Bỏ phố về quê tốn kém hơn mọi người vẫn nghĩ!
Về quê sống nhàn lắm, cứ kiếm được ít tỷ bỏ ngân hàng. Sáng thong thả ăn sáng, uống cafe, làm việc đến 10h30, nghỉ ngơi đọc sách. 2h chiều lại làm việc đến 4h, chơi thể thao nhẹ nhàng, tối đến đi dạo, thư giãn rồi ngủ thôi. Còn số tiền cầm về, gửi ngân hàng mỗi tháng lãi vài triệu để tiêu...
"Đây là lời tụi mình bàn nhau trong 1 buổi trà chiều. Nghe thì cũng có vẻ dễ sống, nhưng trải qua 1 khoảng thời gian, mình mới hiểu. Nếu chưa thực sự chuẩn bị kỹ càng, đừng bỏ phố về quê, để rồi vỡ mộng, hết tiền!" Nguyễn Đại (28 tuổi, Ninh Bình) chia sẻ về câu chuyện của mình.
Khác với Đại, Long Nguyễn (25 tuổi, Nghệ An) cũng về quê, nhưng lại có nhiều trải nghiệm tích cực hơn: "Vừa ra trường, bố bắt về gần nhà để làm việc. Có lẽ là do bố mẹ muốn gần con cái hơn. Mình cũng xin bố cho 1 năm ở lại Hà Nội, rồi mới chuyển hẳn về. Và đầu năm 2022, mình đã giữ đúng lời hứa. Hóa ra, về quê sống lại là cảm giác này”.
Về quê tiêu tiền gấp 3 lần ở thành phố
25 tuổi, không giống phần đông bạn bè, Long Nguyễn lựa chọn cuộc sống có phần dễ thở hơn. Một công việc ổn định trong doanh nghiệp nhà nước, có nhà, có xe,... Đây là những điều kiện gia đình Long đưa ra để có thể thuyết phục cậu bỏ phố về quê.
"Lúc vừa ra trường, quả thực mình cũng không sẵn sàng để về quê. Vì tuổi trẻ mà, sống ở quê thì buồn chán lắm. Không có nhiều chỗ chơi như ngoài Hà Nội, cũng chẳng có nhiều bạn bè. Nhưng trải nghiệm hơn 1 năm ở Hà Nội lại khiến mình nghĩ lại.
Những ngày tháng lăn lộn vất vả, lương tháng 10 triệu. Sáng đi làm, tối về nhà, 1 bữa cơm hoàn chỉnh cũng chẳng có. Những cuộc vui chơi dần chẳng còn nhiều ý nghĩa. Nên khi bố mẹ giục lần nữa, mình đã về nhà. Và có lẽ quyết định này đúng. Cuộc sống dễ dàng hơn nhiều. Nhưng có 1 điều mình cảm thấy phố và quê giống nhau, đó là tốn tiền!
Số tiền mình tiêu, lại có ý nghĩa hơn. Không phải tiêu tiền cho những bữa tiệc tùng, du lịch, vui chơi ăn uống ở đâu đó,... mà là tiêu cho sở thích trồng lan, nuôi cá. Mình đã chi hơn trăm triệu để nuôi dàn hoa lan này, và bể cá cảnh cũng tốn kém chẳng ít. So với ngày ở thành phố, thì số tiền mình tiêu trong một năm lúc ở quê chắc là nhiều gấp 3 lần”.
Vậy nên, Nguyễn Đại cũng đưa ra lời khẳng định: "Chưa chuẩn bị kỹ thì đừng nghĩ chuyện ở quê!".
Mọi người thường nghĩ, chi tiêu ở quê sẽ chẳng đáng mấy, thà về làm lương ít hơn hồi ở phố. Nhưng không tính toán chi tiêu thì quả thực là ở đâu cũng sẽ tốn kém. Đại chia sẻ: "Không phải ai cũng có bố mẹ giúp đỡ để cuộc sống dễ dàng hơn. Nhà mình có 6 anh chị em, mỗi người một ngả. Ai cũng kiếm ra tiền nên chẳng có ý định về quê. Riêng mình, 2 năm đại dịch khiến bản thân muốn nghỉ ngơi và gần gũi gia đình hơn, nên chọn về quê vài năm để lấy lại sức sống. Cũng thử trải nghiệm xem lời tụi bạn nói có đúng không?
Thời gian đầu, với số tiền còn lại trong tài khoản tiết kiệm, mình nghĩ là ổn. Nhưng với thói quen chi tiêu lúc còn ở TP.HCM không thay đổi ngay được, nên số tiền vơi đi cũng kha khá.
Tụ tập bạn bè, sống tự do không giờ giấc, cafe có ngày 2 chầu, những buổi bi-a,... và thứ khiến mình thấy khủng khiếp nhất, đó là lời bàn tán của họ hàng, hàng xóm "thằng này không đi làm hay sao mà cứ thấy ở nhà?". Thật ra là mình muốn nghỉ ngơi vài năm, chứ có phải là dạng thất nghiệp nuôi tốn cơm tốn áo đâu mà phải buông lời như thế? Khoản tiết kiệm được lúc đó mình thấy, có lẽ là cơm nhà, ngày 3 bữa ba má nuôi”.
Sống theo kiểu cứ hết tiền lại kiếm, tốt nhất không về quê
"Không có tiền thì cũng khó phiền được thiên hạ" - Đại chia sẻ: "Lúc không còn tiền, đến việc đi chơi cũng lười nghĩ. Xác định ở quê vài năm nhưng không lên kế hoạch kỹ càng khiến mình nhiều lần rơi vào hoàn cảnh chật vật. Trước đây làm ở thành phố, lương tháng 30 triệu nhưng về quê, lại như thất nghiệp. Ở đâu thì cũng cần tiền - đây là chân lý mà mình rút ra được, sau khoảng 3 năm ở quê.
Cho dù sống ở đâu thì nơi đó cũng sẽ như 1 cái chợ: có kẻ bán và người mua. Chỉ là chợ phố thì khác chợ quê, cần nhiều tiền hơn mới sống được. Số tiền tích lũy được sẽ rất nhanh chóng thâm hụt nếu như không có đầu vào. Nếu chưa biết về quê để làm gì, thì mình nghĩ tốt nhất là không nên về!".
Còn Long, người đã có 1 cuộc sống được an bài từ A-Z nên về quê có phần dễ thở hơn. Tiền thì vẫn tiêu đều nhưng có 1 số điểm thực tế mà anh bạn cũng muốn làm sáng tỏ:
"Không phải cứ về quê là sướng. Bản thân mình, nếu bố mẹ không có nền tảng kinh tế vững chắc, có lẽ cũng chẳng dám mạo hiểm về quê. Mình đang ở nhà bố mẹ xây, đi xe bố mẹ mua, và tiêu tiền lương hàng tháng. Những thứ mình thích, bố mẹ sẵn sàng chu cấp, nhưng không có nghĩa là được tiêu xài lung tung. Tất cả số tiền mình được đầu tư ở thời điểm hiện tại, đều được ghi giấy nợ. Bố vẫn hay nhắc: "Sau này làm được nhớ đem tiền trả tao". Biết là câu nói đùa, nhưng tâm niệm mình vẫn là kiếm tiền để nuôi và phụng dưỡng bố mẹ khi về già. Vậy nên, từng đồng từng cắc đem ra tiêu xài, đều được mình tính toán kỹ lưỡng”.
Về căn bản thì sống ở phố hay ở quê đều sẽ tốt, nếu như tài chính của bạn vững. Bản chất của việc lựa chọn nơi ở chỉ như là tìm kiếm không gian sống phù hợp với bản thân hơn. Người ta thường có xu hướng từ bỏ nơi bất lợi, để tìm về nơi có lợi.
Theo số đông, những người sống phụ thuộc vào lương tháng, thì thành phố là nơi có nhiều cơ hội phát triển. Tiêu hết tiền lại kiếm được tiền. Vòng tuần hoàn đó níu giữ họ lại. Để rồi đôi khi mệt mỏi quá, tìm về nơi bình yên hơn để thư giãn.
Như Nguyễn Đại, cuối cùng thì vẫn phải quay trở lại thành phố làm việc, kiếm tiền, sau những ngày nghỉ kéo dài, vì không còn lựa chọn nào tốt hơn. Nhưng cũng có người, như Long Nguyễn, thích đi nhiều nơi để gom trải nghiệm, hợp với cuộc sống ở quê vì có nhiều lợi thế hơn. Vậy nên, ở phố hay về quê, hãy tìm kiếm sự phù hợp và có sự tính toán kỹ càng!
Tags