Angoor (1992) đã được đạo diễn Bollywood Gulzar chuyển thể từ vở kịch A Comedy Of Errors.

Người Ấn Độ hiện vẫn rất quan tâm tới các tác phẩm của Shakespeare. Truyền thống này thực tế đã hình thành từ thế kỷ 19, thời điểm các nhóm biểu diễn kịch nổi tiếng ở Ấn Độ thường chỉ trình diễn kịch của ông.

Ngoài ra, thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, các nhà làm phim cũng thi nhau đưa kịch Shakespeare lên màn bạc. Đây là những lý do khiến tác phẩm của ông có sức sống lâu bền ở vùng đất này.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›