(Thethaovanhoa.vn) - 1. Trong cuốn sách nghiên cứu Song xưa phố cũ, tác giả Trần Hậu Yên Thế viết:
“Đồ án lan can được nhóm thiết kế lựa chọn là những đường chéo đan rất khéo để ai có dư trí tưởng tượng có thể hình dung nó như tấm thân rồng.
Từ hàng lan can này, một ngày nước lũ nhìn xuống dòng nước sông Cái cuồn cuộn mới cảm nhận hết cái giỏi của một người thiết kế đến từ phương trời khác”.
(Trang 284, Song xưa phố cũ, Trần Hậu Yên Thế, NXB Thế giới, 2013).
Kèm với đoạn ghi chép trên, tác giả Trần Hậu Yên Thế còn đồ họa lại cả một đoạn lan can, để người xem dễ hình dung về “tấm thân rồng”. Tất nhiên, độc giả bình thường như chúng ta, có lẽ cũng không có “dư trí tưởng tượng” lắm, cho nên cũng chỉ thấy những hình số 8 liên tiếp, phải “siêu tưởng” mới thấy nhang nhác các khúc uốn của con rồng thời Lý.
Dầu thế, cũng đủ để người đọc bái phục trước phát hiện này của anh về một công trình đã quá ư quen thuộc - cầu Long Biên - vốn đã nhận được vô số lời tán tụng. Cầu Long Biên rất đẹp, một vẻ đẹp rất “hậu công nghiệp”, khoáng đạt, mạnh mẽ; nhưng cũng rất tỉ mỉ, tinh tế đến mức duy mỹ qua từng họa tiết lan can.
2. Lối nghiên cứu của Trần Hậu Yên Thế là như vậy, hết sức tỉ mỉ, tinh tế, luôn chiết xuất ra được những so sánh, liên tưởng, lại khảo cứu được cả nguồn gốc ra đời và niên đại của đối tượng nữa. Anh duy mỹ đến từng centimet...
Không phải ngẫu nhiên mà Song xưa phố cũ từng đoạt giải Bùi Xuân Phái năm 2014, sau đó lại được thêm giải Sách hay và giải Sách đẹp của giải thưởng Sách Việt Nam trao đầu năm nay.
Tiếc là không phải lúc nào người đọc chúng ta cũng đọc... tỉ mỉ đến từng câu chữ, thậm chí từng trang sách như thế. Sách được giải, được tôn vinh, chúng ta biết vậy thôi, thậm chí có được đề tặng cũng chưa chắc đã mở quá vài trang đầu. Nếu đã đọc, hẳn rằng, nay mai, lên chơi cầu Long Biên, chúng ta sẽ tìm đến đoạn lan can sắt đó để trải nghiệm cảm giác về “tấm thân rồng” như mô tả của tác giả.
Trang 261 của cuốn sách có viết về ô sáng nhà số 10B Tràng Thi - một địa điểm không hề xa lạ với “dân chơi Hà thành” khi nó còn là vũ trường New Century Club. Có lẽ trước Trần Hậu Yên Thế, chẳng có ai ra vào hay đi ngang qua vũ trường này lại để ý rằng phía sau cái logo New Century nhấp nháy ấy là một bức tranh kính màu khổ lớn có “cách phân chia bề mặt theo lối trang trí hiện đại gần với nghệ thuật trừu tượng”, “là bức tranh kính lớn nhất và tân kỳ nhất Đông Dương từ thập niên 30 của thế kỷ trước”.
Anh viết tiếp: “Cũng ở địa chỉ này còn có một ô sáng là tấm tranh kính màu lớn khác có nhiều tia nhỏ chiếu tỏa đi bốn góc. Tiếc rằng khi xây dựng siêu thị Nguyễn Kim, người ta đã dỡ bỏ, nay không rõ tấm tranh kính này đi đâu”?
Một câu hỏi rất cần bạn đọc trả lời. Bởi nếu tỉ mỉ đọc đến đoạn này, nhà quản lý đã có thể tìm lại bức tranh kính được cho là quý giá đó để đưa vào Bảo tàng Hà Nội. Còn độc giả nhanh chân thì có thể chạy ra đó sưu tầm, biết đâu đấy, nó vẫn nằm lăn lóc trong xó xỉnh nào đó để chờ được bán cho đồng nát?
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags