1. Hàng trăm du khách đã có mặt trong khuôn viên nhà Thái Học (Văn Miếu) khi PV Thể thao&Văn hóa tới đây trong sáng mùng 4 Tết. Khá trật tự, họ xếp hàng theo hình chữ U với 2 rào chắn được Ban tổ chức bố trí, để rồi lần lượt bước vào nơi cho chữ. Ước chừng, 20 "ông đồ" có mặt tại đây.
Tính ra, mỗi du khách mất khoảng nửa tiếng để xếp hàng, 15 phút để "ông đồ" cho chữ, rồi lại mất thêm 15 phút nữa để chờ những nét mực Tàu ráo hẳn. Người đông, phía sau nhà Thái Học bỗng trở thành nơi... phơi chữ, với những nét mặt hớn hở và đôi tay nâng cao vuông giấy điều của chủ nhân.
Ngược lại, ở Hồ Văn (đối diện Văn Miếu), gần 70 ông đồ khác ngồi nhàn rỗi trong những chiếc lều của mình. Khách tới đây thưa hơn, ít nhiều với tâm lý ngại ngần vì phải băng qua lòng phố đầy xe cộ. "Địa lợi" không có, nhiều ông đồ ngồi thong thả uống trà, xem sách, thậm chí là chạy sang lều của nhau để “buôn chuyện” – khi mà tâm lý chung của du khách vẫn chỉ là... qua để ngắm cảnh, rồi lại quay về xin chữ tại Văn Miếu bên kia đường.
Hiếm hoi, gian hàng đông nhất trong Hồ Văn thuộc về vị trí của nhà thư pháp Cung Khắc Lược, người khá nổi tiếng trong giới Thư pháp hơn chục năm qua. Như lời ông, cảnh "sốt chữ" trong khuôn viên Văn Miêu cũng là điều dễ hiểu - khi thay vì tải ra tứ phía như mọi năm, người xin chữ năm nay lại nhất mực chỉ muốn dồn về khu "đất thiêng" này.
Năm 2014, khi các ông đồ lần đầu tiên bị "quy hoạch" vào Hồ Văn, nhà thư pháp Cung Khắc Lược cũng là người ứng mạnh mẽ nhất. Như lời ông, "phố ông đồ" cũ nằm dọc theo bức tường gạch và hè phố Văn Miếu không chỉ đẹp về cảnh mà còn "đắc địa" cả về lịch sử và văn hóa để trở thành nơi cho chữ. Bởi theo sử liệu cũ, 800 năm trước, hè phố ấy chính là Tả Thanh Môn, nơi sĩ tử cả nước dồn về để chờ tới lúc vào thi.
Cũng năm ngoái, sau vài ngày vắng khách, các ông đồ từ Hồ Văn lại tràn ra tổ chức cho chữ theo kiểu "du kích" trên hè phố Văn Miếu. Còn năm nay, sự nghiêm cẩn của Ban tổ chức khiến tình trạng này không còn xảy ra. Lựa chọn của người xin chữ chỉ là vào Hồ Văn – nếu không quá khó tính - hoặc bước sang Văn Miếu và chờ một tiếng để có được mấy chữ cho mình.
2. Chuyện "hoài cổ" không chỉ diễn ra với những du khách nhất định chỉ muốn xin chữ tại Văn Miếu. Ngay với bản thân các nhà thư pháp, cách xin chữ bây giờ cũng đã khiến cho nét đẹp vốn có của truyền thống này phai nhạt hẳn so ban đầu. Như những gì họ chia sẻ trên các diễn đàn dành cho người yêu thư pháp, người xin chữ khi xưa phải mua giấy mực, cung kính tới gặp những bậc thầy thư pháp để chia sẻ chuyện trò, rồi chờ người cho chữ dựa vào sở học đi kèm để chọn chữ viết ra – chứ không thể là cảnh chứ không phải là cảnh "bán chữ" ào ào theo yêu cầu người mua như hiện tại
"Một thời gian dài vừa qua, chúng ta mải chạy theo những giá trị văn hóa hiện đại, hoặc đến từ phương Tây. Để rồi, tới một giai đoạn nhất định, khi đã bão hòa về những giá trị này, người ta lại ít nhiều có xu hướng nệ cổ, hoài cổ và tìm về những giá trị cũ bị bỏ quên" – Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội và phát triển), giải thích về sự xuất hiện ngày một nhiều của những người đi xin chữ. "Nhưng, thẳng thắn mà nói, trong sự trở lại ấy tất yếu có cả hội chứng về tâm lý đám đông. Bởi vậy, việc nhiều bạn trẻ chưa thật hiểu, thật yêu về chữ Hán và nghệ thuật thư pháp mà vẫn muốn đi xin chữ cũng là bình thường".
Ở Văn Miếu năm nay, các ông đồ phải bán cả chữ viết sẵn để phục vụ những người muốn tiết kiệm thời gian, hoặc đưa ra danh sách những câu Hán tự có kèm chú giải để người mua lựa chọn. Muốn hay không, sự biến đổi từ một phong tục truyền thống sang hình thức "mua bán lấy may", thậm chí coi thư pháp như một thứ đồ trang trí ấy vẫn đang diễn ra, bất chấp sự bực bội của một số ít người đủ đam mê với thứ nghệ thuật này.
Nhu cầu của số đông cũng chỉ đến vậy, các ông đồ của năm 2015 có nên triền miên hoài cổ nữa?
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags